| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên hướng tới phát triển nuôi biển bền vững, hài hòa

Thứ Tư 23/03/2022 , 08:04 (GMT+7)

Phú Yên đang triển khai giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm hướng tới phát triển nuôi biển hiệu quả, bền vững, hài hòa với sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Nhiều tồn tại, hạn chế

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189 km với trên 21.000 ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông…rất thuận lợi cho việc phát triển thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Đặc biệt tỉnh này có hàng ngàn ha vùng biển mở gần bờ và xa bờ rcó tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển công nghiệp.

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển mạnh. Ảnh: KS.

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển mạnh. Ảnh: KS.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, về nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên biển được tỉnh hình thành từ những năm 1990 và đến nay đã phát triển khoảng hơn 1.600 ha mặt nước nuôi gồm đối tượng chính như tôm hùm, cá biển…Vùng nuôi tôm hùm tập trung chủ yếu ở các đầm, vịnh kín sóng gió như Xuân Đài, Cù Mông (thị xã Sông Cầu), các vùng biển hở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa, An Hải và An Chấn (huyện Tuy An) và vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa).

Về nuôi thủy sản trong ao đìa, hiện tỉnh Phú Yên có khoảng 2.000 ha. Các đối tượng nuôi chính như tôm sú, tôm thẻ, cá biển, ốc hương và các loài khác như cua, ghẹ…Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hằng năm của tỉnh đạt khoảng 14.000 tấn, trong đó 70% sản lượng là tôm thẻ chân trắng, còn lại sản lượng của tôm sú, tôm hùm và cá biển...

Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế, Theo Sở NN-PTNT Phú Yên đánh giá thì hiện nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn vẫn bộc lộ những hạn chế, khó khăn.

Tuy nhiên việc phát triển lồng bè dày đặc trên vịnh đậm tìm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...Ảnh: MH.

Tuy nhiên việc phát triển lồng bè dày đặc trên vịnh đậm tìm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...Ảnh: MH.

Cụ thể, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017 chưa được phê duyệt ban hành, đây là nút thắc chính chưa đủ căn cứ pháp lý để triển khai việc sắp xếp, giao, cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản.

Công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng của các địa phương, các ngành còn buông lỏng, để xảy ra tình trạng các hộ dân tự phát lắp đặt lồng bè, lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng thủy sản, xây dựng nhà ven đầm trái phép kéo dài nhiều năm nhưng chưa thường xuyên, quyết liệt thực hiện kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Đa số các vùng nuôi chưa được đầu tư hạ tầng hoặc đầu tư nhưng không đồng bộ nên qua nhiều năm đã xuống cấp hư hỏng không còn tác dụng. Cũng như các hạ tầng thiết yếu như hệ thống thủy lợi cấp thoát nước, xử lý nước; đường giao thông nội vùng nuôi, đường kết nối vùng nuôi với thị trường cũng chưa được đầu tư bài bản. Hầu hết các ao nuôi không có công trình xử lý chất thải, nước thải nên vừa gây ô nhiễm môi trường vừa thiếu bền vững.

Trong quá trình nuôi trồng thủy sản có tình trạng doanh nghiệp chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Ảnh: KS.

Trong quá trình nuôi trồng thủy sản có tình trạng doanh nghiệp chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản của không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đa số người nuôi chưa tự giác bảo vệ môi trường và lợi ích chung của cộng đồng. Phổ biến nhất là tình trạng các hộ nuôi trồng thủy sản, người dân các khu dân cư liền kề xả nước thải, rác thải vào đầm, vịnh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ sinh thái.

Ngoài ra lợi ích kinh tế từ việc nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, do đó có tình trạng người dân tự cơi nới, lấn chiếm để làm hồ nuôi tôm không đúng theo quy hoạch.

Trong khi đó, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương trong thời gian qua đã được tăng cường nhưng việc xử lý chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chậm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi, lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng trái phép.

Gấp rút triển khai các giải pháp khắc phục

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 25/2/2020 và kế hoạch 190/KH-UBND về thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo Kết luận 360-KL/TU ngày 22/11/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Tỉnh Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển thủy sản. Ảnh: KS.

Tỉnh Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển thủy sản. Ảnh: KS.

Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý, trước mắt không để phát sinh thêm ao đìa, lồng, bè. Hiện các sở, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện kế hoạch này.

Bên cạnh đó, Sở NN- PTNT đang thực hiện xây dựng Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đảm bảo sắp xếp, cơ cấu lại tổng thể các vùng nuôi một cách thích hợp, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu quả cao, bền vững, hài hòa với sự phát triển của các ngành kinh tế khác như du lịch, năng lượng.

Theo ông Phương, nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh Phú Yên nhưng nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng các ngành kinh tế khác. Để cải thiện dần môi trường đầm, vịnh, vùng nuôi cũng như có thể phát triển bền vững, hài hòa giữa nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài.

Trong đó các giải pháp cấp bách đang được triển khai như rà soát, hoàn thiện các phương án chi tiết phát triển nuôi trồng thủy sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 làm căn cứ thực hiện. Cùng với đó đầu tư nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi đảm bảo điều kiện áp dụng các biện pháp thực hành nuôi tốt (VietGAP, Global-GAP...), nuôi công nghệ cao.

Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên các đầm, vịnh kín theo đúng quy hoạch, sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản trong các vùng quy hoạch, giải tỏa số lượng lồng, bè dôi dư không đúng quy hoạch, quy định quản lý; tăng cường quản lý chất lượng giống, thức ăn, dịch bệnh, môi trường...

Tỉnh Phú Yên sẽ sắp lại lồng bè nuôi để giảm sức tại cho các đầm vịnh. Ảnh: MH.

Tỉnh Phú Yên sẽ sắp lại lồng bè nuôi để giảm sức tại cho các đầm vịnh. Ảnh: MH.

Bổ sung, tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó vùng biển mở khoảng 1.000ha và diện tích trên bờ khoảng 6-10ha trên địa bàn thị xã Sông Cầu; 3-5 ha tại xã An Hải, huyện Tuy An để đầu tư cầu cảng và công trình phụ trợ (sản xuất, ương giống, kho vật tư hàng hóa...) kết nối với dự án nuôi biển công nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản đầu tư, cải tiến kỹ thuật, công nghệ nuôi, đẩy mạnh phát triển nuôi ở các vùng biển xa bờ, giảm sức tải cho các đầm, vịnh. Đề xuất và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về thức ăn công nghiệp cho tôm hùm; các vật liệu, công nghệ làm lồng, bè mới phục vụ nuôi tôm hùm và nuôi biển công nghiệp. Cũng như tăng cường quản lý các nguồn chất thải vào đầm, vịnh từ các hoạt động kinh tế và khu dân cư ven đầm. Các địa phương lập các phương án thu gom rác thải từ các vùng nuôi, hạn chế xả thải sai quy định...

 Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho rằng, để ngành hàng nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, bền vững, góp phần tăng trưởng ngành thủy sản nói riêng, kinh tế biển nói chung, Trung ương sớm nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp vùng biển mở. 

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.