Thử nghiệm thành công ở nước ngoài
Việc Công ty Navetco nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin dịch tả heo Châu Phi đã làm nức lòng người chăn nuôi, cả trong và ngoài nước.
Điều đáng mừng là vacxin dịch tả heo châu Phi của Navetco tiêm phòng thử nghiệm tại nước ngoài cũng cho kết quả tốt. Cụ thể, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác kỹ thuật gồm các cán bộ của Cục Thú y và cán bộ của Công ty Navetco triển khai hỗ trợ sử dụng vacxin dịch tả heo châu Phi tại Cộng hòa Dominicana từ ngày 15/5 đến ngày 19/6/2023 theo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.
Đoàn công tác kỹ thuật hỗ trợ Cộng hòa Dominicana gồm 08 thành viên (05 cán bộ của Cục Thú y và 03 cán bộ của Công ty Navetco). Đoàn công tác chia thành 03 nhóm: Nhóm 1 làm việc từ ngày 17 - 22/5/2023; nhóm 2 làm việc từ ngày 17 - 29/5/2023; nhóm 3 làm việc từ ngày 17/5 – 19/6/2023. Công ty Navetco hỗ trợ 2.500 liều vacxin NAVET-ASFVAC và kit phục vụ cho công tác chẩn đoán và giám sát sau tiêm phòng.
Đoàn đã thực hiện tiêm gần 500 liều vacxin và kết quả cho thấy vacxin an toàn, heo tiêm khỏe mạnh, không bị phát bệnh dịch tả heo châu Phi. Kiểm tra đáp ứng kháng thể sau tiêm vacxin từ 28 đến 90 ngày cho thấy sau khi tiêm 1 mũi, tỷ lệ heo có kháng thể biến động từ 85 đến 96% và sau khi tiêm 2 mũi là 89,5%.
Sẵn sàng cung ứng, ngăn chặn dịch bệnh
Hiện nay, đặc biệt là sau khi có Công văn số 4870/BNN - TY của Bộ NN-PTNT (ngày 24/7/2023) về việc “Sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi”, vacxin NAVET-ASFVAC đã có đầy đủ tính pháp lý để sản xuất và sử dụng trong toàn quốc, đồng thời có thể xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Xuân Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Navetco, vấn đề khó khăn là do vacxin mới, cán bộ và người dân chưa hiểu hết về vacxin này nên còn e ngại khi dùng. Đây là hạn chế rất lớn và là nguyên nhân vừa qua số lượng heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi nhiều. Nếu các tỉnh quan tâm đến vấn đề này và quyết liệt trong xây dựng phương án tiêm phòng sẽ hạn chế được rất nhiều thiệt hại.
Hơn nữa, nếu các đối tượng heo trong độ tuổi được tiêm phủ tốt, không những hạn chế được thiệt hại do bệnh mà còn giúp hạn chế được khả năng lây lan bệnh (do người dân bán heo bị bệnh ra ngoài không kiểm soát được).
Nếu không chủ động phòng bệnh bằng vacxin dịch tả heo châu Phi, chúng ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn trong chương trình phòng chống bệnh này, đó là: Tái đàn > lợn lại bị bệnh > bán chạy > mức độ lây lan nhanh > số lượng heo bị tiêu hủy và bán chạy càng lớn > mầm bệnh phân bố càng rộng, nhiều, ở mức độ cao trong cộng đồng càng lớn. Vì thế, có ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng chính sách tiêm phòng bắt buộc vacxin này cho đàn heo.
Theo Tiến sĩ Trần Xuân Hạnh, Công ty Navetco với các thiết bị, nhà xưởng và kinh nghiệm hiện có hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu vacxin dùng trong nước. Hiện Công ty cũng nhận được nhiều yêu cầu về vacxin này từ các đối tác khác như: Nga, Belarus, Rumania, Myanmar, Philippin... Tuy nhiên đây là một quá trình dài vì cũng giống như ở Việt Nam, để nhập khẩu một vacxin nào cũng cần phải thông qua nhiều bước, mà trước hết phải thực hiện việc đánh giá hiệu quả của vacxin tại nước cần nhập khẩu.
Đối với Công ty Navetco, song song với tiếp cận các đối tác phục vụ cho công tác xuất khẩu, hướng ưu tiên của Công ty vẫn là thị trường trong nước, với mong muốn góp phần vào việc hạn chế thấp nhất bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Việt Nam.
Khuyến cáo sử dụng vacxin NAVET-ASFVAC
1. Vacxin NAVET-ASFVAC dùng để phòng bệnh, do vậy chỉ tiêm cho heo khỏe mạnh. Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, không được tiêm cho heo hiện chưa được khuyến cáo tiêm như heo nái, nái mang thai, heo đực...
2. Cần tìm hiểu kỹ các thông tin về vacxin, nếu cần liên hệ với Công ty Navetco để được tư vấn sử dụng hiệu quả.
3. Vacxin chỉ là một trong các biện pháp phòng chống bệnh. Việc dùng vacxin sẽ có hiệu quả phòng bệnh tốt hơn nếu kết hợp tốt với việc thực hiện an toàn sinh học. Cần lưu ý đến dinh dưỡng, chăm sóc tốt cho đàn heo trước, trong và sau khi tiêm.