| Hotline: 0983.970.780

Những đàn dê hy vọng

Thứ Ba 15/10/2024 , 09:28 (GMT+7)

HẬU GIANG Nuôi dê đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi của Hậu Giang, tạo động lực cho người dân nông thôn vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi dê đã chứng minh được hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Văn Vũ.

Mô hình nuôi dê đã chứng minh được hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Văn Vũ.

Đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo

Dù không phải là trung tâm phát triển chăn nuôi của tỉnh Hậu Giang, nhưng trong vài năm gần đây, huyện Châu Thành A trở thành điểm sáng nổi bật với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình chăn nuôi quy mô lớn và đa dạng.

Những trang trại bò thịt, dê Boer và dê thương phẩm được đầu tư bài bản, với hệ thống chuồng trại kiên cố, thông thoáng, đang dần trở thành hình ảnh quen thuộc tại vùng đất này.

Những mô hình này không chỉ đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, mà còn chứng minh được hiệu quả kinh tế rõ rệt, mang lại lợi nhuận đáng kể, từ đó giúp người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Điển hình là gia đình chị Võ Thị Thắm ở xã Thạnh Xuân. Cách đây vài năm, chị Thắm từng là lao động tự do, với công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đầu năm 2023, nhờ sự hỗ trợ từ Dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2022 - 2023), chị được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và bắt đầu phát triển mô hình nuôi dê.

Với số vốn ban đầu là 70 triệu đồng, chị Thắm mạnh dạn xây dựng chuồng trại và mua 11 con dê giống (trong đó 3 con được hỗ trợ từ chương trình). Đến nay, tổng đàn dê đã phát triển lên 32 con, mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Chị Thắm chia sẻ, nuôi dê không quá khó khăn và tốn kém, dê ít bệnh, lại có thể tận dụng thức ăn sẵn có như cỏ và rau xanh, khiến việc chăn nuôi trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Nhờ chuyển sang mô hình nuôi dê, gia đình chị đã thoát nghèo và  đời sống được cải thiện đáng kể.

Không chỉ riêng chị Thắm, gia đình ông Đào Văn Chính cùng ngụ xã Thạnh Xuân, cũng đã tìm được hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi dê. Tham gia tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Chính được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 50 triệu đồng để đầu tư vào chuồng trại và dê giống.

Dù chưa đến thời điểm xuất bán, nhưng đàn dê của gia đình đã phát triển rất tốt, gần như không bị hao hụt. Ông Chính tự tin, việc chăm sóc đúng kỹ thuật và nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, mô hình sẽ tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình trong thời gian tới.

Dê được xem là vật nuôi thích ứng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Dê được xem là vật nuôi thích ứng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Được biết, xã Thạnh Xuân là địa phương tiên phong tại huyện Châu Thành A trong việc triển khai mô hình nuôi dê thương phẩm dành cho các hộ nghèo. 12 hộ gia đình tại đây đã được hỗ trợ với tổng cộng 36 con dê giống, tổng kinh phí khoảng 420 triệu đồng.

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân nhấn mạnh, mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn mở ra hướng đi mới cho những hộ yếu thế. Đây là bước đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo của xã, giai đoạn 2021 – 2025.

Để đảm bảo mô hình thành công lâu dài, chính quyền xã đã tích cực hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại đạt chuẩn; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê cho bà con.

Ngoài ra, xã cũng có kế hoạch tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê từ những trang trại lớn trong và ngoài huyện Châu Thành A, nhằm mở rộng kiến thức cho bà con.

Đến năm 2030, duy trì đàn dê quy mô 4.000 con

Việc bà con nông dân tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ sẽ góp phần được đẩy nhanh hơn nữa, để mô hình nuôi dê lan rộng, tạo thêm việc làm và nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.

Thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, đến nay, huyện Châu Thành A đã xây dựng thành công 8 mô hình nuôi dê thương phẩm và 1 dự án nuôi bò, với sự tham gia của 73 hộ dân. Đối tượng hưởng lợi chủ yếu là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, phụ nữ làm chủ hộ, đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu duy trì đàn dê ổn định ở quy mô khoảng 4.000 con, trong đó khoảng 30% được chăn nuôi trang trại quy mô. Ảnh: Kim Anh.

Đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu duy trì đàn dê ổn định ở quy mô khoảng 4.000 con, trong đó khoảng 30% được chăn nuôi trang trại quy mô. Ảnh: Kim Anh.

Nhờ những hiệu quả kinh tế rõ rệt, dự án không chỉ góp phần cải thiện thu nhập mà còn giúp đời sống của người dân ổn định hơn, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và dần trở nên khá giả.

Với nguồn vốn khoảng 123,4 tỷ đồng, trong năm 2024, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mục tiêu chính là giảm nghèo đa chiều, bền vững, thông qua việc đầu tư vào đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo.

Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng nguồn vốn trên 55,7 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh sẽ thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, mô hình nuôi dê được xác định là trọng điểm, phù hợp, bởi thịt dê và sản phẩm từ dê ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, tạo ra cơ hội tiêu thụ tốt. Việc phát triển mô hình này còn giúp giảm áp lực lên nguồn thức ăn và giảm thiểu việc cạnh tranh với các loại gia súc lớn hơn như bò.

Hiện nay tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang tăng lên đáng kể. Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu duy trì đàn dê ổn định ở quy mô khoảng 4.000 con, trong đó khoảng 30% được chăn nuôi trang trại quy mô.

Ngân sách Nhà nước cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống vật nuôi.

Việc giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi trong sản xuất là cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi dê. Ảnh: Kim Anh.

Việc giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi trong sản xuất là cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi dê. Ảnh: Kim Anh.

Hàng năm, tỉnh sẽ thực hiện giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi trong sản xuất. Đồng thời, quy trình chọn tạo, tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới sẽ được triển khai song song.

Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, đảm bảo sự đồng nhất trong sản phẩm, phù hợp với nhu cầu sản xuất, đáp ứng tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Riêng đối với đàn dê, sẽ được bình tuyển, chọn lọc, tạo đàn cái nền và đực giống tốt cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống. Thực hiện tốt giải pháp đảo giống giữa các vùng chăn nuôi tập trung, nhằm tránh tình trạng cận huyết và phát huy ưu thế lai.

Mô hình nuôi dê hiện đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh Hậu Giang. Việc duy trì và mở rộng quy mô chăn nuôi dê không chỉ là giải pháp kinh tế bền vững, mà còn là động lực giúp bà con vươn lên, thoát nghèo và cải thiện sinh kế cho cộng đồng nông thôn.

Xem thêm
Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).