| Hotline: 0983.970.780

Ông bà ta ngày xưa dùng giun làm thuốc chữa bệnh gì?

Thứ Ba 05/03/2019 , 14:30 (GMT+7)

Chị Nguyễn Thị Liên - Chủ trại giun quế GHT người tiên phong trong việc nuôi giun làm thuốc, thực phẩm đưa cho tôi mấy bài của ông Nguyễn An Định (con của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) viết cách đây cũng đã lâu.

NNVN xin được trích đăng để các nhà khoa học tiện bề đánh giá lại công hiệu của nó, nếu có tác dụng thực sự thì phổ biến cho nhiều người biết.
 

Hai cuốn sách cùng một bài thuốc

“…Có quyển sách thuốc Nam in đầu thế kỷ 20 mang tên “Thần dược cứu mệnh” giới thiệu một bài thuốc thần “cứu người sau bốn khắc”. Trong quyển “Hai trăm bài thuốc quý” của ông Lê Văn Tĩnh, Sa Đéc, in khoảng năm 1940, cũng có một bài giống y như vậy, đề là “chủ trị lâm ban, ôn dịch và các bệnh nan y, công hiệu như thần, bệnh lui sau 60 phút”… Vị thuốc thần đó chính là vị thuốc có tên “địa long” - con rồng trong đất.

Chị Liên nói chuyện cùng ông Định

Ở Trung Quốc và Việt Nam, vị địa long có mặt trong nhiều thang thuốc trị bệnh hiểm nghèo hoặc để cấp cứu người sắp chết. Nhân dân Hàn Quốc có thói quen ăn cháo địa long trước khi ngủ, để tẩm bổ và để trị bá bệnh. Đêm đêm, cháo địa long có bán tại các thị trấn và ngay cả ở thủ đô. Gần đây trong thời gian Thế vận hội Olympic Seoul, vì ngại người nước ngoài không hiểu vị thuốc quý mà coi thường nhân dân Nam Hàn nên Chính phủ đã cấm bán cháo địa long trong thời gian Thế vận hội.

Vậy “địa long” là gì? Nó chính là con trùn đất, loại có màu sẫm đen, ánh xanh ở cổ, to bằng đầu đũa hoặc to hơn, khi đào trúng nó, nó không giãy giụa, co thành một nùi tròn nằm im. “Thần dược cứu mệnh” phân tích tính dược của trùn đất, cho rằng nó có khả năng làm dai mạch máu và dây thần kinh, nối liền các chỗ dây thần kinh bị dứt, các mạch máu bị nứt rách, hồi phục sự sống cho các tế bào… Cho nên, chỉ sau sáu mươi phút bệnh phải lui, mọi hiện tượng lâm sàng đều biến mất. Do đó địa long được dùng và công hiệu rất nhanh chóng trong các trường hợp: Cửu khiếu xuất huyết, não bộ xuất huyết, ngũ tạng, lục phủ xuất huyết, phù thận, phù gan, phù toàn thân, phù tim, đột ngột phát điên không rõ nguyên do có sốt hoặc không có sốt, bí đại tiểu tiện, bí trung tiện, bụng báng trướng nước…

Thành phần các chất trong giun khô phân tích được

Lúc nhỏ tôi rất mê ngành y dược. Các sách chữ Pháp dành cho các y bác sĩ nghiên cứu kỹ về nhi khoa, sản khoa, đa khoa, giải phẫu… đọc rất khó hiểu và rất đắt tiền tôi cũng ráng mua để nghiên cứu. Hai quyển sách thuốc “Thần dược cứu mệnh” và “200 bài thuốc quý” tôi coi như vàng ngọc. Đi kháng chiến, hai quyển đó nằm dưới đáy ba lô tôi, theo tôi suốt chín năm, giúp tôi trị bệnh cứu người. Chỉ riêng năm 1953 và nửa đầu năm 1954 tôi đã cứu gần trăm người, coi như giật lại từ tay thần chết. Trong cuộc giành giật đó, có lần tôi đã chạm trán cả với một vị danh y mà trước đó các nhà điền chủ lớn ở Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu thường đưa xe hơi hoặc ghe máy đến tận nhà để rước ông.

