Hiện nay, tỷ lệ tiêm sởi tại TP.HCM ước đạt 96% mũi thứ 1, 80% mũi thứ 2. Tỷ lệ này còn cách khá xa so với mục tiêu đặt ra là 95% độ bao phủ tiêm chủng đối với bệnh sởi.
Nhiều ca mắc sởi nhập viện tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) |
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Y tế đã thực hiện chiến dịch bổ sung tiêm vắc xin sởi-Rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Tuy nhiên kết quả đạt được mới chỉ được 85% trẻ được chích ngừa. Qua điều tra, số lượng trẻ cần tiêm chủng là 300.000 trẻ, trong đó có khoảng 200.000 trẻ ở trường học, còn lại ở cộng đồng.
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, PGĐ Sở Y tế TP.HCM thì việc quản lý đối tượng tiêm chủng còn nhiều khó khăn, bởi đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập nhiều phụ huynh không cung cấp sổ tiêm chủng của trẻ khi trường yêu cầu, cùng với đó việc quản lý hồ sơ trẻ tại các KCN, các khu vực có nhiều dân nhập cư cũng khó khăn. Chính vì vậy, vẫn chưa rà soát được hết để đưa trẻ đi tiêm chủng đúng độ tuổi, đây chính là “lỗ hổng” để dịch sởi gia tăng.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) nhận định, Sở Y tế cần triển khai tiêm phòng vắc xin tại các bệnh viện nhi, bởi hiện 3 BV Nhi tại TP.HCM tiếp nhận số lượng lớn trẻ đến khám bệnh và điều trị mỗi ngày. Có đến 97% bệnh nhân mắc bệnh không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
“Chúng ta cần tuyên truyền đúng để người dân nâng cao nhận thức, không theo phong trào “anti (tẩy chay) vắc xin” như một số trào lưu trên mạng xã hội. Nếu trẻ không được chích ngừa sởi đầy đủ thì chắc chắn sẽ mắc sởi, năm nay không mắc thì thì năm sau sẽ mắc”, BS Khanh nhấn mạnh.
Về nhóm tuổi mắc sởi, có 14% dưới 9 tháng tuổi, 9% từ 9-11 tháng, 12% từ 12-24 tháng và 17% từ 17 tuổi trở lên. Bệnh sởi xuất hiện ở 285/319 phường xã, chiếm 89%. Hiện bệnh sởi xuất hiện ở 24/24 quận, huyện và 285/319 phường xã và tập trung nhiều tại các huyện giáp ranh, khu công nghiệp.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện đang điều trị cho 1.100 ca mắc sởi nội trú, số bệnh nhân ngoại trú gấp đôi. Trong đó, 1/4 số ca mắc sởi bị biến chứng, một số bệnh nhân biến chứng hô hấp, vài trường hợp bị viêm não do sởi. “May mắn là chưa có ca nào tử vong”, đại diện BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết.
“Sởi là một trong những loại bệnh lây nhiễm nhất trong các loại bệnh truyền nhiễm, chính vì vậy cứ một người mắc là nguy cơ chỗ đó là ổ dịch. Phải cách ly nghiêm ngặt ngay từ đầu. Sởi cứ nhiễm là có biểu hiện ngay, đã mắc sởi rồi là không mắc nữa. Vì vậy, chỉ cần làm tốt công tác tiêm chủng là giải quyết được ngay dịch sởi. Thà tiêm nhầm còn hơn bỏ sót, cần phải đảm bảo tất cả trẻ đều được tiêm chủng.
Mặt khác, TP.HCM cũng có nhiều ca mắc sởi ở người lớn, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều do không chích ngừa sởi. Từ mẹ không được chích ngừa sởi từ nhỏ sẽ lây nhiễm sang trẻ nhỏ. Đây chính là lỗ hổng tiêm ngừa ở cha mẹ mà vấn đề tầm soát bệnh trước hôn cần phải được chú trọng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM cần phải phối hợp với ngành giáo dục, UBND các quận, huyện tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh điều tra tình trạng tiêm chủng trong cộng đồng, vận động phụ huynh tiêm chủng cho trẻ đầy đủ. Cùng với đó, cần triển khai các công tác truyền thông trực tiếp tại các khu tập trung đông người nhập cư, các khu công nghiệp để mọi người hiểu đúng về tiêm chủng.