| Hotline: 0983.970.780

Paris sẽ thành trung tâm tài chính của EU?

Thứ Tư 06/12/2017 , 11:05 (GMT+7)

Trước viễn cảnh khó khăn của các cuộc đàm phán Brexit giữa chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May và giới chức liên minh châu Âu (EU), Brussels đang lên kế hoạch di dời các cơ sở của EU khỏi London.

Thủ đô Paris hoa lệ vẫn bị nghi ngờ về sức hút tài chính so với London

Theo đó, thủ đô Paris của Pháp nhiều khả năng sẽ được chọn là trụ sở mới của Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA). Tuy nhiên hiện đã xuất hiện khá nhiều hoài nghi, cho rằng Paris liệu có đủ sức soán ngôi London, trở thành trung tâm tài chính của EU hay không? Giới phân tích cho hay, với nước Pháp thì đây là một thắng lợi về nhiều mặt.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Bộ trưởng phụ  trách đối  ngoại Pháp, khu vực châu Âu Nathalie Loiseau rất  hài lòng về quyết định chọn Paris của Hội đồng châu Âu. Bà Nathalie nói: "Đây là một tin vui nhưng không phải là một điều bất ngờ, bởi hồ sơ của Paris có nhiều ưu điểm và chính phủ Pháp đã ủng hộ hết mình cho Paris trong cuộc chạy đua để thay thế London, trở thành trụ sở của EBA. Từ nhiều tháng qua, chúng tôi đã không ngừng vận động các đối tác ở châu Âu để thuyết phục các bên rằng, Paris là điểm đến lý tưởng. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy để Paris luôn có sức hấp dẫn hơn trong mắt các ngân hàng và các tập đoàn tài chính lớn".

Trong khi đó, ông Arnaud Bresson, CEO của tổ chức Paris Europlace, người đã vận động để ngành tài chính, ngân hàng trên thế giới chú ý tới Paris, nêu lên hai yếu tố chính đã giúp thủ đô Pháp loại nhiều đối thủ nặng ký như Dublin của Ai len và Frankfurt của  Đức-nơi đang có trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Yếu tố thứ hai là kể từ khi đắc cử, Tổng thống Emmanuel Macron thực sự quyết tâm áp dụng chương trình cải tổ đầy tham vọng để Paris cũng như nước Pháp có sức hút hơn.

Trong một diễn biến khác, cũng có ý kiến cho rằng, Paris không dễ “qua mặt” được London khi nhiều nhà quan sát cho rằng, trong mắt các tập đoàn lớn trên thế giới thì Pháp hiện vẫn là nơi có chính sách thuế khóa bất lợi đối với các công ty, tập đoàn và thị trường lao động cứng nhắc, kém thuận lợi cho giới đầu tư so với Anh. Và trên hết London vẫn chắc chắn một điều, cho dù có Brexit hay không thì vương quốc Anh vẫn là thành trì của chủ nghĩa kinh tế tự do, chưa kể thế mạnh của ngôn ngữ và những trường đại học uy tín nhất ở London.

Dự báo, do tác động của Brexit, tối đa sẽ có khoảng 70.000 trong tổng số hơn 2 triệu nhân viên ngành tài chính- ngân hàng dời khỏi nước Anh.

EBA là cơ quan độc lập với EU, được lập ra vào năm 2011 trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu và cả liên minh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Ngân sách hoạt động của EBA trong năm nay được ấn định ở mức 38,8 triệu euro, trong đó 1/3 khoản tiền trên do Brussels đài thọ và phần còn lại do 27 nước thành viên đóng góp. EBA cũng độc lập với EU nhưng thường xuyên báo cáo với Nghị viện châu Âu, Hội đồng và Ủy ban châu Âu về mức ổn định của các ngân hàng trong toàn khối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì sớm nhất cũng phải đến đầu năm 2019, cơ quan này mới có thể về Paris.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.