| Hotline: 0983.970.780

Phổ biến rào cản kỹ thuật đối với ngành hàng thủy sản

Thứ Sáu 16/10/2020 , 16:23 (GMT+7)

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế và cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics…để thực thi Hiệp định EVFTA.

Chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Ảnh: ST.

Chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Ảnh: ST.

Ngày 16/10, tại TP Cần Thơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức hội thảo phổ biến các rào cản kỹ thuật nhằm thực thi Hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản.

Hơn 150 đại biểu lãnh đạo đại diện các cơ quan quốc tế của thành viên Liên minh Châu Âu (EU), các cơ quan Bộ, ban ngành, địa phương và các Hiệp hội, doanh nghiệp (DN) khu vực ĐBSCL tham dự. Đây là một trong những hoạt động triển khai kế hoạch hành động thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ NN-PTNT.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Để sẵn sàng cho thực thi EVFTA, trong thời gian qua các DN thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics…đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Đặc biệt, Việt Nam cũng đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nỗ lực ở mức cao nhất để tháo gỡ thẻ vàng IUU, đảm bảo phát triển bền vững và giữ uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, lưu ý đến việc cấm sử dụng chất chống ôxy hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản, hạn chế đến mức cao nhất đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định.

Theo ông Hòa, cùng với lợi thế về giá, các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU như áp dụng mã số vùng trồng. Đảm bảo tiêu chuẩn ASC, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình.

Do đó, hội thảo tạo cơ hội để các DN cập nhật các thay đổi chính sách, các quy định mới, các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu, kiểm dịch…đối với xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường EU. Qua đó các DN nhận ra các khó khăn, vướng mắc để tổ chức sản xuất, chế biến. Tuân thủ theo các quy định thị trường, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức nhằm thực thi cam kết trong Hiệp định EVFTA.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HĐ.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HĐ.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ thông qua ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và gia nhập các tổ chức đa phương. Trong đó, Hiệp định EVFTA được coi là những FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện. Đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị cao và chất lượng cao. EU với 27 quốc gia thành viên, 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD là thị trường lớn có mức thu nhập cao.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận của các cơ quan chuyên môn nhận định, phân tích về tiềm năng và cả khó khăn, thách thức trong thương mại thủy sản Việt Nam-EU. Trong đó có nội dung các rào cản kỹ thuật (các quy định mới về an toàn thực phẩm, cấp chứng thư, kiểm soát chất lượng, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, biện pháp SPS và TBT, xuất xứ...).

Theo thống kê sơ bộ sau hơn 2 tháng EVFTA có hiệu lực, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản từ ngày 1/8 đến hết tháng 9 ước đạt trên 710 triệu USD. So với tháng 7, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8 tăng 16,6% và tháng 9 tăng 20,3%.

Riêng đối với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản. Cụ thể như, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Đến hết tháng 9/2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid 19 trên toàn cầu, giá trị sản xuất thủy sản tăng 2,48%, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã “thoát âm”. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 đã hồi phục mạnh hơn với mức tăng 13% đạt 92 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 692 triệu USD.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển