| Hotline: 0983.970.780

Phận bơ vơ của cây sắn

Thứ Hai 28/02/2022 , 06:45 (GMT+7)

THANH HÓA Trong khi nhiều cây trồng chủ lực hiện đã hình thành được mối liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ khá bài bản thì số phận cây sắn vẫn rất bơ vơ.

Doanh nghiệp ngó lơ, dân mạnh ai nấy làm

Bài liên quan

Chúng tôi bất ngờ khi lãnh đạo huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cho biết, để triển khai sản xuất sắn niên vụ 2022 - 2023, Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân (Nhà máy sắn Như Xuân, đóng tại xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân) đã không mời chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tham dự.

Trong khi đó, Như Xuân là vùng nguyên liệu có diện tích lớn và năng suất sắn nhất nhì tỉnh Thanh Hóa. Vị lãnh đạo này cho rằng, nếu có sự tham dự của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, chắc chắn sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp và người trồng sắn.

Tìm hiểu về tình hình thu mua, sản xuất sắn của Nhà máy sắn Như Xuân có thể thấy, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân trong mối liên kết "4 nhà" không được như khẩu hiệu lâu nay vẫn văng vẳng đâu đó. Vì thế, khi những rủi ro xuất hiện, thiệt thòi sẽ đổ lên đầu người trồng sắn.

Đến vụ chế biến, các nhà máy ở Thanh Hóa chỉ việc đánh xe đi thu mua mà gần như không có mối liên kết, tổ chức sản xuất nào. Ảnh: VD.

Đến vụ chế biến, các nhà máy ở Thanh Hóa chỉ việc đánh xe đi thu mua mà gần như không có mối liên kết, tổ chức sản xuất nào. Ảnh: VD.

Bài liên quan

Ở những vùng có diện tích sắn lớn của tỉnh Thanh Hóa, hợp tác xã (HTX) không tham gia sâu vào quá trình sản xuất. Doanh nghiệp cũng gần như “ngó lơ” để mặc nông dân “tự bơi”.

Ông Lê Văn Thu, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Lặc thành thật chia sẻ, trên địa bàn có nhiều HTX nhưng hiện không có HTX nào đứng ra tổ chức sản xuất cây sắn. Có chăng họ biến thành đơn vị bán phân bón, giống, làm dịch vụ cày bừa và… thu mua sản phẩm. Thực chất, các HTX này chẳng khác gì một đại lý dịch vụ thương mại thuần túy.

Đa phần người trồng sắn xứ Thanh “tự bơi” từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch bán cho các tư thương, đại lý, mạnh ai nấy làm, ai mua giá cao thì bán. Vì thế mới có tình trạng, vùng nguyên liệu của nhà máy này chảy sang nhà máy khác, thậm chí sang các tỉnh khác.

Ít ai trồng sắn tâm huyết như hộ ông Lò Văn Xum tại thôn Nghịu, xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân). Từ cây sắn, ông Xum đã xây được nhà lầu, 3 đứa con được ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, các con của ông đã có công ăn việc làm ổn định. Với 3 ha sắn, cứ đều như vắt chanh, năm nào ông cũng thu về trên 100 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn dư được 50 - 60 triệu đồng.

Cũng như nhiều người trồng sắn khác ở địa phương này, ông phải tự hoạch định đường đi cho mình, cứ 2 - 3 vụ sắn thì luân canh sang cây mía. Một là để cải tạo đất, hai là để tiêu diệt nguồn bệnh.

Thiếu những mối liên kết tổ chức chặt chẽ, các nhà máy chế biến tinh bột sắn luôn trong thế 'ăn xổi', và nguy cơ đói nguyên liệu sẽ lại xẩy ra trong nay mai. Ảnh: VD.

Thiếu những mối liên kết tổ chức chặt chẽ, các nhà máy chế biến tinh bột sắn luôn trong thế "ăn xổi", và nguy cơ đói nguyên liệu sẽ lại xẩy ra trong nay mai. Ảnh: VD.

