| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống dịch bệnh vật nuôi hiệu quả [Bài cuối] Tiêm vacxin diện rộng

Thứ Tư 12/04/2023 , 07:50 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi tỉnh Bình Thuận phối hợp các địa phương tiêm phòng vacxin kịp thời, đầy đủ trên diện rộng nhằm phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Empty

Hiện đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn an toàn dịch bệnh nhờ chú trọng tiêm phòng. Ảnh: KS.

Đàn gia súc, gia cầm chưa xuất hiện bệnh nguy hiểm

Từ đầu năm đến nay, đàn lợn nái 250 con và gần 1.000 con lợn thịt của gia đình ông Võ Văn Hiền, thôn 2, xã Đức Hanh, huyện Đức Linh vẫn duy trì được sự an toàn với bệnh như heo tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn Châu Phi...

Nhờ đó, đàn lớn nái vẫn đẻ đều đảm bảo cung ứng con giống cho trang trại và cung cấp một ít cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu. Còn lợn thịt từ đầu năm đến nay, gia đình ông xuất chuồng khoảng 600 con, tức trung bình mỗi tháng xuất khoảng 200 con.

Cũng theo ông Võ Đức Hiền, trước năm 2019, gia đình ông chăn nuôi lợn bằng chuồng hở, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Điều này chứng minh vào năm 2017 khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi tấn công đàn lợn khiến gia đình ông bị thiệt hại nặng nề.

Nhận thấy việc chăn nuôi có những bất cập, từ năm 2019, ông Hiền đã nâng cấp hệ chuồng trại bằng chuồng kín (chuồng lạnh), cùng với đó kiểm soát đầu vào, chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh.

Đặc biệt, trang trại của gia đình ông luôn tuân thủ nghiêm ngoặt việc tiêm phòng vacxin cho cả đàn lợn từ heo con cho đến heo mẹ đầy đủ. Từ đó đến nay đàn lợn của gia đình ông chăn nuôi không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, kể cả dịch tả heo Châu Phi.

Tương tự, trang trại gà rộng hơn 10ha, quy mô gần 1 triệu con của Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt, nằm ở xã Trà Tân, huyện Đức Linh cũng luôn trong tình trạng đảm bảo an toàn dịch bệnh từ khi thành lập vào năm 2017 cho đến nay.

Ông Nguyễn Lê Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt cho biết, đó là nhờ Công ty chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cùng với chú trọng công tác tiêm phòng vacxin đầy đủ tạo kháng thể tốt cho đàn gà.

Empty

Quy trình chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt hoàn toàn tự động, ngay cả việc lấy trứng. Ảnh: KS.

Theo ông Lê Thanh Tuấn, từ khi đi vào hoạt động đến nay, trang trại gà của Công ty kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào. Theo đó, xung quanh hành lang trang trại có tường rào bảo vệ, người, xe vào trại phải cách ly, xịt sát trùng và vệ sinh sạch sẽ trước khi vào khu sản xuất.

Người vào khu sản xuất cũng phải cách ly, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, vì vậy cán bộ, công nhân viên của Công ty đi về nhà với tầng suất rất hạn chế. Thay vào đó, Công ty có xây dựng khu ký túc sá để cho họ ở lại trong thời gian làm việc.

“Từ trước tới giờ có dịch hay không có dịch Công ty vẫn kiểm soát gắt gao về vấn đề này. Còn khi có dịch, Công ty sẽ tăng cường thêm phun khử trùng xung quanh trại, rắc vôi xung quanh chuồng nuôi và khu vực trại để giảm nguồn lấy nhiễm.

Hơn nữa, hệ thống chăn nuôi của Công ty hoàn toàn tự động thành ra hạn chế người ra vào. Chuồng nuôi kín (chuồng lạnh) nên ngăn cản vi khuẩn trong không khí và chim chóc không vào được. Trong các giàn lạnh, Công ty có sử dụng các chế phẩm sinh học sát khuẩn để không khí trước khi vào chuồng được lọc, ngăn ngừa mầm bệnh”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc, các bệnh tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi ở lợn và bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Tuy nhiên một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên gia súc, gia cầm song ở mức độ lẻ tẻ, không lây lan thành dịch.

Empty

Người chăn nuôi bò ở Bình Thuận cũng từng bước chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: KS.

Thời tiết phức tạp, nguy cơ dịch bệnh ở mức cao

Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Trưởng phòng Chăn nuôi và Thú y (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Thuận), cho biết, để phòng chống dịch bệnh hiện Chi cục phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch số 4041 ngày 28/11/2022 của UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2023.

Cùng với đó, UBND các huyện, TP đã tổ chức đẩy mạnh tiêm phòng trên diện rộng đàn vật nuôi. Theo đó, trong quý I/2023 đã tiêm 5.974.318 liều vacxin, tăng 0,16% so với cùng kỳ và đạt 25,9% kế hoạch năm 2023. Trong đó, đàn trâu bò được tiêm vacxin 179.850 liều, đàn heo 151.647 liều, đàn gia cầm 5.595.795 liều, đàn chó, mèo 47.026 liều.

Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp cùng chính quyền các địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo. Từ đó, cơ quan chuyên môn xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Ngoài ra, Chi cục đã cấp phát 1.600 lít sát trùng cho các địa phương để tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2023; đồng thời chủ động phối hợp, đôn đốc với các địa phương thực hiện tốt tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường diễn ra từ ngày 1/3 - 31/3/2023 nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Empty

Để phòng, chống dịch bệnh việc đẩy mạnh tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi là rất cần thiết. Ảnh: KS.

Song song đó, cơ quan chăn nuôi, thú y Bình Thuận còn tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Cũng như chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương với phương châm phòng bệnh là chính.

Áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, thực hành chăn nuôi an toàn sinh học; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Tuy nhiên, điều ông Hiệp lo lắng hiện đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, lúc nóng lúc lạnh bất thường đã ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán diện rộng và gây dịch bệnh.

Empty

Người lưu ý thời tiết hiện diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: KS.

Trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vacxin các bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục trâu bò ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn đạt thấp. Nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại. Ngoài ra, những tháng đầu năm hoạt động tái đàn, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật là rất cao. Các yếu tố nêu trên làm cho đàn vật nuôi dễ bị dịch bệnh.

Vì vậy để ứng phó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Thuận khuyến cáo, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi định kỳ 2 lần/tuần.

Bên cạnh đó, người nuôi cần cung cấp đầy đủ thức ăn cho vật nuôi, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, nhất là tiêm vacxin đầy đủ phòng các bệnh như lở mồm long móng, cấm gia cầm, dịch tả lợn, viêm da nổi cục...

Ngoài ra, người chăn nuôi cần vệ sinh, sát trùng diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve và có biện pháp giữ ấm cho vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh. Người chăn nuôi tuyệt đối không mua, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật từ các địa phương đang có dịch bệnh…

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệp, về lâu dài để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, ngành chăn nuôi Bình Thuận sẽ chuyển mạnh từ chăn nuôi lợn phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung; chú ý các giải pháp xử lý triệt để các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cải tiến và nâng cao chất lượng đàn giống trên cơ sở mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo heo. Đối với chăn nuôi gia cầm sẽ phát triển theo hướng an toàn sinh học, cũng như chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung, ưu tiên phát triển đàn gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại. Chăn nuôi trâu, bò, dê cừu sẽ ưu tiên đầu tư cho công tác cải tạo giống để nâng cao tầm vóc, chất lượng.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Cây na sống khỏe trên núi đá nhờ tưới tự động

Thái Nguyên Địa hình núi đá ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây trồng. Phương án khắc phục trở ngại đó chính là hệ thống tưới tự động.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.