| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nghề cá quy mô nhỏ

Thứ Sáu 02/11/2012 , 16:22 (GMT+7)

Tạo việc làm cho khoảng 4,7 triệu người, thu về 6-7 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu… thế nhưng, nghề cá quy mô nhỏ tại VN đang gặp nhiều khó khăn, thách thức...

Tạo việc làm cho khoảng 4,7 triệu người, thu về 6-7 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu… thế nhưng, nghề cá quy mô nhỏ tại VN đang gặp nhiều khó khăn, thách thức từ chính cung cách quản lý và chưa có chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển.

Thực trạng trên được bàn luận, mổ xẻ tại hội thảo “Phát triển nghề cá quy mô nhỏ bền vững tại VN” do Cục Khai thác & BVNLTS, Hội Nghề cá VN tổ chức từ 1 - 2/11, tại Hà Nội.

"Bội thực" văn bản vẫn thiếu chính sách

Theo báo cáo của Hội Nghề cá VN, cả nước hiện có khoảng 4,7 triệu lao động, tập trung trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần. Năm 2011, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,2 triệu tấn, kim ngạch XK ở mức 6 tỷ USD (chiếm gần 25% tổng kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp và 6,34% tổng kim ngạch XK toàn quốc).

Thủy sản VN đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập, SX thực phẩm và xóa đói giảm nghèo. Sản lượng khai thác của nghề khai thác quy mô nhỏ chiếm khoảng 69% tổng sản lượng khai thác (trên 1 triệu tấn/năm), rất nhiều loài cá, tôm, mực, ghẹ, bạch tuộc là đối tượng XK được khai thác bằng nghề cá quy mô nhỏ.

Thế nhưng số phận của những ngư dân đánh bắt cá quy mô nhỏ giống như "con nuôi", ít được quan tâm. Theo ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, không có nước nào trên thế giới lại có nhiều văn bản liên quan đến chính sách và quản lý nghề cá nói chung, nghề khai thác thủy sản nói riêng như VN.

Ngoài 20 văn bản cấp Trung ương thì cấp địa phương có thêm hàng loạt văn bản khác có liên quan đến nghề cá. Nhiều văn bản là vậy nhưng VN cũng chưa có định nghĩa về nghề khai thác trên biển và nội địa quy mô nhỏ. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến nghề cá thiếu các chính sách quản lý, đầu tư có quy mô.

Hơn nữa, nghề khai thác cá quy mô nhỏ đang gặp thách thức như điều kiện kinh tế của đa phần cộng đồng ngư dân ven biển có hoàn cảnh rất khó khăn, trình độ học vấn thấp. Thêm vào đó, sự gia tăng quá nhanh và không kiểm soát được số lượng tàu có công suất trên 20CV (theo quy định tàu cá quy mô nhỏ là trên 90CV).

Những tàu này lại khai thác ở vùng quá gần bờ, nơi có nhiều hệ sinh thái quan trọng, nhạy cảm, là nơi thủy hải sản kiếm ăn và sinh sản. Vì vậy năng suất khai thác đang suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thu nhập, kinh tế của ngư dân…

Tại hội thảo, ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác & BVNLTS cho hay, đầu năm 2013 sẽ có khoảng 3.000 tàu cá của ngư dân được gắn thiết bị (chíp) có nhiều chức năng như thu tín hiệu từ vệ tinh để nhận thông tin dự báo thời tiết chính xác; dự báo ngư trường; tự động báo vị trí tàu về bờ; các thông tin hướng dẫn tránh trú bão và thông tin quan trọng từ cơ quan quản lý thủy sản trong bờ.

Bổ sung những bất cập trong nghề, Tổng Thư ký Hội Nghề cá VN Trần Cao Mưu cho hay, lực lượng lao động nghề cá chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống kiểu “cha truyền con nối”, không được đào tạo tay nghề, bổ sung kiến thức nên việc tiếp cận khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật, hiểu biết về cơ chế chính sách, đời sống, trách nhiệm của người lao động rất hạn chế. Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá thiếu và hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương không quản lý được…

Phải tổ chức SX lại

Nhiều năm có kinh nghiệm trong việc quản lý, xây dựng chính sách nghề cá, ông Vĩnh kiến nghị, phải phát triển thủy sản thành một ngành SX hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao để chuyển nghề cá nhân thành nghề cá hiện đại. Tiến hành điều tra, nghiên cứu đánh giá tổng thể điều kiện tự nhiên, môi trường, nguồn lợi, số liệu thống kê khai thác vùng ven bờ làm cơ sở cho hoạch định kế hoạch SX cho từng vùng theo từng giai đoạn.

Đặc biệt, theo ông, phải tổ chức lại SX trên biển, bên cạnh phát triển các mô hình tổ hợp tác, tăng cường vai trò của người phụ nữ. Ngoài ra, cần tạo nguồn vốn tín dụng để giảm số lượng tàu khai thác ven bờ bằng chuyển đổi khai thác ven bờ gây ảnh hưởng tới nguồn lợi, sang đánh bắt xa bờ.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.