| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống bệnh dại trước mùa khô là việc làm cấp bách

Thứ Năm 17/10/2024 , 19:25 (GMT+7)

GIA LAI Mùa khô Tây Nguyên đang đến gần nên công tác phòng, chống bệnh dại luôn là việc cấp bách, nhằm giảm thiểu tối đa những ca tử vong do bệnh dại gây ra.

Cán bộ thú y tiêm vacxin dại trên đàn chó nuôi của người dân tại Gia Lai. Ảnh: Đ.L. 

Cán bộ thú y tiêm vacxin dại trên đàn chó nuôi của người dân tại Gia Lai. Ảnh: Đ.L. 

Tử vong do... chủ quan!

Ngày 8/8/2024, ca tử vong đáng tiếc do bệnh dại được ghi nhận tại thôn O Đất (xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa). Trường hợp tử vong do bị chó cắn là anh D. ở địa chỉ trên.

Theo khai báo của người nhà anh D., vào khoảng đầu tháng 7/2024, anh D. bị chó của gia đình cắn nhưng không lên Trạm Y tế xã để xử lý vết thương hay khai báo, vì thế Trạm Y tế không nắm được thông tin. Anh D. cũng không đi tiêm huyết thanh phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Đến ngày 7/8, anh D. phát bệnh và sáng 8/8 tử vong.

Mới đây nhất, một trường hợp tử vong do bị chó cắn cũng xảy ra ở xã Ia Băng. Trường hợp tử vong là anh P.T. (SN 1987, thôn Brông Thông). Theo lời kể của người nhà, vào đầu tháng 8/2024, anh P.T bị chó của gia đình hàng xóm cắn.

Sau khi bị chó cắn, anh P.T không đến Trạm Y tế xã Ia Băng để xử lý vết thương cũng như tư vấn điều trị dự phòng, do vậy Trạm Y tế không nắm được thông tin phơi nhiễm của bệnh nhân. Sau khi bị chó cắn, anh P.T cũng không tiêm vacxin, huyết thanh kháng dại. Con chó cắn P.T cũng được ghi nhận là chưa được tiêm phòng dại... Ngay sau khi cắn anh P.T, con chó bị chủ nhà đập chết, mang cho người dân làm thịt để ăn.

Ngày 11/10/2024, anh P.T có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức vùng đùi và bẹn trái, tự đi mua thuốc về nhà uống. Ngày 12/10, bệnh nhân có triệu chứng khó thở, sợ gió, sợ nước, tinh thần hoảng loạn, đau nhức toàn thân nên đi khám và nhập viện Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai.

Tại đây, bệnh nhân P.T. được chẩn đoán là lên cơn do bệnh dại. Sau khi nghe giải thích về tình trạng bệnh, người nhà đã xin đưa bệnh nhân về nhà tại thôn Brông Thông để tiện theo dõi và chăm sóc. Trưa 13/10, bệnh nhân tử vong tại nhà...

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 6 ca tử vong do bệnh dại. Đây cũng là địa phương nhiều năm liền được ghi nhận là dẫn đầu về số ca tử vong do bị chó, mèo cắn hoặc cào.

Vận động người dân phối hợp với ngành chức năng tiểm vacin phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đ.L. 

Vận động người dân phối hợp với ngành chức năng tiểm vacin phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đ.L. 

Hầu hết những ca tử vong này đều xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, dẫn đến chủ quan của người dân. Cụ thể là sau khi bị chó, mèo căn hoặc cào, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân không lên trạm y tế xã để xử lý vết thương hay khai báo, vì thế cơ quan y tế địa phương không nắm được thông tin phơi nhiễm của bệnh nhên để có hướng xử lý kịp thời. Điều đáng nói hơn nữa là chính những con chó cắn người dẫn đến tử vong do bệnh dại, lại được người nhà, dân làng đập chết ăn thịt, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, tạo thành ổ dịch.

Nỗ lực phủ rộng vacxin

Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết, địa phương hiện có tổng đàn chó khoảng trên 207.000 con. Đàn chó ở Gia Lai chủ yếu được nuôi ở vùng nông thôn, nơi mà nhận thức của bà con về công tác phòng chống bệnh dại còn khá hạn chế.

