Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, hiện nay diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh hơn 82.686 ha, trong đó 59.611 ha cây hàng năm, 5.765 ha cây lâu năm và hơn 17.310 ha cây ăn quả.
Đối với diện tích cây ăn quả chủ lực, tỉnh Khánh Hòa có 8.067 ha xoài, trong đó 6.795 ha trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng ước đạt 38.466 tấn. Cây xoài được trồng nhiều nhất ở huyện Cam Lâm với diện tích 4.790 ha với nhiều giống xoài chất lượng như xoài Úc, cát Hòa Lộc, tứ quý…Đặc biết, giống xoài Úc không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và châu Âu.
Tiếp đến sầu riêng với diện tích hơn 2.000 ha, chủ yếu tập trung tại huyện miền núi Khánh Sơn, với sản lượng hiện cho thu hoạch hơn 12.000 tấn. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, sầu riêng Khánh Sơn có chất lượng thơm ngon, thịt ráo, cơm vàng hạt lép được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Đối với diện tích bưởi, tỉnh này có gần 1.500 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 760 ha, sản lượng hơn 3.000 tấn. Hiện diện tích bưởi da xanh chủ yếu trồng tập trung ở huyện Khánh Vĩnh với diện tích 605 ha, trong đó hơn 237 ha cho thu hoạch, sản lượng hơn 1.300 tấn. Bưởi da xanh trồng ở Khánh Vĩnh có múi rất mọng nước, vị thơm ngon và ngọt mát, chất lượng được đánh giá ngon hơn các vùng trồng khác.
Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, cho biết, với tiềm năng các loại nông sản của tỉnh dồi dào nhưng mã số vùng trồng cấp trên địa bàn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đó, toàn tỉnh có 17 mã số vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói cấp cho xoài Úc và sầu riêng xuất đi thị trường các nước như Hoa Kỳ, Úc, New Zaeland và Trung Quốc. Cụ thể, tại huyện Cam Lâm có 14 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói xoài Úc. Còn tại huyện Khánh Sơn có 3 mã số vùng trồng gồm Tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc, vùng trồng Nguyễn Hữu Đức và Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình và 1 cơ sở đóng gói sầu riêng của Công ty Cổ phần kho lạnh Biển Sáng.
Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường đáp ứng các điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ nội địa vô cùng khắt khe trong thời gian tới, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là vô cùng cần thiết.
Bởi theo ông Hùng, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng sản xuất nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật hại và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng chính là chìa khó để mở ra những cánh cửa cho nông sản vươn xa và cũng là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu nông sản chính ngạch. Còn mã số cơ sở đóng gói mà mã số định danh cho một cơ sở đóng gói nhằm kiểm soát sinh vật gây hại, quy trình đóng gói và truy suất nguồn gốc nông sản.
Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ và quản lý chất lượng nông sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn; cũng như đồng hành, sát cánh hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng. Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng các vùng trồng có nhu cầu cấp mã số. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan sử dụng mã số để phối hợp xử lý.
Được biết, điều kiện về diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phải tối thiểu với diện tích 10 ha. Đồng thời, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của cá nước nhập khẩu và nhà tiêu thụ. Kiểm soát vi sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của các nước nhập khẩu.
Trong quá trình sản xuất phải ghi chép nhật ký canh tác chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt. Nhưng hiện nhiều nông dân, thậm chí HTX, Tổ hợp tác còn ngại thực hiện và chưa đảm bảo sản xuất theo các tiêu chí trên, từ đó khó cho việc cấp mã số vùng trồng. Vì vậy vấn đề xây dựng mã số vùng trồng cần được nhận thức một cách mạnh mẽ hơn, đây không phải là công việc riêng của nông dân hay doanh nghiệp mà là trách nhiệm toàn xã hội, trong đó chính quyền địa phương nắm giữ vai trò rất quan trọng.
Ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa chỉ đạo Chi cục trồng trọt và BVTV Khánh Hòa phối hợp phòng nông nghiệp các địa phương kiểm tra giám sát mã số vùng trồng, đồng thời tuyên truyền về trách nhiệm quản lý mã vùng trồng của địa phương, HTX, hộ nông dân, để việc sử dụng mã số vùng trồng đúng hướng, đúng mục tiêu và duy trì mã số vùng trồng hàng năm.