Chiến tranh là “lò hun đúc” sáng tạo. Với mong muốn giành lợi thế quyết định trước đối thủ, nhiều phát minh và kế hoạch táo bạo được thúc đẩy, trong đó, yếu tố tức thời và bất ngờ thường được đánh giá cao.
Đây là lý do tại sao Thế chiến I đã chứng kiến súng Paris, một khẩu đại bác lớn gắn trên tòa hỏa có khả anwng bắn từ rất xa đến nỗi khi những quả đạn đầu tiên rơi xuống từ bầu trời yên ắng, người Pháp tưởng rằng đó là một vụ nổ khí gas hay động đất. Cũng vì lý do tương tự mà Đức Quốc xã đã chế tạo ra một chiếc xe tăng hình cầu hay Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh sáng chế ra những chiếc máy bay “quái thú” trên biển Caspi.
Trong Thế chiến II, những sáng kiến mới đã xuất hiện trên cả đất liền, trên biển và trên không. Tuy nhiên, đôi khi những ý tưởng trở nên quá viễn tưởng, và có lẽ người Anh đã đi quá xa với kế hoạch sử dụng những tảng băng trôi để tấn công phát xít Đức. Kế hoạch này chắc chắn bất ngờ, song tính khả thi là một dấu hỏi lớn.
Khi ý tưởng sử dụng một tàu sân bay băng trôi lần đầu tiên được đưa ra, một số người cười nhạo nó trong khi số khác tỏ ra vô cùng kinh ngạc, nhưng chắc chắn nó đã gây xôn xao dư luận. Mặc dù kế hoạch mang tên “Habakkuk” này không bao giờ thành hiện thực, nó cho thấy mức độ điên rồ của những ý tưởng mà người ta có thể nghĩ đến để giành thắng lợi một cuộc chiến.
Căn cứ băng trôi
Ý tưởng sử dụng băng trôi làm vũ khí trong Thế chiến II là đứa con tinh thần của Geoffrey Pyke, nhà phát minh, phóng viên chiến trường kiêm điệp viên người Anh. Năm 1942, ý tưởng này lần đầu tiên nảy ra trong đầu Pyke nhưng bản thân ông cũng nhận ra nó điên khùng đến mức nào. Ông thậm chí sợ mình có thể bị sa thải ngay lập tức khỏi Bộ Ngoại giao Anh nếu nêu ý tưởng này. Dù vậy, Pyke rất nghiêm túc nó.
Đề xuất được đưa ra sau thất bại của quân Đồng minh trong Trận chiến Đại Tây Dương khi 652.487 tấn hàng của họ bị đánh chìm bởi các tàu U-boat Đức. Việc giành quyền kiểm soát Đại Tây Dương và khơi thông tuyến vận chuyển đến châu Âu là điều cần thiết bởi nếu không có nó, phe Đồng minh sẽ bị diệt vong.
Tâm lý tuyệt vọng của quân Đồng minh ngày càng gia tăng do hạn chế về khả năng che phủ trên không. Một khi các tàu hải quân Đức bị phát hiện, chúng thường nằm ngoài phạm vi tấn công của máy bay ném bom phe Đồng minh. Trong giờ phút tuyệt vọng nhất này, Pyke đã trình bày ý tưởng về tàu sân bay băng trôi, nghe không khác gì một câu chuyện cổ tích.
Về mặt lý thuyết, ý tưởng tàu băng có vẻ rất hứa hẹn và sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến tàu sân bay truyền thống. Những chiếc tàu sân bay như vậy rất tốn kém, mất nhiều năm để chế tạo và trang bị, chỉ có thể hoạt động với một số máy bay nhất định và có nguy cơ bị đánh chìm bởi Đức Quốc xã.
Ý tưởng cơ bản là tạo ra các tàu sân bay bằng băng nhanh chóng, có giá thành rẻ và không thể chìm. Hơn nữa, mỗi tàu sân bay bằng băng sẽ có khả năng mang theo các máy bay ném bom lớn hơn và nhiều hơn.
