| Hotline: 0983.970.780

Cởi trói cây dược liệu

Phải xem dược liệu là lâm sản đặc thù

Thứ Năm 06/05/2021 , 10:38 (GMT+7)

Với quy mô, trữ lượng rừng vượt trội thuộc tốp đầu cả nước, Nghệ An xác định dược liệu là lâm sản đặc thù có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế.

Phát triển cây dược liệu là hướng đi phù hợp với điều kiện sẵn có của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Phát triển cây dược liệu là hướng đi phù hợp với điều kiện sẵn có của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tiềm năng lớn

Tổng quỹ đất được quy hoạch để phát triển lâm nghiệp tại Nghệ An là trên 1.1 triệu ha, chiếm đến 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Từ đó để thấy, địa phương này xác định phát triển rừng là hướng đi then chốt.

Qua theo dõi diễn biến tài nguyên, rừng đang là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hóa trên địa bàn. Rừng giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là tư liệu sản xuất quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Trong tổng thể nguồn tài nguyên rừng, dược liệu chính là thế mạnh của Nghệ An. Ghi nhận thực tế, toàn tỉnh có đến 962 loài cây thuốc và nấm làm thuốc thuộc 635 chi, 183 họ của 5 ngành thực vật bậc cao. Nhiều chuyên gia khẳng định, Nghệ An sở hữu nguồn cây thuốc phong phú bậc nhất cả nước, tương đương với Lào Cai, Lai Châu.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã vùng cao Mường Lống, Kỳ Sơn hoàn toàn phù hợp để trồng cây dược liệu. Ảnh: Việt Khánh.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã vùng cao Mường Lống, Kỳ Sơn hoàn toàn phù hợp để trồng cây dược liệu. Ảnh: Việt Khánh.

Nổi bật về sản lượng khai thác có thể kể đến bách bộ, cẩu tích, chè dây, củ mài, kê huyết đằng, ngũ gia bì chân chim, thảo quyết minh, thiên niên kiện. Ngoài ra còn nhiều loại dược liệu quan trọng khác với trữ lượng trung bình, điển hình như bán hạ nam, bình vôi, câu đằng, dạ cẩm, hà thủ ô trắng, đẳng sâm…

Các nhóm loài đã được triển khai trồng tập trung tại nhiều huyện với quy mô trên 1.620ha, các địa điểm lại được chia thành 3 tiểu vùng khác nhau: tiểu vùng miền núi, tiểu vùng trung du và tiểu vùng đồng bằng ven biển.

Nhìn chung, chủng loại và tiềm năng phát triển cây dược liệu của Nghệ An rất lớn. Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định, cộng với chính sách kích cầu chưa đủ mạnh khiến người dân và các doanh nghiệp còn ngại ngần trong quá trình đầu tư, mở rộng vùng sản xuất.

Tín hiệu khả quan

“Mục tiêu, giải pháp khai thác, chế biến lâm sản giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 - 2035”, phát triển vùng dược liệu là nội dung trọng tâm mà Nghệ An hướng đến.

Cụ thể hơn, toàn tỉnh sẽ xây dựng 3 khu bảo tồn phát triển nguồn gen quý hiếm tại 3 huyện Quỳ Hợp, Quế Phong và Kỳ Sơn với quy mô 15ha; quy hoạch 13 vùng khai thác 17 loài, nhóm loài đặc trưng, còn trữ lượng lớn; phát triển cơ sở sản xuất giống tại 5 huyện, công suất 5 - 7 triệu cây giống/năm.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển trồng cây dược liệu tại các vùng của Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp quy mô 520ha. Vùng Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Hoàng Mai, Tân Kỳ, Yên Thành 285ha. Riêng các huyện Anh Sơn, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thái Hòa, Thanh Chương, Cửa Lò, mỗi địa phương trồng 25 - 50ha.

Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam, ông Hồ Xuân Hùng đánh giá Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển mô hình trồng cây dược liệu nhưng chủ yếu phát triển theo phương pháp truyền thống, nếu không muốn nói là tự phát. Dù vậy thời gian gần đây đã có sự chuyển biến nhất định với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, đặc biệt là Tập đoàn TH.

“Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và phát triển tốt sản phẩm dược liệu truyền thống, bên cạnh quá trình khảo sát, đánh giá chi tiết, đầy đủ các yếu tố cần tập trung quy hoạch quỹ đất phù hợp để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư”, ông Hùng nhấn mạnh.

Mô hình của Tập đoàn TH tại Mường Lống đang mang lại tín hiệu tích cực. Ảnh: Việt Khánh.