Nhưng nỗ lực như ông, cuối cùng năng suất sắn cũng cứ tụt giảm không phanh. Khi có dịch khảm lá sắn, chính quyền vận động nhổ, tiêu hủy, mục đích là tiêu diệt nguồn bệnh chứ chưa có vai trò lớn trong việc hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật để giảm nguồn lây, thâm canh nâng cao năng suất.

“Ở đây, nếu giống không nhiễm bệnh khảm lá, thâm canh tốt thì năng suất sắn có thể đạt 30 tấn/ha. Được như thế thì người trồng sắn mới khấm khá được chứ cứ lẹt đẹt 17 - 18 tấn/ha thì lời lãi có đáng là bao”, ông Xum trải lòng.

Nhưng không nhiều người nghĩ được như ông Xum. Có những hộ trồng sắn tại xã Xuân Hòa, vì thiếu tiền nên phải đi mua phân, giống trả chậm của các đại lý, đến mùa thu hoạch muốn bán cho ai cũng được. Có hộ vì thiếu tiền đầu tư, sử dụng giống sắn nhiễm bệnh, đầu tư phân bón không đủ nên năng suất sắn chỉ 8 - 10 tấn/ha.

“Xã có quỹ đất trồng sắn và mía khoảng 1,4 nghìn ha và gần như không thay đổi trong thời gian gần đây. Hễ diện tích mía giảm thì diện tích sắn tăng và ngược lại, bà con tự điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã chỉ tham gia khâu làm đất, cung cấp giống, phân bón theo đúng nghĩa thương mại dịch vụ chứ chưa tham gia sâu vào quá trình sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người trồng sắn”, ông Nguyễn Đình Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết.

Loạn xạ cuộc chiến mía - sắn

Một lãnh đạo huyện Ngọc Lặc (xin dấu tên) khi được hỏi về tương lai của cây sắn trên địa bàn huyện đã dè dặt nêu quan điểm: Với tình trạng như bây giờ, cây sắn mãi chỉ là cây thoát nghèo chứ không thể làm giàu được. Huyện rất muốn sử dụng một phần quỹ đất trồng sắn hiện nay để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng nói như vậy là “nhạy cảm”, lẽ nào lại đi ngược lại với chủ trương quy hoạch vùng nguyên liệu của UBND tỉnh?

Chính quyền nhiều nơi ở Thanh Hóa đã quá nản với cây sắn, song ngại vận động dân chuyển đổi cây trồng do sợ vướng quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh. Ảnh: VD.

Chính quyền nhiều nơi ở Thanh Hóa đã quá nản với cây sắn, song ngại vận động dân chuyển đổi cây trồng do sợ vướng quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh. Ảnh: VD.

Trăn trở của lãnh đạo huyện Ngọc Lặc cũng là trăn trở của nhiều địa phương và người trồng sắn khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại xã Xuân Hòa (Như Xuân), tổng diện tích trồng sắn và mía của địa phương từ nhiều năm nay ổn định ở mức 1,4 nghìn ha. Nhưng khi ngành mía đường tự đánh mất vị thế, cây sắn lên ngôi về giá cả, nhà nhà đổ vào trồng sắn trong bối cảnh dịch khảm lá sắn hoành hành. Trước mắt, cây sắn vẫn đang mang lại giá trị kinh tế nhưng nếu so sánh với những loại cây trồng khác cũng chưa thấm vào đâu.

“Xuân Hòa rất thuận lợi cho trồng và thu hoạch, vận chuyển sắn. Niên vụ 2020 - 2021, năng suất sắn ở đây khoảng 20 tấn/ha nhưng chưa xứng với tiềm năng. Sở dĩ lúc này người dân còn mặn mà vì sắn đang được giá, dễ trồng, ít công chăm sóc. Nhưng nếu tình hình này kéo dài, khi người dân có điều kiện đầu tư và có sự hỗ trợ của doanh nghiệp thì không ít trong số này sẽ được chuyển sang trồng cây ăn quả. Ở đây, hiện đang có 1 nhà máy vào đặt vấn đề hỗ trợ người dân trồng và thu mua toàn bộ sản phẩm từ cây chanh leo, xoài cát”, ông Nguyễn Đình Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết.

Ông Lò Văn Xum ở xã Xuân Hòa đã cố gắng tìm nguồn giống sắn sạch bệnh nhưng vẫn không tránh được khảm lá sắn khiến năng suất sụt giảm. Trong tư duy, ông Xum cũng nghĩ đến một ngày sẽ phải bỏ cây sắn, chuyển sang trồng cây ăn quả.

“Giá sắn tuy cao nhưng năng suất và hiệu quả thấp. Hơn nữa, doanh nghiệp thu mua như chỗ Nhà máy sắn Như Xuân thanh toán tiền sắn chậm lắm! Vì vậy, thuận đâu tôi bán đó, thường là bán cho Nhà máy Phúc Thịnh (huyện Ngọc Lặc) hoặc bán sang Nghệ An. Gia đình tôi sẽ cố gắng gom thêm đất khoảng tầm 7 - 8ha để chuyển sang trồng cây ăn quả”, ông Xum phân tích.

Ông Lê Tiến Đạt, Phó phòng NN-PTNT huyện như Xuân cũng thừa nhận, với năng suất bình quân trên địa bàn huyện hiện nay là 17,5 tấn/ha, người trồng sắn chưa phát huy tiềm năng, hiệu quả kinh tế từ cây sắn thấp hơn rất nhiều các loại cây trồng khác.

Vào vụ thu hoạch, các vùng trồng sắn ở xứ Thanh như một phiên chợ, mạnh ai nấy mua, nhanh ai nấy bán. Ảnh: VD.

Vào vụ thu hoạch, các vùng trồng sắn ở xứ Thanh như một phiên chợ, mạnh ai nấy mua, nhanh ai nấy bán. Ảnh: VD.

“Khả năng cao diện tích sắn sẽ giảm, tất nhiên không phải trong một sớm một chiều. Đất đã giao cho dân thì người dân sẽ tự tìm đến loại cây trồng nào phù hợp với điều kiện canh tác và hiệu quả kinh tế cao hơn. Với sự hỗ trợ từ Nghị quyết 185 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, không có gì lạ nếu trong thời gian tới người trồng sắn sẽ chuyển diện tích đất sang trồng cây ăn quả”, ông Đạt chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho rằng, nhóm cây sắn và mía mặc dù rất tiềm năng ở vùng đất này nhưng hiệu quả kinh tế hiện nay rất thấp trong khi cây cam, bưởi có thể thu 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang có định hướng chuyển một phần diện tích sắn, mía sang trồng cây ăn quả và UBND huyện Như Xuân cũng đang rà soát để chuyển.

Về chủ trương, Thanh Hóa vẫn sẽ duy trì vùng nguyên liệu sắn ổn định ở mức 13.500ha. Tuy nhiên theo nắm bắt, với thực trạng như hiện nay, khi chính quyền đã “nản” với cây sắn, bệnh khảm lá sắn hoành hành, khi một số loại cây trồng khác đang cạnh tranh mạnh về hiệu quả kinh tế thì cây sắn sẽ dần đánh mất vị thế của mình. Khi đó, các nhà máy chế biến tinh bột sắn sẽ bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt về vùng nguyên liệu như đã từng xẩy ra ở địa phương này.

“Trong quá trình sản xuất, người dân thấy giá thu mua cao nên tự phát mở rộng diện tích. Rõ ràng định hướng của chúng ta chưa tốt trong khi bà con cũng chưa nhìn thấy thiệt hại của bệnh khảm lá sắn gây ra mà chỉ thấy cái lợi trước mắt. Việc bao tiêu của các nhà máy sắn trên địa bàn cũng chưa được tốt, đa phần nông dân tự liên kết, tự trao đổi thông tin chứ chưa có một tổ chức nào đứng ra liên kết trực tiếp với nhà máy và đỡ đầu cho nhân dân”, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.