| Hotline: 0983.970.780

Phiên tòa Vạn Thịnh Phát: Tranh luận gay gắt giữa Viện Kiểm sát và luật sư

Thứ Tư 03/04/2024 , 21:22 (GMT+7)

Đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã có những tranh luận 'nảy lửa' ngay tại tòa...

Ngày 3/4, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan, đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan đã có những đối đáp gay gắt.

Trong khi luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan nêu quan điểm bà Lan ko có chức vụ, quyền hạn tại ngân hàng SCB, nên không thể là đối tượng bị truy tố tội “tham ô”; lần đầu tiên xét xử một doanh nhân mà đề nghị án tử hình; hoặc cho rằng thiệt hại của SCB là thiệt hại của bị cáo Lan, bởi bà đã đưa khối tài sản khủng vào đây.

Đáp lại, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng “đây cũng là lần đầu tiên có một nữ doanh nhân dùng những thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn; bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tiền của người dân do SCB huy động bằng hình thức phát hành trái phiếu; phần lớn tài sản (gần 95%) của bị cáo Lan được tạo dựng trong thời gian phạm tội (từ năm 2012 đến 2022, khi vụ án bị khởi tố), tức được mua bằng tiền dòng tiền của SCB, nhưng không thể hoàn trả, gây thiệt hại cực lớn, đó chính là hành vi chiếm đoạt”.

Căn cứ truy tố bà Trương Mỹ Lan tội “Tham ô

Tại phiên tòa sáng 3/4, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan nêu quan điểm cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan không có chức vụ, quyền hạn gì tại ngân hàng SCB, không thể thực hiện hành vi “Tham ô”. Vì thế, luật sư cho rằng chưa đủ căn cứ thỏa mãn tội “Tham ô tài sản” đối với thân chủ mình.

Sau khi nghe lập luận của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát phát biểu: Căn cứ truy tố bà Trương Mỹ Lan tội danh “Tham ô tài sản”, liên quan thiệt hại của vụ án và căn cứ pháp lý về hành vi đưa, nhận hối lộ…

Viện Kiểm sát cho rằng các luật sư tiếp cận bằng cách tách bà Trương Mỹ Lan ra khỏi SCB, từ đó nói bà Lan không có chức vụ, quyền hạn gì tại SCB; trong khi Viện Kiểm sát tiếp cận rộng hơn, đánh giá tổng thể.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 3/4. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 3/4. Ảnh: HT.

Theo Viện Kiểm sát, kết quả điều tra và tại phiên tòa đã làm rõ việc bà Lan sở hữu và quản lý 91% tại SCB, bà Lan đã chi phối, đưa người vào SCB, biến SCB thành công cụ chiếm đoạt tiền. Cụ thể, bà Lan chi phối HĐQT, Ban tổng giám đốc SCB, trong khi những người này lại có chức vụ quyền hạn. Vì vậy, Viện Kiểm sát cho rằng, truy tố bà Trương Mỹ Lan tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ.

Đáp lại Viện Kiểm sát, các luật sư đã viện dẫn Điều 353 Bộ luật Hình sự để nói bà Lan không phải là chủ thể của tội danh “Tham ô tài sản”. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đã “bẻ” lại, nhận định rằng bà Trương Mỹ Lan là người điều hành cao nhất tại SCB và bố trí, sắp xếp toàn bộ HĐQT, Ban tổng giám đốc SCB. Vì vậy, bị cáo Lan đã thỏa mãn các điều kiện, yếu tố là chủ thể tội danh “Tham ô tài sản”.

“Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chi phối HĐQT, Ban tổng giám đốc SCB, trong khi những người này lại có chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Nên Viện Kiểm sát nhận định bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ”, đại diện Viện Kiểm sát nói.

Bên cạnh đó, theo Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định về đồng phạm, xác định bà Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu có hành vi chi phối, chỉ đạo các bị cáo để giúp bà chiếm đoạt tài sản. Căn cứ điều này, Viện Kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Trương Mỹ Lan phạm tội “Tham ô tài sản”.