Năm đó ở vùng giáp bốn tỉnh này có một đợt dịch bệnh, phần lớn là các cháu nhỏ từ 9 - 10 tuổi đến 15 - 17 tuổi, đa số là gái, các cháu trai và người lớn ít bị hơn. Hiện tượng là xuất huyết nội tạng, xuất huyết cửu khiếu, xuất huyết dưới da (nổi vệt đỏ bầm tím, xanh đen khắp người) hôn mê bất tỉnh nằm im như xác chết… Lần đó cháu gái hôn mê đã 8 ngày, mình đầy các vệt tím. Gia đình đã rước được vị danh y nổi tiếng nói trên nhưng ông đến xong lại từ chối không trị bệnh cho cháu chỉ vì trong số 30 - 40 vệt bầm đen trên da cháu có một vệt đen kịt to bằng đầu ngón tay nằm đúng giữa hai đầu lông mày. Ông cho đó là điềm báo không thể cứu sống. Sợ mất uy tín thầy nên ông không hốt thuốc.

Tình cờ tôi đến thấy má cháu đang quỳ lạy van xin ông cứu cháu mà ông một mực chối từ. Nghe mạch tại tim, thấy còn tiếng thoi thóp rất yếu, tôi nói: Thưa thầy, thầy quyết bỏ, thì con xin phép thầy cho con cứu cháu. Em mà cứu được hả? Có thấy vệt đen ngay huyệt tam tinh không mà em liều mạng vậy? Tôi hỏi em, sau khi em đổ thuốc thì bao lâu cháu tỉnh lại? Em nói được, tôi sẽ để cho em đổ thuốc. Thưa thầy bài thuốc của con cháu uống xong chỉ độ 63 - 65 phút sau cháu sẽ mở mắt. Thầy trợn tròn mắt, đỏ mặt tía tai, lườm tôi rồi quát: Chủ nhà đâu, đem cho tôi cái đồng hồ bàn. Ông dằn mạnh đồng hồ lên bàn, nói: Được rồi! Có đồng hồ đó. Tôi ở lại coi cháu nhỏ tỉnh dậy.

Có kinh nghiệm cả trăm lần rồi, tôi rất tin ở bài thuốc. Tôi đi nấu rồi cạy răng đổ cho cháu uống. Quả nhiên tới phút 63 cháu mở mắt, đến phút thư 65 cháu đòi đỡ ngồi dậy, đòi uống nước ăn cháo, đòi cho đi tiêu, tiểu. Tiếng cháu rất yếu, hai mắt cháu toàn tròng trắng, không thấy tí tròng đen nào. Nhưng tay chân cháu đã ấm, da hết tái xanh. Rõ ràng cháu đã sống lại.

Ông Nguyễn An Định kể về bài thuốc

Ông thầy thuốc với hai tay lên đầu, lột khăn đóng xuống chắp tay trước ngực nói: Lúc nãy em kêu tôi bằng thầy, bây giờ tôi phải lạy em ba lạy mà kêu em bằng thầy. Xin thầy thông cảm cho, vì thầy trẻ quá, nhỏ hơn con tôi nhiều do đó tôi không quỳ lạy sợ tổn thọ cho thầy. Tôi chỉ xin xá đủ ba xá thay cho ba lạy. Nói xong ông trịnh trọng xá tôi ba xá, đầu cúi sâu thật nghiêm túc. Sau đó ông xin tôi bài thuốc…
 

Cuộc tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế

Cuối năm 1969, ở Hà Nội có đợt dịch bệnh gọi là sốt xuất huyết, được xác định xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta. Các cháu nhỏ chết la liệt, tại bệnh viện lớn có ngày 15 - 17 cháu chết. Nghe nói có dịch bệnh gây chết tràn lan tôi đến các bệnh viện xem. Thấy các dạng bệnh giống y như tôi đã từng gặp, tôi viết ngay một bài, nói rõ về bệnh và phổ biến bài thuốc “Thần dược cứu mệnh”, gởi lên Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Bác gởi phổ biến đi các tỉnh, đồng thời gởi đăng ngay trên báo “Hà Nội mới”. Trong bài viết của tôi có câu: “Đề nghị dùng thuốc này cho các ca bệnh nặng nhất. Bảo đảm 100% sẽ không có tử vong”. Bác sĩ Hưởng đã xóa bỏ đoạn “…Bảo đảm 100%…”. Đọc báo thấy mất đoạn đó, tôi chạy ngay đến nhà bác Bộ trưởng.