Bà con vùng sâu nuôi chó ngoài mục đích để... ăn thịt, còn để bán hoặc đổi chó lấy tiền, lấy các nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Với bà con vùng sâu, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nuôi chó còn để trông nhà, để săn bắt rắn, chuột nhằm bảo vệ mùa màng...

“Theo đó, đồng bào nuôi chó chủ yếu với hình thức thả rông, không rọ mõm, rất nguy hiểm đối với tính mạng con người”, ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết.

Xác định được mối hiểm họa từ bệnh dại đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đang khẩn trương triển khai những biện pháp mạnh như thống kê đàn chó, tăng cường tuyên truyền đến người dân về thói quen tốt trong việc nuôi nhốt chó... Đặc biệt, việc phủ rộng vacxin tiêm phòng cho đàn chó đang được tỉnh này triển khai quyết liệt.

Cũng số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết, năm 2022, ngành Thú y đã triển khai tiêm được 12.161 liều vacxin phòng bệnh dại, đạt 5,8% tổng đàn (trong đó có 9.877 liều sử dụng nguồn ngân sách và 2.284 liều từ nguồn người dân tự tiêm).

Năm 2023 tiêm được 41.191 liều, đạt 18,9% tổng đàn  (20.939 liều sử dụng nguồn ngân sách, 20.252 liều từ nguồn doanh nghiệp hỗ trợ, người dân tự tiêm). Từ đầu năm 2024 đến nay đã tiêm được 52.173 liều, đạt 25,2% tổng đàn (gồm 36.200 liều từ nguồn ngân sách, 15.973 liều từ nguồn doanh nghiệp hỗ trợ, người dân tự tiêm).

Dù người dân đã có ý thức tiêm phòng dại cho chó nuôi nhưng bệnh dại tại Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Đ.L.

Dù người dân đã có ý thức tiêm phòng dại cho chó nuôi nhưng bệnh dại tại Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Đ.L.

Số liều vacxin được tiêm phòng trên đàn chó của tỉnh Gia Lai đều được tăng lên qua mỗi năm. Tuy nhiên, so với tổng đàn chó hiện có thì con số này, xem ra còn quá... khiêm tốn!

Nói về nguyên nhân chưa thể phủ rộng vacxin phòng dại trên đàn chó nuôi của tỉnh, ông Thái Văn Dũng cho biết: “Nguyên nhân trước tiên là do chưa đủ vacxin để đáp ứng cho việc tiêm phòng trên đàn chó. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là do tập tục nuôi chó của bà con, dẫn đến rất khó khăn trong việc phủ rộng vaccin phòng dại”.

Theo ông Dũng, do bà con nuôi chó với hình thức thả rông, thường xuyên dắt chó đi ruộng rẫy để săn bắt, bảo vệ mùa màng nên việc triển khai tiêm phòng tập trung là rất khó thực hiện.

“Có những hôm, 4 đến 5 cán bộ thú y đi về thôn làng triển khai tiêm phòng, suốt một buổi sáng cũng chỉ tiêm được... 4 đến 5 con chó. Việc tiếp cận để tiêm phòng cho chó là rất khó bởi một khi chúng đã theo chủ ra ruộng rẫy đến chủ cũng khó gọi về, chưa kể nguy hiểm do chó không được rọ mõm và đang rất hăng trong hoạt động săn mồi ngoài môi trường tự nhiên”, ông Dũng chia sẻ.

Trước tình hình bệnh dại trên người và động vật có diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai tại cuộc họp sơ kết đánh giá thực hiện Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2030, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2354/KH-UBND ngày 11/10/2024 sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh, trong đó bố trí kinh phí mua vacxin dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ từ 80% tổng đàn theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại bằng nguồn ngân sách tỉnh.

Đáng báo động, nhiều năm gần đây Gia Lai luôn là địa phương có số ca tử vong do bệnh dại đứng đầu cả nước. Cụ thể, năm 2022 có 5 người tử vong do bệnh dại, năm 2023 có 14 người, năm 2024 tính đến ngày 15/10 cũng đã có tới 6 người tử vong do bệnh dại.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.