Điều đặc biệt là, ông đồ nhí này công khai mình thuộc cộng đồng LGBTQ+ bằng một lá cờ lục sắc trên bàn vẽ. Không chỉ thế, chàng trai này còn có cách nói chuyện hài hước, dí dỏm với những suy nghĩ rất “ông cụ non”.
Buồn vì người ta chỉ nhớ đến “ông đồ nhí”
Vẫn như mọi năm, 2 con đường Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM, nơi tổ chức phố ông đồ, khá nhộn nhịp. Đến khu vực các quầy hàng thư pháp, thấy 1 chàng trai khá trẻ với mái tóc nhuộm màu tím, tay cầm cây bút cọ, đang cắm cúi vẽ những bông hoa sen lên chữ “Phúc” thư pháp. Và điều đặc biệt khiến tôi tò mò nán lại trò chuyện chính là cây cờ lục sắc trên bàn vẽ của cậu. Dấu hiệu của một người có xu hướng tính dục đặc biệt mà nhiều người trong giới này không muốn công khai.
Ông đồ trẻ giới thiệu tên Võ Tuấn Xuân Thành, sinh năm 1999, là một trong những ông đồ trẻ nhất phố ông đồ Sài Gòn, đam mê thư pháp khi mới 8 tuổi.
Mới gặp Xuân Thành, nhìn cậu múa bút, ai cũng nghĩ cậu là “con nhà nòi”, nhưng hoàn toàn không phải. “Em đến với thư pháp như một duyên tiền định”, Xuân Thành vừa cắm cúi vẽ, vừa bắt đầu câu chuyện.
Mặc dù lớn lên trong gia đình không có truyền thống về thư pháp hay hội họa, nhưng ngay từ nhỏ, Xuân Thành đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Đi đâu, ở đâu cậu cũng có thể viết, vẽ, tô, trên giấy hoặc trên bất kỳ chất liệu gì.
Năm 2007, khi phố ông đồ Sài Gòn lần đầu tổ chức, cậu bé Xuân Thành khi đó mới 8 tuổi, được mẹ dắt tay đến tham quan. Nhìn thấy các cô chú, anh chị mặc áo dài, khăn đóng, tay cầm cây cọ mềm, lướt trên tờ giấy to bản, hoặc gỗ, đá, tre, vài phút sau đã thành những con chữ uốn luợn như mây cuốn, phượng vờn, cậu mê lắm, cứ đứng nhìn không chớp mắt. “Đó là lần đầu tiên em nhìn thấy những con chữ đẹp như vậy. Sau bữa đó về nhà, trong đầu em cứ nghĩ đến những con chữ bay lượn”, Xuân Thành nói.
Cũng từ đó, cậu bé Xuân Thành bắt đầu tìm tòi, học hỏi nhiều hơn bộ môn nghệ thuật thư pháp này. Lúc đầu, Thành tập với cây cọ màu và lọ mực học sinh, giấy tập và vài lọ màu tô. Ngoài giờ học, cậu dành toàn bộ thời gian tìm sách, báo về thư pháp để tự học hỏi. Càng tìm hiểu sâu, càng vẽ càng mê. “Hồi đó nếu không có mẹ, chắc em bỏ bữa hoài, vì đã ngồi cầm cây cọ vẽ là quên hết”.
Bắt đầu từ năm 2010, Xuân Thành đã tham gia những hoạt động nghệ thuật như tham gia “Nét Vẽ Xanh”: Vẽ tranh trên bình gốm của công ty Gốm sứ Minh Long 1. Năm 2011, tham gia “Nét vẽ xanh” về chủ đề Lịch sử dân tộc của Nhà thiếu nhi Thành phố…
Năm 2014, khi mới 15 tuổi, Xuân Thành ra phố ông đồ và chính thức trở thành thầy đồ tập sự. “Lần đầu tiên ra phố ông đồ, em chỉ phụ giúp các thầy đồ đi trước, nhưng cũng ngay trong lần đầu ấy, đã có vị khách đến hỏi thăm và ngỏ ý thuê em đến quầy của họ viết chữ. Lúc đó em còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm, nét chữ vẫn còn cứng, nhưng các anh chị bảo nên nhận lời để học hỏi”, Thành kể. Mặc dù vậy, ngay mùa đầu tiên, Xuân Thành đã được khách hàng khen ngợi, những tác phẩm của cậu rất có hồn. Biệt danh “ông đồ nhí” có từ khi đó.
Dịp Tết năm Xuân Thành 18 tuổi, cậu ra phố ông đồ, thuê gian hàng riêng và đã kiếm được hơn 100 triệu đồng chỉ sau 2 tuần ngồi viết chữ trên phố. Tính cả dịp Tết Nhâm Dần này, Xuân Thành đã có 9 mùa ra phố ông đồ.
“Em đã 23 tuổi rồi, mà giờ người ta vẫn cứ gọi em bằng cái tên “ông đồ nhí” nên hơi buồn. Mình phải trưởng thành để thực hiện mục tiêu lớn hơn, đúng tầm “người lớn” chứ cứ nhí hoài vậy sao được”, Xuân Thành cười.
Mặc dù đam mê nghệ thuật, nhưng Xuân Thành vẫn không quên nhiệm vụ quan trọng là học, và đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Và công việc chính hiện nay của Xuân Thành là thiết kế chứ không phải thư pháp. “Dù thư pháp không phải công việc chính, nhưng nó lại là món ăn tình thần không thể thiếu trong cuộc sống của em”, Xuân Thành nói.
Tuổi nhỏ, khát vọng lớn
Sau gần chục năm gắn bó với cây cọ, ông đồ nhí Xuân Thành đã trở thành cái tên được khá nhiều người trong giới thư pháp TP.HCM biết đến với hơn 1.000 tác phẩm thư pháp lớn nhỏ, trong đó có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm của cả nước; 7 lần tham gia triển lãm cá nhân, triển lãm “Biến Họa Trường Thư” kỷ niệm 12 năm thư pháp Xuân Thành tổ chức tại Hội Mỹ Thuật TP.HCM, triển lãm thư pháp kỷ niệm 1010 Thăng Long Hà Nội, triển lãm thư pháp Festival Huế, Festival biển Nha Trang, thư pháp 3 thế hệ tại Hội An năm 2019…
Thành còn là Chủ nhiệm CLB Thư họa Mỹ Thuật trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM; Thành viên CLB Thư pháp Nhà Văn hoá Thanh niên; Thành viên nhóm Thư Trúc; Thành viên nhóm Bút Hoa Hồn Việt; Thành viên hội Thư pháp Việt Nam…và nhận được nhiều lời mời tham gia các triển lãm lớn với sự góp mặt của các thư pháp gia nổi tiếng Việt Nam.
Để có được những bước tiến nổi bật về thư pháp, Xuân Thành cho biết, có đam mê không chưa đủ, mà còn phải nỗ lực luyện tập mỗi ngày, càng về sau càng tăng độ khó lên để thử thách bản thân.
“Anh nhìn chữ của em viết và các thầy đồ khác viết, không phân biệt được chữ nào đẹp, chữ nào không. Vậy làm sao để biết? Chữ nào khó viết, chữ nào dễ?”, tôi hỏi.
Thành đáp: “Muốn nhìn được chữ nào đẹp, chữ nào xấu, em nghĩ phải mất nhiều thời gian học. Đơn giản là khi nào anh có kiến thức về nó, biết viết thì có thể nhìn được chữ đó đẹp hay xấu. Nhưng định nghĩa về cái “đẹp” trong chữ thư pháp không như thông thường. Ví dụ 1 cô gái có ngoại hình đẹp, ai nhìn cũng thấy ngay. Nhưng có người chỉ thấy cái đẹp hình thức của cô gái đó, người khác lại nhìn thấy cái đẹp vô hình trong ánh mắt, nụ cười, cách ứng xử của cô ấy. Để đánh giá một tác phẩm thư pháp cũng vậy.
Còn chữ khó hay dễ cũng phụ thuộc người cầm cọ. Ví dụ viết chữ Hiếu, muốn chữ tròn đầy, có “hồn”, thì phải là một người con có hiếu với cha mẹ. Hoặc nếu là người có tính khí nóng nảy, dễ nản chí thì khó viết được chữ Nhẫn đẹp. Hay như chữ An, nhìn thấy đơn giản, nhưng nếu không có được sự an yên trong tâm, thì khó có thể viết được chữ An trọn vẹn, tròn đầy”.
Thư pháp vốn là văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông, nhưng Xuân Thành quan niệm, nên kết hợp với những nét vẽ hiện đại, như vậy, tác phẩm sẽ càng rực rỡ hơn.
“Nhiều người vẫn cho rằng ông đồ phải lớn tuổi, mặc áo dài khăn đóng, râu tóc bạc, cử chỉ, lời nói từ tốn…Nhưng em không nghĩ vậy. Thư pháp là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không có giới hạn về sáng tạo, không nhất thiết phải “đóng khung” trong một công thức có sẵn. Trong nghệ thuật thư pháp, phải tuân theo những quy tắc thư pháp truyền thống, nhưng để phát triển một thế hệ thư pháp Quốc ngữ còn mới mẻ, thì cần có sự “phá cách”, sáng tạo để tạo ra những tác phẩm mới mà không đi ngược lại với những quy ước chuẩn mực ban đầu. Tác phẩm vẫn giữ được cái tinh túy, cái hồn cốt của văn hoá truyền thống, nhưng thể hiện nét cá tính của tác giả, lộng lẫy hơn, kết hợp giữa truyền thống với sự trẻ trung, hiện đại. Như vậy tốt hơn chứ sao cứ phải theo nguyên tắc cũ. Anh nhìn em đây, không chỉ nhỏ tuổi mà còn nhuộm tóc, hôm qua mặc áo dài, hôm nay mặc sơ mi. Ngày mai anh ra đây sẽ thấy em mặc áo dài. Thậm chí em công khai về giới tính của mình. Nói như vậy không phải em không tôn trọng văn hóa truyền thống, mà chỉ muốn chứng minh nghệ thuật không phân biệt tuổi tác, giới tính và hình thức không quyết định nội dung, chất lượng”, Thành cười, nói.
“Em chuẩn bị ra bộ sách về thư pháp kỷ niệm 15 năm cầm cọ thư pháp. Em ước mong một ngày không xa, thư pháp hệ chữ Quốc ngữ Việt sẽ được công nhận là một môn nghệ thuật chính thống, có lý luận, có tổ chức, có trường học hoặc trung tâm đào tạo chính quy dành riêng cho nó, vì em thấy đây không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một nét tinh túy, đậm văn hoá truyền thống Việt Nam”.