Mô hình của Tập đoàn TH tại Mường Lống đang mang lại tín hiệu tích cực. Ảnh: Việt Khánh.

Nhằm thực hiện chiến lược phát triển dược liệu trên địa bàn nói chung và khu vực miền Tây Nghệ An nói riêng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất và kiến nghị nhiều phương án sát sườn.

Mấu chốt là xây dựng chương trình phát triển, cần xác định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương các cấp trong công tác quản lý, áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển (chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư…). Qua đó làm bàn đạp hướng đến việc bảo tồn, kết hợp hướng dẫn khai thác có kế hoạch, có định hướng.

Phát triển dược liệu là lĩnh vực khá mới mẻ, do đó cần sự hợp tác chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà Khoa học, Nhà nông và Nhà Băng. Trong mối quan hệ này, Nhà nước giữ vai trò cầu nối và hỗ trợ.

Dược liệu là loại cây mang tính đặc thù, vì thế không thể tiến hành dàn trải. Từ cơ sở khảo sát thực tế chỉ nên trồng ở nơi có lợi thế tiểu khí hậu, thổ nhưỡng. Song song với đó cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích đồng bào hưởng ứng, nguyên do là người dân bản địa vừa là chủ thể quản lý, lại là chủ thể được hưởng lợi từ rừng, đồng thời là một mắt xích không thể tách rời trong hệ sinh thái.

Quan trọng không kém là việc xây dựng chế tài chuyên biệt đối với nhóm cây dược liệu nhằm quản lý hiệu quả vấn đề khai thác tự nhiên. Nhất thiết phải xem “dược liệu là lâm sản đặc thù” để có phương án kiểm soát và xử phạt với những trường hợp vi phạm.

Dù đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn Nghệ An ít nhiều đã thu hút được các nhà đầu tư lớn mạnh, đó là tín hiệu vô cùng tích cực trong chặng đường sắp tới.

Đi đầu là Công ty CP Dược Liệu Mường Lống - thuộc Tập đoàn TH. Sớm nhận thấy lợi thế trời ban của dãy đất cao Mường Lống, Kỳ Sơn, năm 2016 đơn vị này chính thức bắt tay triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu”, qua một thời gian khảo nghiệm đã lựa chọn thành công nhiều loài phù hợp như đẳng sâm, hà thủ ô, đương quy...

Sự nhập cuộc của TH tức thì giúp bộ mặt vùng biên trang hoàng hơn thấy rõ, khát vọng vươn lên của đồng bào miền cao quả thực đang gần hơn bao giờ hết. Nhiều người khi được hỏi, họ không ngần ngại quả quyết, đất Mường Lống thay đổi từng ngày từng giờ, một phần nhờ vào cây dược liệu. Trước đây chúng tôi cơ bản chỉ chăn thả gia súc, hiện tại và tương lai dược liệu là một sự lựa chọn đúng đắn.

Tương tự là cách làm của Công ty Dược liệu Pù Mát tại huyện Con Cuông. Ảnh: Việt Khánh.

Tương tự là cách làm của Công ty Dược liệu Pù Mát tại huyện Con Cuông. Ảnh: Việt Khánh.

Tại miền Trà Lân - Con Cuông, Công ty Dược liệu Pù Mát cũng đang ghi dấu ấn đậm nét. Tiên phong đầu tư hàng tỷ đồng “săn” cây dược liệu quý về trồng tại vùng đệm Pù Mát, ThS. Phan Xuân Diện, Giám đốc Công ty đã biến miền heo hút gió mây thành mảnh “đất vàng”.

Để phát huy tối đa tiềm năng, mỗi loại cây dược liệu tại đây đều được chia thành từng khu vực trồng chuyên biệt. Dù vậy do địa hình đất dốc, dễ bị xói mòn có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình canh tác, sau nhiều năm mày mò ông Diện xác định: “Muốn thành công phải áp dụng khoa học công nghệ”.

Nghĩ là làm, liền đó ông mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel, sử dụng màng nylon phủ cắt mặt luống, đồng thời thực hiện phơi khô nguyên liệu bằng năng lượng mặt trời để giữ nguyên được các hàm lượng quý trong thảo dược.

Chưa hết, sản phẩm dự án khoa học công nghệ được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty CP Dược liệu Pù Mát còn được thực hiện trên dây chuyền máy tự động, áp dụng quy trình khép kín từ khâu nhân giống, thu hoạch, chế biến đến đóng gói cung ứng ra thị trường. Mặt hàng có đầy đủ thông tin, mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, giá cả lại phải chăng nên tạo dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng như một lẽ tất yếu.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.