Trương Mỹ Lan dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tiền lớn 

Theo đại diện Viện Kiểm sátND, thiệt hại 677.000 tỷ đồng trong vụ án là cơ sở đánh giá trách nhiệm hình sự của bị cáo. Thiệt hại được xác định trên cơ sở dư nợ của các khoản vay trừ đi tổng giá trị tài sản bảo đảm được phân bổ cho các khoản vay đã được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng không chỉ sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân mà còn tiến hành biện pháp khác. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự thì không nhất thiết phải trưng cầu hội đồng định giá trong tố tụng hình sự để xác định thiệt hại.

Tại tòa, Viện kiểm sát và các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã có những đối đáp gay gắt. Ảnh: HT.

Tại tòa, Viện kiểm sát và các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã có những đối đáp gay gắt. Ảnh: HT.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, lập luận của luật sư: “Trương Mỹ Lan lấy đâu ra tiền để chiếm đoạt và chiếm đoạt cái gì?” là không nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Kết quả điều tra đã chứng minh rõ thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày. Bị cáo không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào để bảo trợ cho SCB như bị cáo và luật sư trình bày. 

“Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa; đến khi hợp nhất, SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản bảo đảm có giá trị thấp. Nếu như bị cáo có đủ nguồn lực tài chính thì bị cáo đã tất toán các khoản nợ, khoản phải thu tại thời điểm hợp nhất. Nếu bị cáo có nhiều tài sản thì tại sao không tất toán những khoản nợ trên, mà sử dụng SCB huy động tiền gửi của dân? Điều đó cho thấy, bị cáo không có tiềm lực tài chính nên đã dùng SCB như một công cụ, huy động tài chính trong dân để phục vụ cho nhiều mục đích cá nhân.

Luật sư hỏi tiền ở đâu ra để chiếm đoạt, đó là tiền huy động của người dân và đó chính là số tiền mà hiện nay Nhà nước đang phải gồng mình, bằng mọi biện pháp để cho SCB vay một số tiền khổng lồ cho SCB duy trì hoạt động, chi trả cho người dân, ổn định tình hình kinh tế, chính trị đất nước. 

Số tiền mà Nhà nước đang phải cho SCB vay không biết đến khi nào thu hồi được. Số tiền lớn khổng lồ này đáng lẽ được sử dụng cho nhiều công việc có ích cho đất nước, cho nhân dân, cho chúng ta và con cháu của chúng ta”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.

Theo Viện Kiểm sát, “thủ đoạn tinh vi” của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm là có tổ chức. Các bị cáo thực hiện một chuỗi sai phạm, người sau tiếp nhận sai phạm của người trước và nối tiếp những sai phạm.

Kết quả điều tra, diễn biến phiên tòa xác định bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nhờ người đứng tên sở hữu hơn 91,8% cổ phần SCB, vi phạm quy định luật của các tổ chức tín dụng quy định cá nhân không sở hữu quá 5% cổ phần ngân hàng để tránh thâu tóm ngân hàng.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 3/4. Ảnh: HT.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 3/4. Ảnh: HT.

Theo Viện Kiểm sát, cách tiếp cận và phương pháp xác định lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan theo mô hình tách bà Lan ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Trong khi đó, Viện Kiểm sát tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toán bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ  Hội đồng Cổ đông tới các cấp dưới.

Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, tham gia Hội đồng Cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, Ban kiểm soát, đưa người của bà Lan vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động, chiếm đoạt tiền.

Trước quan điểm “lần đầu tiên xét xử và đề nghị một nữ doanh nhân với mức án tử hình” của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát đáp lại “luật sư quên một mệnh đề quan trọng là “lần đầu tiên có một nữ doanh nhân bằng nhiều nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tài sản với giá trị đặc biệt lớn như vậy”.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất