| Hotline: 0983.970.780

Phập phù lúa lai F1: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Thứ Sáu 21/03/2014 , 12:04 (GMT+7)

Lợi nhuận thấp, rủi ro cao, thiếu cơ chế chính sách làm điểm tựa, động lực tinh thần, nhiều DN không còn mặn mà SX hạt giống lúa lai F1.

NNVN đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định (ảnh) xung quanh vấn đề này.

dsc-1285134052103

Phát triển SX hạt giống lúa lai F1 trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu giống lúa của nước ngoài. Song thực tế dường như đi ngược lại mục tiêu trên. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là hiện nay các DN SXKD hạt giống lúa lai F1 ở nước ta đang gặp phải rất nhiều trở ngại như loạt bài NNVN nêu. Một số tỉnh như Quảng Nam, Đắk Lắk… đã xây dựng được nhiều vùng SX hạt lúa lai F1. Tuy nhiên những năm gần đây đang có xu hướng giảm diện tích rõ rệt.

Trước hết, phải khẳng định rằng SX lúa lai F1 rất khó và gặp nhiều rủi ro hơn so với lúa thuần. Vụ xuân 2013 tôi trực tiếp đi thăm mô hình SX hạt lai F1 do một DN liên kết với nông dân làm ở Quảng Nam. Ở thời điểm phun thuốc kích thích GA3, lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Nhưng vào thời kỳ thụ phấn thì gặp đợt mưa kéo dài, dẫn đến năng suất lúa suy giảm nghiêm trọng. 

DN khốn khổ chạy đôn chạy đáo lo tiền đền bù thiệt hại cho nông dân. Làm ăn thua lỗ, họ chẳng dại gì mà đầu tư vào "canh bạc" không chắc chắn phần thắng. Không chỉ riêng Quảng Nam, mấy năm trước có DN  cũng đưa lúa lai 2 dòng vào SX tại Đà Nẵng nhưng không may gặp phải gió mùa đông bắc nên thất thu.

SX lúa lai F1 đòi hỏi vốn đầu tư lớn, gieo cấy tập trung và tuân thủ quy trình kỹ thuật bài bản ở từng khâu. Do đó, không thể để DN làm giống đứng ngoài cuộc. Nhưng bản thân DN lại không có đất SX nên phải đi thuê hoặc liên kết với nông dân. Từ đây nảy sinh vô số vấn đề phức tạp...

Ở Tây Nguyên, một số vùng đã xác định có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để SX lúa lai F1 như Đắk Lắk, Gia Lai. Nhiều hộ trồng cà phê ở khu vực này mấy năm nay đều điêu đứng vì giá nông sản thấp. Nhưng từ khi các DN đến hỏi thuê đất SX lúa lai F1 bỗng họ đẩy cho thuê cao ngất ngưởng. Điều này cũng làm khó cho DN. Trung ương cũng có dự án xây dựng vùng SX hạt lai F1 ở Eaka (Đắk Lắk) song phải bỏ dở chừng do thiếu kinh phí…

Trước bối cảnh SX khó khăn, nhiều DN mong chờ Nhà nước có chính sách bảo hiểm cho lúa lai F1. Dưới góc độ quản lý Nhà nước về lĩnh vực trồng trọt, ông có ủng hộ vấn đề này?

Hiện chúng ta đã có chính sách bảo hiểm nông nghiệp rồi, nhưng đối tượng được bảo hiểm chỉ giới hạn ở những lĩnh vực SX thông thường. Còn bảo hiểm SX giống lúa lai F1 cũng như lúa thuần thì chưa có. Trước đây ngành NN-PTNT cũng đã đề xuất SX lúa lai F1 vào thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, nhưng chắc rủi ro quá lớn nên khó thực hiện được.

Hiện tại cơ chế hỗ trợ đối với DNSX lúa lai F1 vẫn theo chương trình khuyến nông, tức hỗ trợ khoảng 10 triệu đ/ha. Một số tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ thêm 5 - 8 triệu đ/ha. Số tiền ấy so với chi phí đầu tư công nghệ SX lúa giống là vẫn thấp. Bên cạnh đó còn hỗ trợ theo chương trình, dự án giống quốc gia, nhưng chủ yếu là hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu.

Hiện giá lúa lai F1 SX trong nước thấp hơn hoảng 30% so với các giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng tại sao giống lúa lai nội vẫn xảy ra tình trạng tồn kho với số lượng lớn?

Nhìn lại thì chúng ta chưa quan tâm nhiều đến hoạt động tuyên truyền về lúa lai. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã xuất hiện những sản phẩm lúa lai cho chất lượng cơm ngon, ăn có vị đậm, dẻo, gạo trắng như Bác ưu 64, Bác ưu 903. Nhưng sau đó, một số giống lúa khác như Sán ưu 63, Nhị ưu 838... chất lượng gạo dưới trung bình, cơm ăn rất cứng vẫn được trồng phổ biến.

Dần dần, người nông dân có “ác cảm” với lúa lai. Họ nghĩ rằng cứ lúa lai là không ngon nên không cấy. Thực tế không phải vậy, một số giống lúa lai ra đời sau như Hương ưu 2308, Thái Xuyên 111, Nam Dương 99… có chất lượng rất khá.

Từ những hạn chế trong khâu tuyên truyền dẫn đến tâm lý sính ngoại của nông dân. Không ít người nghĩ rằng chất lượng giống lúa của Việt Nam SX kém xa so với Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khó SX và tiêu thụ lúa lai F1 trong nước.

Dù vậy, Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc rất coi trọng và khuyến khích mở rộng diện tích lúa lai F1 nói chung và lúa lai thương phẩm nói riêng, thưa ông?

Để đảm bảo an ninh lương thực thì giải pháp tối ưu nhất là tăng diện tích lúa lai để tăng năng suất. Vì vậy, lúa lai vẫn phát triển ở các tỉnh trên do có lợi thế cạnh tranh riêng của nó. Một phần lúa lai dễ vào các địa phương này là do chính quyền thực hiện chính sách trợ giá giống. Để thúc đẩy SX lúa lai F1 phát triển, các tỉnh cần tạo điều kiện hơn nữa để DN được thuê đất và liên kết SX với nông dân, hỗ trợ DN xây dựng cơ sở hạ tầng SX. Và quan trọng nhất là Nhà nước sớm có chính sách bảo hiểm cho SX lúa lai F1.

Xin cảm ơn ông!

dsc-1285134052103.JPG

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.