Nhưng, đáng chú ý nhất, những tảng băng được vũ khí hóa này sẽ mang đến yếu tố bất ngờ. Khi phát xít Đức nhận thức được điều gì đang diễn ra, quân Đồng minh lúc đó đã kiểm soát Đại Tây Dương và Đức Quốc xã hầu như sẽ không thể làm gì để giành lại.
Những vũ khí được sử dụng để đánh chìm tàu thông thường sẽ không mang đến tác động đáng kể đối với tàu sân bay bằng băng. Ý tưởng đã đi từ vô lý đến hợp lý, vì nó dường như đã loại bỏ tất cả các điểm yếu của tàu sân bay và tạo ra những lợi thế lớn.
Các tàu sân bay băng sẽ có khả năng trôi qua các mỏ từ trường mà không bị ảnh hưởng và những cuộc tấn công bằng ngư lôi sẽ không thể đánh chìm chúng.
Đề xuất mà Pyke đưa ra được đánh giá là độc đáo và sáng tạo một cách phi thường. Trong lúc tư duy về tàu sân bay băng trôi, ông đã bỏ qua những suy nghĩ thông thường và chỉ tập trung vào việc đạt được các mục tiêu của quân Đồng minh ở Đại Tây Dương.
Nhưng nó chắc chắn không phải một kế hoạch hoàn hảo. Các tảng băng trôi không có khả năng cơ động và sẽ cần tiếp tế liên tục vì chúng không thể quay trở lại cảng. Mặt khác, để vận hành các phi đội máy bay ném bom từ các căn cứ như vậy, người ta cần thích ứng với thời tiết lạnh, cả về hậu cần trên mắt đất tới những thay đổi đối với chiến đấu cơ.
Nhiều người coi việc sử dụng tàu sân bay bằng băng trong Thế chiến II là kỳ lạ vì nó có vẻ phi thực tế và phi logic. Ý tưởng này yêu cầu những đột phá đáng kể về kỹ thuật mà không ít cải tiến trong số đó vẫn ở giai đoạn sơ khai.
Hơn nữa, Dự án Habakkuk thậm chí còn muốn xây dừng những hạm đội tàu sân bay băng mới bằng cách gia cố chúng với sợi gỗ, một vật liệu mà Pyke gọi là “pykrete”.
Xây dựng một khung gỗ như vậy đã là một thách thức lớn. Nhưng dường như Pyke đã không đánh giá hết được độ phức tạp trong kế hoạch mà ông khởi xướng.
Tài liệu mà Pyke gửi cho cấp trên nhằm tóm tắt ý tưởng về dự án cũng cho thấy mức độ kỳ lạ của nó. Con tàu trong mơ sẽ được tạo ra bằng cách kết nối các khối băng lại với nhau. Kích thước khổng lồ của nó sẽ giúp chứa được nhiều máy bay ném bom và máy bay chiến đấu hiện đại.
Con tàu này, lớn hơn nhiều so với bất cứ thứ gì khác ngoài kia, sẽ không thể bị đánh chìm vì nếu vậy, kẻ thù sẽ phải phá vỡ chúng thành hàng chục, hàm trăm mảnh.
Trên giấy, ý tưởng này có vẻ đầy hứa hẹn nhưng tại sao sau đó nó không được thực hiện?
Không có gì đáng ngạc nhiên bởi Pyke đã không bận tâm suy nghĩ đến tính thực tiến của dự án. Ý tưởng đã bị bỏ dở giữa chừng vì chi phí cao và các yêu cầu kỹ thuật quá phức tạp. Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến thất bại là nền tảng phi thực tế mà ý tưởng của Pyke dựa vào. Mặc dù không thu được kết quả, kế hoạch đã thành công trong việc thu hút chú ý vì tính kỳ lạ của nó.