Ông Du Qiwen (áo đỏ) - Ảnh: AFP) |
Theo AFP, Tổng thống Nauru Baron Waqa cho rằng đặc phái viên Trung Quốc Du Qiwen đã có thái độ thiếu khiêm nhường và sử dụng sức mạnh của Bắc Kinh để "bắt nạt" khi phái đoàn nước này bỏ họp giữa chừng.
Sự việc bắt đầu khi ông Du tìm cách phát biểu trước tại cuộc họp bàn về biến đổi khí hậu của các nước thành viên Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương nhưng bị Tổng thống nước chủ nhà Baron Waqa từ chối. Tổng thống Waqa cho rằng, tại cuộc họp này, các lãnh đạo quốc gia phải là người phát biểu trước ông Du.
Ngay lập tức, ông Du cùng phái đoàn Trung Quốc đã tức tối rời phòng họp. Trước khi rời đi, ông Du được cho là đã lớn tiếng bày tỏ sự không hài lòng.
"Ông ấy cứ khăng khăng (đòi phát biểu trước) khiến cuộc họp của các lãnh đạo bị gián đoạn nhiều phút, trong khi ông ấy chỉ là một quan chức. Có lẽ vì ông ấy đến từ một nước lớn nên muốn bắt nạt chúng tôi", ông Waqa nói.
Theo AFP, trước khi xảy ra sự việc này, giới chức Nauru cũng làm mếch lòng phái đoàn Trung Quốc khi không đóng dấu thị thực ngoại giao cho các đại biểu Trung Quốc, thay vào đó buộc họ phải dùng thị thực cá nhân.
Nauru là một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương với dân số chỉ 11.000 người, diện tích 21km2. Vụ việc trên một lần nữa làm dấy lên những tranh luận về việc Bắc Kinh tăng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương thông qua các khoản viện trợ. Ước tính, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay trị giá khoảng 1,8 tỷ USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương.
Trung Quốc không phải là thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, nhưng là một trong 18 quốc gia có đại diện tại cuộc họp với tư cách là “đối tác đối thoại”.