Bị cáo Phạm Công Danh đến tòa với vẻ mặt khá mệt mỏi. |
Cáo trạng của VKS trong phiên toà xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm ngày 9/1/2018 nhận định như trên. Đồng thời nêu, bị cáo Trầm Bê là người đã giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh trong việc vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank, để sau đó VNCB phải trả cả vốn lẫn lãi gần 1.836 tỷ đồng cho Sacombank.
3 hành vi sai phạm của Phạm Công Danh
Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2012, Phạm Công Danh với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB; Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh, do cần tiền trả nợ nhưng không thể trực tiếp vay tiền tại VNCB nên đã chỉ đạo các cán bộ, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty này để vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Đồng thời, Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty mà Danh mượn pháp nhân. Sau đó, bị 3 ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền là hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank hơn 1.800 tỷ đồng, TPBank hơn 1.740 tỷ đồng và BIDV hơn 2.500 tỷ đồng. Theo cáo trạng của VKSND TC, trên cơ sở kết quả điều tra, xác định 3 hành vi sai phạm chính, gồm:
Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.836 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Công Danh là chủ mưu và 12 bị can là đồng phạm giúp sức cho Danh (gồm cả Trầm Bê và Phan Huy Khang. Có 13 cán bộ quản lý và nhân viên tại Sacombank là người có liên quan không đủ căn cứ để xử lý hình sự;
Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng. Ông Danh là chủ mưu và 20 bị can là đồng phạm giúp sức gồm có nhân viên dưới quyền Danh tại VNCB và các giám đốc công ty vay nợ. Đối với Hội đồng tín dụng và Uỷ ban Tín dụng, một số nhân viên thẩm định và nhân viên khách hàng tại TPBank, kết quả điều tra không có tài liệu chứng minh tội đồng phạm với Danh nên không đủ căn cứ xử lý hình sự;
Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty gây thiệt hại cho VNCB khoảng 2.551 tỷ đồng. Trong hành vi này, ông Danh là chủ mưu cùng 23 bị can là đồng phạm giúp sức gồm: nhân viên của Danh tại VNCB, 16 giám đốc các công ty vay vốn tại BIDV, 3 cán bộ BIDV Gia Định.
Đối với các đối tượng khác tại VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh, Giám đốc của 12 đơn vị ký hợp đồng với các công ty vay vốn, 22 cá nhân đứng tên mua cổ phần giúp Danh và 64 cán bộ tại BIDV (trong đó có ông Trần Bắc Hà) không đủ căn cứ xử lý hình sự.
Vai trò của ông Trầm Bê trong sai phạm của Phạm Công Danh
Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho 6 công ty của Phạm Công Danh. Một ngày sau, VNCB chuyển 1.854 tỷ đồng tiển gửi vào chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh quận 8 của Sacombank thì 2 chi nhánh này giải ngân 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty của Phạm Công Danh. Tổng số tiền 1.800 tỷ đồng, ngay trong ngày 26/4/2013, được 6 công ty chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại Ngân hàng ACB chi nhánh Phú Thọ. Một ngày sau đó, Danh ký ủy nhiệm chi số 71 và 72 từ tài khoản của mình ở ACB chi nhánh Phú Thọ để trả nợ cho BIDV - Chi nhánh Sở giao dịch 2 số tiền trên 1.176 tỷ đồng; Chi nhánh Hải Vân trên 457 tỷ đồng. Hơn 166 tỷ đồng còn lại, Danh chuyển về tài khoản của mình tại VNCB để sử dụng.
Trong khi đó, Trầm Bê lại khá bình thản, thậm chí thỉnh thoảng còn cười, mặc dù cũng không khoẻ. |
Đến ngày 26/4/42014, hết thời hạn của 6 hợp đồng tín dụng đối với 6 công ty của Phạm Công Danh, phía Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng, lãi vay trên 35,8 tỷ đồng (tổng cộng 1.835,8 tỷ đồng) từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ, đồng thời gửi thông báo cho VNCB và 6 công ty nêu trên biết. Do 6 công ty này không hoạt động sản xuất kinh doanh, không có tài sản đảm bảo, không nhận nợ vay với VNCB nên VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB gần 1.836 tỷ đồng.
Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra xác minh hoạt động của 6 công ty đứng tên hồ sơ vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank, là của Phạm Công Danh thành lập. Cả 6 công ty tuy có treo biển hiệu, có kê khai thuế, nhưng không có bất kỳ biến động nào về dòng chảy vốn, thu – chi. Giám đốc 6 công ty này là bảo vệ, lái xe hoặc nhân viên tiếp thị của Tập đoàn Thiên Thanh do Danh chỉ định. Những người này chỉ là “bù nhìn”, và nhận “lương” mỗi tháng từ 5 - 10 triệu đồng/người từ Tập đoàn Thiên Thanh.
Đại diện Viện KSND Tối cao cũng nhận định, bị cáo Trầm Bê biết Danh cần tiền, nhưng Danh không thể vay trực tiếp tại VNCB nên Trầm Bê đã bàn bạc thống nhất với Phan Huy Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng thông qua các công ty của Danh. Từ đó Khang chỉ đạo Phan Đình Tùng cùng nhân viên các chi nhánh Hưng Đạo và quận 8 làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân. Hồ sơ cho vay đều là hồ sơ lập khống, 6 công ty vay vốn đều không hoạt động kinh doanh; việc cho vay không thẩm định, không kiểm tra, sau khi cho vay bỏ mặc cho Danh sử dụng tiền vay trái quy định; khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và khi hết hạn cho vay đã tự thu hộ tiền vay.
“Hành vi của bị cáo Trầm Bê đã giúp sức tích cực và tạo điều kiện để Phạm Công Danh có được tiền sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Trầm Bê đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 điều 165 BLHS”, cáo trạng nêu.
Sacombank sai phạm gì trong việc cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ?
Đến nay, số tiền 1.800 tỷ đồng Sacombank cho 6 công ty của Danh vay đã thu hồi đủ vốn và lãi (hơn 1.835 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc cho vay này đã khiến VNCB phải gánh toàn bộ số nợ này.
Trong khi các bị cáo đứng nghe đại diện VKS đọc bản cáo trạng, thì Phạm Công Danh, Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà được ngồi nghe do sức khoẻ kém |
Theo kết quả giám định do cơ quan điều tra trưng cầu Ngân hàng Nhà nước, thì việc Sacombank quyết định cho 6 công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng là thực hiện chưa đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định; Tại hơp đồng bảo lãnh, về phía ngân hàng Ngân hàng Đại Tín chỉ có ông Phan Thành Mai là người đại diện theo pháp luật ký, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh là không đúng quy định về thẩm quyền ký cam kết bảo lãnh; Việc Sacombank xem xét và quyết định cho vay và Ngân hàng Đại Tín chưa thực hiện bảo đảm tiền vay theo đúng quy định về bảo lãnh là thực hiện chưa đầy đủ điều kiện cho vay; Việc 2 chi nhánh Q.8 và Hưng Đạo của Sacombank lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa đủ căn cứ là thực hiện chưa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ vủa TCTD theo quy định.
Trong phiên toà ngày 9/1, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch BIDV tiếp tục vắng mặt không rõ lý do. Theo cáo trạng, ông Hà đã cùng 2 phó Tổng giám đốc BIDV là Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, 3 người này “không biết những công ty này của ông Danh” và việc cho vay không gây thiệt hại cho BIDV nên không có căn cứ xử lý hình sự. |