Hôm thứ Ba 29/9, Chính phủ Pháp thông báo lộ trình cấm các trang trại nước này nuôi chồn hương, cũng như sử dụng động vật hoang dã trong các rạp xiếc lưu động. Bên cạnh đó, nước này cũng xem xét khả năng cấm chăn nuôi cá heo và cá voi sát thủ trong điều kiện nuôi nhốt.
Trong tuyên bố về các biện pháp truy quét các nhóm tội phạm buôn bán động vật hoang dã, Bộ trưởng Môi trường Barbara Pompili nhấn mạnh "thái độ của con người cần phải thay đổi". Bà nói thêm: "Đã đến lúc niềm đam mê của tổ tiên chúng ta với những sinh vật này không đi cùng với việc chúng bị giam cầm".
Trước mắt, ba khu bảo tồn cá heo ở nước này sẽ không được phép cho những cá thế tại đây sinh sản. Họ cũng không được mang về thêm cá heo con hoặc cá voi sát thủ con nữa.
Hồi tháng 6/2019, Canada nằm trong nhóm 11 nước tiên phong thông qua dự luật cấm đánh bắt và nuôi nhốt các loài động vật có vú như cá voi và cá heo phục vụ giải trí. Dự luật này được đề xuất lần đầu vào năm 2015, nhưng bỏ ngỏ những ngoại lệ cho các loài động vật có vú bị đe dọa, cần được tái đàn hoặc khôi phục nòi giống.
Giám đốc phụ trách vận động chiến dịch của tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới của Canada, Melissa Matlow khi ấy bày tỏ hy vọng các nước noi gương Canada. Sau hơn một năm, Pháp mới nghe theo llời kêu gọi này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Pompili từ chối nói về thời điểm cụ thể các trang trại nuôi chồn hương hoặc sử dụng động vật hoang dã để giải trí phải đóng cửa.
"Chúng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ đi vào guồng từ những năm tới. Nếu ấn định một ngày cụ thể ngay lúc này, e là không giải quyết được vấn đề gì. Tôi quan tâm nhiều hơn tới quy trình để nước Pháp tiến đến mục tiêu một cách nhanh nhất có thể", Pompili cho biết.
Theo AFP, dự luật này sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ ngành công nghiệp thuộc da và kinh doanh lông thú tại Pháp. Trước đó, khi một số hãng thời trang nổi tiếng hàng đầu thế giới tiết lộ kế hoạch bỏ lông thú khỏi việc sản xuất những mặt hàng thời trang xa xỉ, nhóm những doanh nghiệp này đã phản đối kịch liệt.
Những rạp xiếc hoặc biểu diễn các tiết mục có động vật hoang dã chưa bình luận gì. Ước tính, người Pháp sử dụng khoảng 500 loài động vật khác nhau để diễn xiếc hoặc giải trí vào thời điểm hiện tại. Trong số này, cá heo và cá voi là những loài nổi tiếng nhất, thu hút sự chú ý và tò mò của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.
Vào năm ngoái, Thomas Cook, công ty điều hành du lịch của Anh, tuyên bố chấm dứt bán các tour du lịch tới các công viên nuôi cá voi sát thủ để phục vụ giải trí. Những địa điểm du lịch như hồ cá hoặc thủy cung buộc phải cam kết bỏ hoặc có kế hoạch bỏ cá heo, cá voi ra ngoài danh sách nuôi nhốt.
Tại Pháp, Chính phủ nước này mạnh tay chi gói viện trợ lên tới 9,3 triệu USD cho các rạp xiếc để giúp họ thích nghi với các lệnh cấm, đồng thời tìm những phương án kinh doanh mới. "Chúng tôi đã gửi công văn yêu cầu các rạp xiếc tái cấu trúc kinh doanh. Đây là thời điểm mang tính bước ngoặt, và họ rất cần nhà nước hỗ trợ. Chúng tôi sẽ đồng hành trong suốt chiến dịch", Pompili bày tỏ.
Trước Pháp, Trung Quốc cũng trích ngân sách nhà nước để giảm thiểu nạn buôn bán động vật hoang dã. CBS News cho biết, chính quyền thành phố Vũ Hán đã quyết định cấm ăn thịt động vật hoang dã từ cuối tháng 5/2020. Thành phố này cũng cấm mọi hành vi săn bắn động vật hoang dã trong khu vực.
Bên cạnh đó, Vũ Hán cũng ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã, trong đó yêu cầu các cơ sở phải cam kết không dùng động vật lafmt hực phẩm. Những hộ kinh doanh động vật hoang dã được khuyến cáo đổi sang lĩnh vực buôn bán khác, và cấp một khoản tiền hỗ trợ trong vài tháng.
Hồ Nam và Giang Tây là hai tỉnh khác của Trung Quốc công bố kế hoạch giúp người nuôi động vật hoang dã đổi nghề. Chính quyền sẽ quy đổi những cá thể động vật ra tiền, chẳng hạn 80 USD cho một con cầy hương, để trả cho các gia đình.
Sở dĩ, Trung Quốc mạnh tay trong vấn đề này bởi dịch SARS-CoV-2 hoành hành suốt từ cuối năm 2019. Cùng với nhiều đại dịch khác trong những năm gần đây như tả lợn châu Phi, vốn được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã, nước này muốn kiểm soát tình hình tận gốc.
Trong bài điều tra của Guardian cuối năm 2018, một số loài động vật hoang dã thậm chí có giá trị cao hơn khi chết đi, chẳng hạn hổ. Từ những chú hổ con được sinh trong điều kiện nuôi nhốt, chúng được bán một cách hợp pháp cho các vườn thú tư nhân để trẻ em chơi đùa. Hổ sẽ ở những vườn thú này trong khoảng một năm, trước khi bị buộc phải tới các rạp xiếc. Lúc này, hổ trở nên to lớn và chuẩn bị đến thời kỳ giao phối (khoảng 4-5 tuổi). Chúng trở nên nguy hiểm, ngay cả với những người thuần hóa thú.
Thanh tra người CH Czech, Pavla Rihova, người từng phát hiện và triệt phá một đường dây buôn bán và tiêu thụ hổ trái phép tại châu Âu nói hổ đến tuổi trưởng thành thường bị giết một cách bí mật. "Giá của chúng khi chết còn cao hơn khi sống, bởi chi phí cho việc nuôi dưỡng những con hổ lớn rất tốn kém", cô khẳng định.
Tại châu Âu, khoảng hơn 20 quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế việc sử dụng động vật hoang dã để giải trí. Tính riêng ở Pháp, khoảng 400 hội đồng địa phương đã ra những lệnh cấm tương tự, nhưng đây mới là lần đầu kế hoạch được áp dụng trên quy mô cả nước.