Sau hơn 10 năm đưa vào trồng khảo nghiệm, diện tích mắc ca của Lâm Đồng hiện có khoảng gần 1.000 ha. Cây mắc ca Lâm Đồng đang bộc lộ khá rõ tầm quan trọng của chất lượng cây giống: Nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng trên mỗi ha nếu gặp phải cây giống chất lượng tốt; ngược lại, không ít hộ phải đốn bỏ hoàn toàn cả ha mắc ca sau 8-10 năm chăm sóc vì gặp phải giống kém chất lượng (chỉ sum suê cành lá chứ không ra quả).
Hiện trên địa bàn Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, hàng loạt cơ sở ươm bán giống mắc ca mọc lên vì nhu cầu nguồn cây giống ở các tỉnh này rất lớn. “Cơ quan hữu trách, cụ thể là Sở NN-PTNT Lâm Đồng, phải quản lý chặt nguồn giống này” - ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Mắc ca tuổi thứ tư tại Tà Nung (Đà Lạt) đã cho trái bói
Từ nguồn tin đáng tin cậy, chúng tôi xin được nêu vấn đề cây giống: Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên vừa công bố thông tin rằng qua 10 năm triển khai một đề tài khoa học về cây mắc ca, Viện đã thu thập, tuyển chọn được 20 giống mắc ca, chủ yếu là các giống mắc ca thương mại trên thế giới như H2, 508, OC, 814, 246...
Qua nhiều năm trồng thử nghiệm, Viện đưa ra kết luận, với địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên, trong 20 giống mắc ca này, có 3 giống phù hợp nhất đó là OC, H2 và A38. Trong đó, riêng hai giống OC và H2, sau 9 năm trồng tại vùng Tây Nguyên đã đạt năng suất 8 kg/cây/năm - tương đương năng suất mắc ca tại Úc và cao hơn năng suất tại Trung Quốc (năng suất ở Úc đạt 8 kg và Trung Quốc là 6,58 kg/cây).
Tại Lâm Đồng và Đăk Lăk, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã triển khai 3 mô hình khảo nghiệm trồng xen mắc ca với một số cây trồng khác (cà phê vối, cà phê chè và ca cao) từ năm 2006 với một số giống mắc ca (trong đó có giống OC, H2)... và đến nay, kết quả là cây mắc ca phát triển tốt ở tất cả các mô hình, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh hại nghiêm trọng.