Người kiên trì phục tráng giống bưởi trứ danh
Ông Lê Minh Tâm, người có 2 ha bưởi Tiến Vua cho biết, giống bưởi này được trồng tại thôn Luận Văn, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cho ra đời những quả bưởi chất lượng nhất.
Ông Lê Minh Tâm và 2 ha bưởi thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Phạm Hiếu. |
Là giống bưởi quý hiếm, ăn có mùi vị đặc trưng riêng, hấp dẫn, lại cho màu sắc múi và quả (lúc chín) rất đẹp nên từ thời Lê, vào các dịp tết, rằm hằng năm nhân dân vẫn đem cung tiến các vị vua. Vì vậy, bưởi Luận Văn còn được gọi là bưởi Tiến Vua. Sau khi Lăng Bác Hồ được xây dựng, người dân Thọ Xương cũng đã mang 3 cay bưởi Luận Văn ra trồng tại khu vực quanh Lăng Người và đến nay vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.
Bẵng đi một thời gian dài, giống bưởi này ngày càng thất truyền, mai một, diện tích ngày càng thu hẹp, chất lượng quả giảm hẳn.
“Khi tôi lớn lên thì toàn xã này chỉ còn 2 ha trong khu vườn do hội phụ lão chăm sóc. Tuy nhiên, quả ngày càng nhỏ, thân cây già cỗi, còi cọc. Người dân lấy hạt ươm hay chiết cành đem trồng đều không còn được thơm ngon như trước. Điều này khiến người dân ở đây rất đau lòng” – ông Lê Minh Tâm cho hay.
Người dân Thọ Xương xót xa bao nhiêu thì chính quyền các cấp huyện Thọ Xuân trăn trở bấy nhiêu. Một giống bưởi trứ danh có nguy cơ chỉ còn lại trong dĩ vãng. Tưởng chừng như giống bưởi này đã tuyệt chủng thì điều may mắn đã đến với người dân Thọ Xương.
“Ấy là vào năm 2010, Viện NC Cây ăn quả (Bộ NN-PTNT) đã vào tìm hiểu về giống bưởi Luận Văn. Qua khảo sát, Viện kết luận cả huyện hiện chỉ còn 2 cây đầu dòng tại vườn Phụ lão xã Thọ Xương. Từ hai cây đầu dòng này, Viện đã đưa về nuôi cấy mô, cho ra 37 cây bưởi Luận Văn F0. Chúng tôi rất vui vì giống bưởi Luận Văn đã có cơ được cứu sống – ông Lê Đức Đệ, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương phấn khởi.
Sau khi tạo ra các cây bưởi Luận Văn F0, Viện NC Cây ăn quả đã hỗ trợ địa phương xây dựng một nhà lưới ươm cây giống. UBND huyện Thọ Xuân, xã Thọ Xương vận động chuyển đổi diện tích trồng mía, lúa kém hiệu quả và hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc, giống, vật tư phân bón trồng bưởi Luận Văn.
Những ngày đầu chuyển đất mía, lúa sang trồng bưởi Luận Văn ai nấy đều lo lắng vì trước đây nhiều hộ đã trồng nhưng không thành công. Vậy mà ông Lê Minh Tâm vẫn kiên định với mục tiêu làm sao phải khôi phục được giống bưởi trứ danh này.
Trồng xen ổi Đài Loan vào vườn bưởi giúp tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Phạm Hiếu. |
Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, có lúc tưởng như buông bỏ thì cuối cùng, sự kiên trì, nhẫn nại và tâm huyết của người đàn ông này đã thuyết phục được vợ con, gia đình. Hai ha mía là miếng cơm bát cháo thường ngày của gia đình ông đã được thay thể bởi bưởi Luận Văn.
Ông Tâm cho rằng, bưởi Luận Văn không quá khó trồng và chăm sóc nhưng lại rất kén đất. Chất đất ưa thích nhất của bưởi Luận Văn là đất pha cát, vàn vừa, thoát nước tốt. Đặc biệt, bưởi thơm nhất khi trồng ở xã Thọ Xương và được bón bằng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ.
“Hố trồng rồng bưởi Luận Văn có kích thước 1mx1m, sâu 0,7 m. Sau khi đào hố cần ủ phân kèm theo một lượng vôi bột nhất định, tùy thuộc vào từng chất đất. Phân ủ khoảng 1 tháng thì trồng bưởi nổi ngang mặt hố, hay còn gọi là trồng gửi. Nếu bưởi bị ngập nước thì khả năng cứu sống rất mong manh”.
Rộ phong trào trồng bưởi Luận Văn
Theo ông Tâm, Viện NC Rau quả khuyến cáo người dân khi trồng bưởi ghép Luận Văn ghép phải kiên trì bởi phải mất 3-4 năm mới ra quả bói.
Trong cái khó ló cái khôn, ông Tâm bàn với vợ mua giống ổi Đài Loan về trồng xen canh để giải quyết cái ăn trước mắt. Giống ổi này chỉ hơn 1 năm đã cho thu hoạch, nhờ thế, 3-4 năm đầu trồng bưởi, cuộc sống gia đình ông Tâm vẫn đảm bảo. Đến lúc bưởi Tiến Vua cho thu hoạch, từ 2 ha, mỗi năm gia đình ông thu về trên 1 tỷ đồng.
