| Hotline: 0983.970.780

Phát triển mắc ca đến năm 2020: Chất lượng hơn diện tích

Thứ Năm 16/04/2015 , 06:06 (GMT+7)

"Thời điểm hiện tại mắc ca chưa phải là cây tỷ đô, mà đó là hoài bão của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và những người làm nông nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế của quốc gia", ông Nguyễn Trí Ngọc chia sẻ.

Bàn về vấn đề phát triển cây mắc ca, TS Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & phát triển nông lâm nghiệp Thành Tây cho rằng: Chúng ta không cần thiết bàn cãi nhiều về diện tích trồng 10.000 ha hay 200.000 ha nữa, vấn đề quan trọng là tập trung vào chất lượng sản phẩm.

Không dè dặt, đừng nôn nóng

Có ý kiến cho rằng, định hướng của Bộ NN-PTNT về trồng 10.000 ha mắc ca tới năm 2020 tại những vùng đã khảo nghiệm thành công là hẹp so với tiềm năng của nước ta. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Ngọc nhận định, chủ trương như vậy là rất đúng. Thứ nhất, chúng ta chỉ còn 5 năm nữa để thực hiện. Và nếu đạt được điều đó thì Việt Nam đã đứng trong TOP 5 quốc gia có diện tích mắc ca lớn nhất thế giới rồi.

Tâm lý của người Việt thường hay nôn nóng, như vậy rất dễ “đốt cháy giai đoạn”, có thể dẫn tới thiệt hại nặng nề. Mặc dù cây mắc ca đã du nhập vào nước ta được 20 năm, nhưng trong quá trình khảo nghiệm cho ra kết quả khác nhau. Bộ cũng chưa thu thập đầy đủ những cứ liệu để phê duyệt quy hoạch tổng thể vùng trồng mắc ca với diện tích bao nhiêu là phù hợp.

TS Ngọc chia sẻ, giới truyền thông rất hay hỏi tôi câu: "Tại sao lại ví mắc ca là “cây tỷ đô”?". Tôi khẳng định, thời điểm hiện tại mắc ca chưa phải là cây tỷ đô, mà đó là hoài bão của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và những người làm nông nghiệp muốn vươn tới, dựa trên tiềm năng, lợi thế của quốc gia. Cũng giống như người ta hay nhắc tới hình ảnh ước vọng về “dòng sông sữa” đối với ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam, bởi nó có tiềm năng phát triển thực sự. Niềm tin và hoài bão có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta kiên trì và dành tâm sức thực hiện, từ đó tạo nên sự đột phá nào đó lớn lao.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng năng lực SX và quản lý giống mắc ca của nước ta còn rất hạn chế. Theo thống kê, các cơ sở cung ứng giống uy tín có vườn cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trồng mới 1.000 ha/năm (với mật độ 350 cây/ha). Vì thế, muốn phát triển “nóng” diện tích mắc ca cũng vô cùng khó.

Trong số hơn 2.000 ha mắc ca chúng ta đang có, nhiều chuyên gia khoa học nhận định rằng, có đến quá nửa diện tích được trồng bằng cây thực sinh. Nếu điều đó là đúng, thì đến lúc nào đó sẽ có nhiều vườn cây phải nhổ đi vì không có quả. Thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Nói như vậy để thấy, Bộ NN-PTNT không quá dè dặt trong vấn đề phát triển cây mắc ca (để bỏ lỡ cơ hội làm giàu của nông dân), nhưng cũng không nôn nóng mở rộng theo kiểu mù quáng dẫn tới rủi ro khôn lường.

Qua đây, ta nhận thấy sự chuyển biến khá rõ nét trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, đó là thay đổi tư duy chạy theo số lượng, diện tích, mà mục đích tối thượng là tính hiệu quả và bền vững; không khuyến khích người người, nhà nhà trồng mắc ca, mà đề cao hình thức liên kết SX theo chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân, từ cung ứng vật tư đầu vào, chăm sóc, bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Bởi, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, nông dân Việt Nam khó có thể tự “bơi” trong cơ chế thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt được.

