| Hotline: 0983.970.780

Nữ điệp viên một chân khiến mật vụ phát xít Đức khiếp sợ bởi những chiến tích

Thứ Tư 17/01/2018 , 13:05 (GMT+7)

Dù khiếm khuyết một bên chân trái, Virginia Hall vẫn khiến phát xít Đức khiếp sợ bởi những chiến tích mà ngay cả người lành lặn cũng khó lòng đạt được. Cuộc đời của Virginia Hall giống như cuốn tiểu thuyết trinh thám với những tình tiết gay cấn...

Cuộc đời của Virginia Hall giống như cuốn tiểu thuyết trinh thám với những tình tiết gay cấn, đột biến khó ngờ. Bà là một trong những điệp viên Đồng minh được kính trọng nhất thời kỳ Thế chiến II. Dù chưa bao giờ có ý định theo đuổi sự nghiệp tình báo, Virginia Hall cuối cùng lại làm việc cho người Anh rồi đến người Mỹ và bà đã chứng minh được rằng bà là tài sản vô giá đối với quân Đồng minh thời chiến, theo Women’s History Network.

 

Nữ điệp viên Virginia Hall. Ảnh: CIA.

Sinh năm 1906 ở Baltimore, Virginia có ước mơ trở thành nữ đại sứ đầu tiên của Mỹ. Bà đang trên con đường hiện thực hóa mơ ước với công việc thư ký tại cơ quan lãnh sự Mỹ ở Smyrna, Thổ Nhĩ Kỳ, thì một tai nạn săn bắn xảy ra, cướp đi chiếc chân trái của Virginia và cướp đi cả ước mơ cuộc đời bà.

Bất chấp mọi khó khăn, bà vẫn kiên trì và đã tự đưa mình vào một vị trí có thể thay đổi lịch sử. Bảo vệ quê hương khỏi cỗ máy chiến tranh mà phát xít Đức đang lê khắp châu Âu lúc bấy giờ là mong muốn cháy bỏng đối với Virginia Hall. Bà nhiều lần nộp đơn xin vào Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng liên tục bị từ chối vì khuyết tật và giới tính. Song Virginia không phải một phụ nữ chịu chấp nhận “Không” là câu trả lời. “Không” với Virginia chỉ mang ý nghĩa “hãy tìm cách khác”.

Khi Virginia đến Pháp, bà tiếp tục tìm cách để phục vụ cho đất nước nhưng vì không có vị trí nào phù hợp, bà quyết định làm việc cho người Pháp. Bà cùng người bạn Do Thái Claire de La Tour tình nguyện nhận công việc lái xe cứu thương ở Pháp giữa lúc chiến tranh ác liệt. Họ đã sống sót qua hàng loạt nhiệm vụ nguy hiểm trên tiền tuyến, đưa hàng nghìn người bị thương về nơi an toàn trước khi trốn đến miền nam Pháp trong giai đoạn phát xít Đức xâm chiếm.

Ngày 10/5/1940, Đức phát động cuộc xâm lược toàn diện, quân Pháp thất thủ hơn một tháng sau đó. Virginia chuyển đến Anh, nơi bà kiếm được việc làm ở Đại sứ quán Mỹ. Sống sót qua nhiều trận không kích nhằm vào London, Virginia quyết định tham gia Cục Tác chiến Đặc biệt Anh (SOE). Tại đây, bà được huấn luyện mọi kỹ năng cần thiết để trở thành một điệp viên.

Virginia quay về Pháp với vai trò mới, một điệp viên lão luyện. Trong hai năm, bà làm gián điệp ở Lyon dưới vỏ bọc cộng tác viên cho tờ New York Post. Sau khi Mỹ tham chiến, bà ẩn mình. Virginia vẫn tiếp tục công việc thêm 14 tháng, bất chấp nguy cơ bị tra tấn và giết chết nếu rơi vào tay người Đức.

Bà đã góp sức cứu hộ nhiều phi công Đồng minh bị bắn hạ, giúp họ rời khỏi nước Pháp, giải cứu tù binh, truyền những thông tin mang ý nghĩa sống còn qua sóng radio cho quân Đồng minh, hỗ trợ việc thả dù cung cấp vũ khí, hàng tiếp tế và tài chính cho phong trào kháng chiến. Bà còn tham gia những nhiệm vụ trinh sát, phá hoại, đồng thời dẫn dắt ba tiểu đoàn của lực lượng kháng chiến Pháp thực hiện các cuộc tấn công du kích.

Trong quá trình hoạt động, Virginia mang nhiều tên giả như Marie Monin, Germaine, Diane, Marie của Lyon, Camille hay Nicolas, trong khi phát xít Đức gọi bà là "quý bà khập khiễng". Gestapo (Mật vụ Đức) đưa Virginia vào danh sách truy nã gắt gao.

Tháng 10/1942, Gestapo ra một thông báo trên toàn nước Pháp: “Người phụ nữ cụt chân là một trong những điệp viên nguy hiểm nhất của quân Đồng minh ở Pháp. Chúng ta phải tiêu diệt cô ta”.

Trước tình thế ngặt nghèo, Virginia buộc phải bỏ trốn qua dãy núi tuyết phủ Pyrenees bằng chân trần. Đồng hành cùng bà là một người hướng dẫn và ba người đàn ông khác cũng đang trốn chạy. Vượt qua dãy núi Pyrenees là một trải nghiệm đầy nguy hiểm và đau đớn đối với Virginia, người chỉ còn một chiếc chân. Nhưng cuối cùng bà và những người đồng hành cũng vượt qua khó khăn để đến được một ga tàu ở Tây Ban Nha. Nhưng trong lúc chờ đợi tại đây, cả nhóm đã gặp rắc rối. Không có đầy đủ giấy tờ, Virginia bị tống giam 6 tuần trong nhà tù Figueres trước khi lãnh sự Mỹ can thiệp giải cứu bà.

Ngày 10/3/1944, được SOE chấp thuận, Virginia gia nhập Phòng Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS), tổ chức tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Khi Mỹ dồn nỗ lực để kết thúc cuộc chiến, tướng Bill Donovan, người có công xây dựng và lãnh đạo OSS, đã điều Virginia quay trở về Pháp để thu thập những thông tin cần thiết chuẩn bị cho “Ngày phát quyết” trọng đại.

Chiến tranh kết thúc, những người có công được tôn vinh vì những cống hiện của họ. Tướng Donovan đã đích thân trao tặng Virginia Huân chương Bảo quốc Thập tự, phần thưởng danh giá bậc nhất trong quân đội Mỹ, chỉ xếp sau Huân chương Danh dự.

Năm 1951, bà gia nhập CIA và làm việc cho đến lúc nghỉ hưu năm 1966. Tháng 12/2006, hơn 20 năm sau khi Virginia qua đời, bà được đại sứ Anh và Pháp vinh danh tại lễ tưởng niệm ở Washington. Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac đã ca ngợi Virginia là "người anh hùng thực sự của phong trào kháng chiến Pháp".

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.