“Mỗi ha trồng trên dưới 300 gốc bưởi Tiến Vua. Bình quân mỗi gốc chỉ để 40 quả. Thời điểm bưởi ăn ngon, bình quân cũng bán được 30-40 nghìn đồng/quả. Còn một số quả để bán chưng tết, có quả lên đến 200-300 nghìn đồng. Tính ra, 2 ha bưởi Luận Văn mỗi năm tôi đút túi trên 1 tỷ đồng. Công chăm sóc, thu hoạch nhà nhã, lái buôn vào tận vườn đặt cọc bưởi chưng tết từ tháng 7, 8 âm lịch” - ông Tâm phấn khởi.
Để đuổi các loài ruồi, bọ gây hại, gia đình ông Tâm mua keo dính ruồi sinh học về treo lên cành bưởi. Cách này vừa diệt ruồi, bọ hiệu quả vừa đảm bảo ATVSTP cho quả bưởi.
Nhờ những chính sách hỗ trợ, đến nay, riêng tại xã Thọ Xương, người dân đã trồng được 32 ha bưởi Luận Văn. Trong số 300 hộ dân tại thôn Luận Văn, hầu như vườn nhà nào cũng trồng vài ba cây bưởi Tiến Vua.
Rộ phong trào trồng bưởi Luận Văn. Ảnh: Phạm Hiếu. |
Thấy cây bưởi Luận Văn cho hiệu quả, rộng đầu ra, những năm vừa qua, một số doanh nghiệp đã tích tụ đất để trồng. Ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí ô tô Hải Đăng hiện đã tích tụ được 8 ha bưởi Luận Văn. Đến thời điểm này, 8 ha bưởi của công ty đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh Nguyễn Việt Dũng, con trai ông Đăng cho biết, hiện công ty đang tích tụ thêm 5 ha đất tại thôn Dụng Hòa để trồng bưởi Luận Văn.
“Chúng tôi cũng rất trăn trở. Vì sao, tại nơi từng được coi là thủ phủ của bưởi Tiến Vua lại để thất truyền? Triển khai dự án này công ty được hỗ trợ 1 nghìn cây bưởi Luận Văn và mua thêm về trồng.
Sau 3 năm, cây sinh trưởng phát triển rất tốt nhưng đa phần là những cây bưởi cho quả chín trước Tết Nguyên Đán nên giá trị không được như mong đợi. Vừa rồi, công ty đã lấy mắt tại những cây chín sớm ghép vào thân những cây chín muộn. Chúng tôi hi vọng các nhà khoa học sẽ vào cuộc nghiên cứu để cho ra đời những cây bưởi Luận Văn chín muộn để tăng giá trị kinh tế” – anh Dũng cho biết.
Để lấy ngắn nuôi dài, hiện Công ty TNHH Cơ khí ô tô Hải Đăng cũng trồng xen ổi Đài Loan. Theo lý giải của đại diện công ty, cây ổi ngoài việc cho thu nhập thời gian cây bưởi kiến thiết cơ bản còn có tác dụng đuổi rầy chổng cánh, một loài côn trùng chuyên phá hoại bưởi Luận Văn. Ngoài ra, công ty còn nuôi giun quế lấy phân trồng bưởi, ngâm giun với men sinh học chế phân đạm bón cho bưởi, cam và ổi. Theo anh Dũng, những cây bưởi Luận Văn được bón nguồn phân này cho chất lượng thơm ngon hơn hẳn. Từ 8 ha bưởi Luận Văn xen ổi Đài Loan, năm 2018, Công ty TNHH Hải Đăng đã thu về 2 tỷ đồng; dự kiến nguồn thu sẽ tăng trong năm 2019.
Ông Lê Đức Đệ, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương cho biết, theo kế hoạch, năm 2020, xã sẽ chuyển đổi một số diện tích đất lúa, mía kém hiệu quả để trồng thêm 5 ha bưởi Luận Văn.
Ngoài Thọ Xương, tại các xã Xuân Bái, Xuân Lam (Thọ Xuân) hiện người dân cũng đã đem bưởi Luận Văn về trồng. Kết quả bước đầu cho thấy, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt và cho chất lượng không thua kém là bao khi được trồng tại xã Thọ Xương.
Bưởi Luận Văn ra hoa vào tháng giêng. Đến tháng 8, 9, 10 âm lịch là thời điểm có thể ăn và cho chất lượng ngon nhất. Múi bưởi có màu hồng, tép cài răng lược, ăn có vị ngọt, dôn dốt chua, được các vua quan từ thời nhà Lê rất ưa thích. Từ tháng 11 âm lịch đến Tết Nguyên đán, vỏ bưởi Luận Văn chuyển sang màu đỏ thắm, chỉ cần 1 quả bưởi để trong phòng đã dậy mùi thơm quyến rũ. Thời gian này, khách hàng chủ yếu mua bưởi về chưng tết. Giá bưởi ở thời điểm này có thể dao động từ 80 nghìn đồng – 300 nghìn đồng/quả, bưởi có thể chưng 2-3 tháng mà không hỏng. |