Chất lượng không chuẩn, giá sẽ rớt thê thảm

Ông Lê Tùng Anh, Giám đốc Dự án chế biến mắc ca của Cty Cổ phần Thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ Quốc tế (IDT) cho biết: Tại Úc, Mỹ và Nam Phi, để bán được mức giá cao, sản phẩm mắc ca của họ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giá trị của mắc ca thấp hay cao được quy định bởi rất nhiều yếu tố như hàm lượng các dưỡng chất có trong nhân; độ ẩm của hạt mắc ca phải từ 15% trở xuống; tỷ lệ nhân/quả đạt tối thiểu 33%.

jpeg-imge-3055084052186
Ông Lê Tùng Anh (bên trái) và TS Nguyễn Trí Ngọc giải đáp thắc mắc của các PV về vấn đề phát triển mắc ca trong 5 năm tới

Nếu chúng ta không có một bộ giống tốt và đưa ra được những gói kỹ thuật chăm sóc từng giống mắc ca cho nông dân thì khó có thể đạt hàm lượng chất dinh dưỡng đúng chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, nông dân Tây Nguyên vẫn có tập quán bảo quản nông sản bằng cách phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Như vậy rất nguy hiểm vì không thể kiểm soát được nhiệt độ ổn định, dẫn đến hiện tượng chảy dầu ở bên trong, như vậy chỉ có thể dùng để ép thành dầu ăn, với giá trị vô cùng thấp.

Hiện tại, quả mắc ca ở Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ ngay tại các vùng trồng, chủ yếu phục vụ làm giống. Do đó, giá cả vẫn chưa được áp theo cơ chế thị trường. Nếu muốn trở thành một quốc gia xuất khẩu mắc ca lớn trên thế giới, thì trước hết phải tạo ra được sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó không phải điều dễ dàng.

Giải đáp thắc mắc rằng chúng ta có nên đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mắc ca ở thời điểm này hay không? Ông Lê Tùng Anh cho rằng: Có hai khái niệm liên quan đến chế biến. Thứ nhất là sơ chế. Có thể tạm hiểu đây là công việc sấy hạt mắc ca để đưa về độ ẩm 10 - 15%. Chúng ta vẫn nghĩ đầu tư một xưởng sơ chế kiểu này không cần nhiều tiền, nhưng hoàn toàn sai. Trên thế giới, có thể thấy mô hình thành công nhất là của MPC, Cty hàng đầu của Úc về chế biến mắc ca. Họ đã phải đầu tư khoảng 60 triệu USD xây dựng một nhà máy sơ chế hạt mắc ca với công suất chỉ 11.000 tấn/năm. Bởi để đạt được độ ẩm 10% của hạt mắc ca, phải mất thời gian sấy lên tới 4 tuần, nhiệt độ ổn định ở mức 40 độ C.

Bên cạnh đó, để có nguồn nguyên liệu ổn định, họ đầu tư vốn cho các nông trại và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các nông trại. Hợp đồng này rất chặt chẽ và được pháp luật bảo vệ nên không bên nào muốn vi phạm. Hiện tại, MPC có quan hệ hợp đồng với 750 nông trại khắp nước Úc. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như mô hình này. Tất nhiên, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền thì mới đảm bảo cho mô hình này hoạt động. Vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các bên liên quan để nhanh chóng xác định mô hình hiệu quả cho từng địa phương. Theo tính toán của IDT, với quy mô mắc ca như hiện nay, chúng ta nên đầu tư các xưởng sơ chế mắc ca nhỏ ở ngay vùng nguyên liệu, với công suất từ 5 - 10 tấn/năm.

Thứ hai, về chế biến sâu, nên khuyến khích xây dựng nhà máy ở gần thị trường tiêu thụ, ví dụ như các đô thị lớn để bảo đảm rằng, sản phẩm mắc ca sau khi ra lò sẽ được vận chuyển nhanh nhất, trong điều kiện tốt nhất đến nơi có nhu cầu để đảm bảo chất lượng cao. Không nhất thiết phải đặt ngay tại các vùng nguyên liệu như Tây Bắc, Tây Nguyên, bởi hạt mắc ca sau khi đã qua sơ chế thì có thể bảo quản được thời gian lên tới cả tháng.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.