Thông tin tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2024, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) là trường tư thục dạy theo chương trình quốc tế và được phụ huynh đánh giá rất cao.
"Các khóa vừa qua, học sinh của trường này được nhiều trường đại học trên thế giới công nhận và miễn một số môn đã được học ở phổ thông, nên được phụ huynh tin tưởng chất lượng của trường. Do đó, lượng học sinh ngày càng đông", ông Hiếu nói và cho biết thêm, hiện trường này có 1.316 học sinh từ tiền tiểu học (trước lớp 1) cho đến lớp 12. Riêng khối 12 hiện có 75 học sinh còn 1 kỳ kiểm tra là được cấp bằng Tú tài quốc tế (IB).
Theo ông Hiếu, đây là trường tư thục, nên trong quy chế của trường ngoài công lập có quyền chủ động ký kết hợp đồng vay vốn từ phía phụ huynh.
Theo đó, trường có ba cách đóng tiền. Thứ nhất, phụ huynh đóng gói đầu tư 4 tỷ đồng cho con học từ lớp 1 đến lớp 12, sau khi kết thúc trường hoàn trả lại tiền. Thứ hai, gói đóng đồng hành: đóng 1 lần trong 12 năm là 2 tỷ đồng. Thứ ba, gói đóng theo tiến độ học tập của học sinh. "Trong đó có gần 900 học sinh được phụ huynh đóng gói 4 tỷ đồng", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, vận hành, trường đầu tư cơ sở vật chất nhiều, chi phí nhiều và báo lỗ liên tục từ năm 2018 đến nay, mất khả năng chi trả. Đỉnh điểm là tháng 9/2023, nhiều giáo viên chưa được trả bảo hiểm, chưa được trả tiền thuê nhà và tiền lương, do đó, 1 số giáo viên nước ngoài phản đối nhà trường, và không đến trường dạy học.
Tháng 10/2023, Sở GD-ĐT tham mưu UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác giải quyết rắc rối của trường. "Khi làm việc, chủ đầu tư rất loanh quanh, nói là có nhà đầu tư mới hỗ trợ để trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên, không có nhà đầu tư nào đầu tư vào để vận hành trường. Đến giữa tháng 10/2023, hơn 50% giáo viên bỏ việc, nên không tổ chức được lớp học", ông Hiếu nói..
Do đó, Sở đã xin ý kiến UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác liên ngành và lập số tài khoản do Tổ công tác liên ngành cùng Trường sở hữu chung để giám sát hoạt động chi và vận động phụ huynh đóng góp để đồng thuận duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường cho đến cuối năm học 2023-2024.
Trước đó, Sở có tiếp xúc với phụ huynh và lấy ý kiến, có 84,56% phụ huynh đồng ý cho con học lại tại trường và tham gia tiếp tục hỗ trợ nhà trường. Khi tiếp xúc chỉ có 612 phụ huynh đồng ý đóng tiền.
Sau đó, chủ trường cũng cam kết, nếu phụ huynh tiếp tục hỗ trợ để trường hoạt động trở lại, đây sẽ là khoản tiền nhà trường "mượn của phụ huynh" sau khi cơ cấu lại thì nhà trường sẽ hoàn trả.
"Sở GD-ĐT sẽ phối hợp các sở ngành, công an TP vận động phụ huynh học sinh để có khoản tiền cho trường hoạt động trở lại.
12h30 hôm 1/4 vận động thì đến chiều 2/4 đã có phụ huynh của 542 học sinh đóng góp được 21,7 tỷ đồng vào tài khoản của Tổ công tác liên ngành. Số tiền này đủ để chi trả tiền lương cho giáo viên đến tháng 3, đặc biệt là giáo viên nước ngoài. Dự kiến thứ 5 (ngày 4/4) trường sẽ hoạt động trở lại. Các thầy cô nước ngoài mong muốn sau khi nhận được tiền sẽ tính đến phương án lâu dài như thế nào. Có một số giáo viên có khó khăn, có khi họ sẽ không tiếp tục dạy.
Mong phụ huynh tiếp tục đóng góp để Tổ công tác có điều kiện chi trả lương cho thầy cô giáo nước ngoài để tiếp tục dạy học sinh đến cuối năm học (giữa tháng 6/2024)", Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp các đơn vị phải đảm bảo cho học sinh sớm được trở lại trường, chậm nhất vào đầu tuần sau (8/4). Sau đó, Tổ công tác liên ngành phối hợp cùng trường có kế hoạch căn bản, lâu dài cho hoạt động của trường cũng như phương án tái cấu trúc.
Ông Mãi đề nghị các cơ quan liên quan cần có ý kiến chính thức về những tranh chấp giữa các bên trong vụ việc: phụ huynh, giáo viên và nhà trường. Đồng thời, Sở GD-ĐT cần rà soát lại trách nhiệm quản lý nhà nước với Trường Quốc tế Mỹ nói riêng và các trường tư thục khác trên địa bàn nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm tra, đôn đốc các trường hoạt động đúng theo quy định pháp luật, thông lệ quốc tế và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Trước đó, liên quan đến việc các giáo viên không đi dạy học vì bị nợ lương, dẫn đến tình trạng toàn bộ 1.310 học sinh của AISVN không thể đến trường.
Cơ quan chức năng cũng đã ra thông báo cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân. AISVN bị đình chỉ tuyển sinh năm học 2024-2025 cho tới khi nhà đầu tư giải quyết được các vấn đề về tài chính, nhân sự và ổn định việc dạy và học.