Tôi nói: Thưa bác, bác bỏ mất đoạn quan trọng nhất trong bài của cháu. Vì cháu nghĩ, vị chủ của bài thuốc này là con trùn nên nó dễ gây ngại dùng. Bắt con trùn còn gớm, làm thuốc càng ớn hơn, vì vậy để câu đó, người ta tin chắc chắn nó sẽ cứu sống người bệnh, do đó người ta ráng không gớm, ráng bằng mọi giá làm thuốc để cứu bệnh nhân. Bác Hưởng nói: Giả dụ người bệnh đến giờ phải chết, 5 - 10 phút nữa sẽ chết, mà thuốc của cháu lại cần đến 60 phút mới cứu sống. Vậy làm sao bảo đảm 100% được? Thận trọng vẫn hơn cháu à. Trong ngành y không nên nói câu đó.

Chị Liên đang xay bột giun để làm thuốc

Thưa bác, nhưng kinh nghiệm thực tế của cháu đã cho thấy rõ, thuốc có uống khỏi cổ là đã chắc sẽ sống rồi. Bác Hưởng không bằng lòng nên nói: Tôi nhắc lại, ngành y không cho phép nói bảo đảm cứu sống 100%. Bác cháu tôi tranh luận như vậy.

Nhưng vài tháng sau, tôi nhận được thư mời của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đến hội nghị tổng kết dịch sốt xuất huyết toàn miền Bắc do Sở tổ chức. Trong giấy mời có viết: Trong cuộc chống dịch sốt xuất huyết vừa qua, Bộ có sử dụng bốn bài thuốc Nam do nhân dân đóng góp. Nói chung, thuốc Nam trị bệnh này đạt hiệu quả rõ ràng và nhanh chóng hơn Tây y. Tuy nhiên, trong các bệnh nhân dùng ba bài thuốc kia, vẫn có những ca tử vong. Duy chỉ có bài “trùn đất” của đồng chí là cứu sống 100%, không có ca tử vong nào mặc dù bài thuốc đó đã dùng cho tất cả các bệnh nhân nặng nhất… Ngoài bệnh sốt xuất huyết, thuốc còn trị được các bệnh nào khác?

Cuộc họp đó có khoảng hơn 200 người đến dự, gồm Hội đồng Kỹ thuật của Bộ, các giám đốc bệnh viện quận và huyện ngoại thành, các lương y và sư sãi tham gia trị bệnh cứu người. Báo cáo của tôi trả lời các câu hỏi của đồng chí giám đốc sở cùng nhiều câu hỏi khác, đã được hội nghị vỗ tay hoan hô hồi lâu. Sau hội nghị đó, bác Hưởng mời tôi tới nhà bác và gợi ý: Tôi muốn đề nghị với Bộ Văn hóa biệt phái cháu về Viện Đông y trong thời gian 3 - 5 năm. Ở Viện, tôi sẽ cử cháu phụ trách một tổ nghiên cứu gồm nhiều phó tiến sĩ y dược. Cháu cùng các vị đó sẽ bào chế, biến bài thuốc của cháu thành thuốc chai để uống… chế được thuốc tiêm, ta sẽ đưa đi điều trị cho bảy, tám chục bệnh nhân. Nếu thời gian chấm dứt các hiện tượng làm sáng tỏ vấn đề là 63-65 phút như thuốc thang, coi như ta thành công. Chừng đó bác sẽ cho sản xuất đại trà, bán rộng ra nước ngoài. Bác sẽ để tên thuốc là AV ngầm hiểu là antivirus…

Hồi đó tôi mới lấy xong bằng đại hoc nghệ thuật từ nước ngoài, mới về nước nên còn mê công tác văn học nghệ thuật. Chưa biết say mê ngành y cho nên đã từ chối lời mời của bác… Tôi nói: Thưa bác, cháu làm tổ trưởng tổ nghiên cứu thì làm sao các vị phó tiến sĩ y dược nghe theo lời cháu?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm