| Hotline: 0983.970.780

Thăm trại nuôi giun làm… thực phẩm

Thứ Sáu 01/03/2019 , 15:45 (GMT+7)

Trước khi cho vào máy nghiền, chị nhón tay bỏ một vài con giun khô vào miệng rồi niềm nở: “Chúng được nuôi bằng ngô nghiền, cám gạo nên ngon và thơm lắm! Cậu dùng thử cho biết, ngọt còn hơn cả mì chính!”...

Tôi ý nhị thoái thác bằng cách lôi máy ảnh ra, loay hoay chọn góc chụp.
 

Quý vật gặp quý nhân

Tôi quen chị Nguyễn Thị Liên - chủ trại nuôi giun quế GHT ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội sau khi loạt bài “Đi xem kích giun từ A-Z” được dư luận hết sức quan tâm. Vốn là một trung tá nghỉ hưu không biết gì về nông nghiệp, tình cờ năm 2006, khi được đọc tập tài liệu do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn dịch, đại ý có đoạn viết: Nếu dùng giun quế làm thức ăn chăn nuôi thì tỷ lệ mắc bệnh gần như bằng không bởi nó có loại enzim làm tăng sức đề kháng. Không chỉ thế, loại enzim này còn giúp cho hương vị của thịt tăng lên.

Trại nuôi giun quế của chị Liên

Mê mẩn con giun quế từ đấy, chị tìm đến chuyên gia Nguyễn Lân Hùng để lấy giống về nuôi rồi chăn gà Đông Tảo, gà chín cựa, lợn rừng nhưng đều thất bại bởi quy mô quá nhỏ, bán đắt thì không ai mua mà bán rẻ lại lỗ vốn. Đang trong cơn chán nản, năm 2007, run rủi thế nào chị được cô em gái tặng cho cuốn tạp chí trong đó có bài: “Giun quế chữa đột quỵ” vì có thể làm tan cục máu đông trong não nên ngấu nghiến tìm hiểu. Đọc ngày hôm trước thì hôm sau có người đến mượn chiếc giường gấp cho ông bố đang bị đột quỵ lần thứ ba, tràn máu não diện rộng nằm.

“Thế để tôi chế thuốc cho cụ uống nhé!”. Nghĩ là làm, chị mày mò tạo thuốc theo cách mà tài liệu hướng dẫn, mang đến cho bố người bạn, khi đó đang mê man nên phải uống bằng đường xông. Ngày sau bạn bảo: “Không biết do uống thuốc an cung ngưu hoàng của Trung Quốc hay uống thuốc giun quế của chị mà cụ đã ngọ nguậy được ngón chân cái rồi”.

Chị bảo: “Thế thì cứ uống thuốc an cung ngưu hoàng trước đi, nếu không có hiệu quả hãy dùng thuốc giun quế vì tôi muốn chứng minh tác dụng của nó có đẩy lùi được bệnh sau 65 phút theo như sách nói không”. Anh bạn cho uống an cung ngưu hoàng liên tiếp 3 ngày, mỗi ngày 1 viên mà người bố vẫn không có gì tiến triển nên đến ngày thứ tư mới cho dùng lại thuốc giun quế. Bác sĩ bảo: “Bệnh chữa được nhưng mệnh không chữa được, gia đình nên cho cụ về!” nhưng anh vẫn kiên trì cho ông uống phương thuốc kỳ lạ này và chứng kiến quá trình dần dần hồi phục.

Nếu dùng giun quế làm thức ăn chăn nuôi thì tỷ lệ mắc bệnh gần như bằng không bởi nó có loại enzim làm tăng sức đề kháng
 
Thu hoạch giun quế
 

Sau 3 ngày ông đã mở được mắt, sau mấy tuần đã ngồi được xe lăn, uống được sữa, nói chuyện được. Khoảng nửa năm sau thì ông mất nhưng không phải do tai biến mạch máu não mà bởi tràn dịch màng phổi do mới được con cháu lắp điều hòa, bật lạnh quá nên trở ốm.

Sau trường hợp thành công đầu tiên, tình cờ lại có người mách cho chị Liên bài thuốc của ông Nguyễn An Định - con của cụ Nguyễn An Ninh - nhà cách mạng nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20. Ông Định cũng dùng giun nhưng là giun đất (địa long) để chữa dịch sốt xuất huyết những năm đất nước còn chiến tranh.

Protein 65,8%
Fat 8,7%
Calcium 0,4%
Phosphorus 0,9%
Fibre 0,7%
Carbohydrate 7,6%
Total Ash 6,3%
Moisture 8,3%
 

Thành phần dinh dưỡng trong con giun khô
 

Biết ông còn sống và cư ngụ tại Bà Điểm, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh nên năm 2014 chị gọi điện xin gặp và đặt vé bay vào. Nói chuyện một mạch từ 9h sáng đến 1h chiều với ông thì có quá nhiều điều kỳ diệu được vỡ ra nên khi về chị mới gọi con giun quế là con kỳ diệu, gọi cao chế từ nó là cao kỳ diệu. Giun tươi bao giờ cũng tốt hơn giun khô nhưng do khó bảo quản, khó vận chuyển nên trong nhà chị luôn phải trữ những bao tải giun khô hay những lọ cao tươi dạng đông lạnh.


 

Cầu kỳ cách nuôi và chế biến

Theo chị Liên, tiêu chuẩn của giun nuôi để làm thực phẩm hay làm thuốc khác hẳn với làm thức ăn gia súc, gia cầm. Giai đoạn đầu chúng vẫn được chăn bằng thức ăn bình thường nhưng trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần thì thay thế bằng ngô nghiền, cám gạo, bã bia, bã đậu hay các phụ phẩm nông nghiệp khác. Trước khi thu hoạch phải cho giun nhịn đói mấy ngày để “sạch ruột” vì kích cỡ của chúng rất nhỏ, khác hẳn với giun đất nên không thể mổ ruột được. Thu hoạch xong chị ngâm giun vào chậu nước rồi sục ô xi như sục cá để giun thải hết phân trong bụng ra rồi rửa kỹ, vớt lên, dùng khăn bông lau khô.

Bao tải giun khô

Tươi thì cứ thế xay nhỏ nấu lên, cô đặc, để nguội rồi cấp đông là xong, một lọ cao khoảng hơn 200 gram đang có giá là 100.000đ. Còn khô thì sấy lên để dùng dần trong các thang thuốc chữa các bệnh về máu, tai biến hay bồi bổ sức khỏe. Công thức là ½ lạng giun khô, 2 lạng rau ngót, 1 lạng đậu đen đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát. Sắc 3 lần như thế thì được 3 bát cho người bệnh uống 3 lần trong ngày…

Tuy nhiên, vị tanh của giun vẫn khá khó uống với một số người cho đến khi chị gặp được bà Đoàn Thanh Hương - tác giả của môn sức mạnh vô thức và được giới thiệu kiểu chế biến rất dễ uống là tinh chất giun với và một số phụ gia qua nhiều công đoạn. Để rồi từ đó các thành viên trong gia đình chị đều dùng loại thuốc này. Cứ như lời chị, người con trai cả đang bị ung thư ăn vào khớp háng cũng nhờ giun mà 5 năm rồi vẫn còn đi lại, sinh hoạt bình thường được trong khi 12 người cùng lấy sinh thiết một ngày thì 11 lần lượt đã chết hết.

Bột giun khô

Đó là về thuốc, còn về món ăn từ giun thì có nem rán địa long, trứng chiên địa long và đặc biệt là chả đỗ địa long được một số người trung tuổi rất ưa chuộng với nguyên liệu đơn giản gồm 80% đậu xanh nguyên hạt, ngâm rồi giã nát và 20% giun quế xay nhỏ. Khi ăn nóng khá ngon nhưng nếu cho nhiều giun quế sẽ thành ngọt lợ. Món ruốc địa long với nguyên liệu gồm 80% thịt lợn và 20% giun quế dùng cho trẻ nhỏ ăn cũng có thể cải thiện được sức khỏe cũng như tốc độ tăng trọng của chúng.

Chả giun

Ngoài diện tích 700m2 của trại chị còn liên kết với các trại khác ở Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên để có thêm nguồn giun tươi khi cần thiết nhưng chỉ loại giun được nuôi theo cách đặc biệt của nhà mới được dùng để chế biến thực phẩm hay làm thuốc. Tuy nhiên, lượng dùng cũng rất hạn chế, trong khoảng 3 tạ giun thu được mỗi tháng chỉ có khoảng 30 kg là phục vụ cho mục đích này.

Tại sao lại thế? Tôi hỏi và được chị giải đáp: Ở phố Lãn Ông chuyên bán thuốc trên Hà Nội giun quế khô của nội được thu mua rất nhỏ giọt vì đắt quá, giá tới 700.000đ/kg (7 kg tươi chế được 1 kg khô) trong khi địa long (giun đất) của Trung Quốc giá chỉ 400.000-500.000đ/kg. Thứ nữa là do rào cản tâm lý sợ các chế phẩm từ giun, thậm chí còn không tin vào công dụng của chúng nên lượng người mua rất ít.

Cao tươi địa long

“Mục đích của tôi không phải kiếm tiền mà chỉ để làm phúc bởi khoản tiền thu được từ bán giun thực phẩm, giun thuốc mỗi tháng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng, vừa đủ trả công và mua phế phụ phẩm làm thức ăn cho chúng. Bởi thế mà thu nhập chủ yếu của trang trại hiện nay vẫn là lợn nuôi bằng giun quế có chất lượng thịt rất ngon và sạch”.

Những con lợn ở đây được ngày ngày tắm nắng, ngắm hoa phong lan, nghe nhạc Pháp, ăn thức ăn nấu chín có bổ sung thêm 1 lạng giun cũng nấu chín và được tráng miệng bằng các loại rau quả trồng được như sung, ổi, khế, cóc và các loại cây dược liệu. Nuôi ròng rã như thế khoảng 7 tháng mới xuất bán. Với số lượng đầu lợn lúc nào cũng khoảng 400 con, mỗi tháng chị mổ cỡ 50 con bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở nội thành, thu lãi cỡ 40-50 triệu đồng.

Giờ đây, mong muốn của chị là có thể kết hợp được với các công ty dược để cung cấp nguyên liệu giun làm thuốc nhưng quá trình này đang gặp vô vàn trắc trở bởi mớ thủ tục rối còn hơn cả mớ bòng bong, không biết gỡ bao giờ mới xong.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.