Giám đốc bán xe, trở về nghề tài xế
Suốt 30 trong nghề vận chuyển hàng hóa, gần 10 năm thành lập doanh nghiệp, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Thành Thương (Công ty Thành Thương) ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã va chạm với không biết bao nhiêu ngân hàng thương mại. Bởi làm ăn cần phải có vốn, muốn có vốn thì phải tìm đến ngân hàng. Thế nhưng từ khi tiếp cận với Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), ông Thành mới biết mình đã đi vào tình trạng kiệt quệ, bởi sự o ép quá đáng của ngân hàng này.
Xe tải mang biển kiểm soát 77D-136.13 của Công ty Thành Thương phải nằm bẹp dí tại bãi xe của Bến xe Trung tâm thành phố Quy Nhơn, suốt mấy năm liền nằm bất động phơi mưa, phơi nắng, chiếc xe bị mục ruỗng, hư hỏng toàn bộ từ vỏ lốp đến thùng xe, cả máy móc cũng không còn khởi động được.
Sau khi Công ty Thành Thương thanh toán hết nợ gốc lẫn tiền lãi cho PVcomBank, ông Nguyễn Tất Thành mới tu sửa nhỏ để xe có thể lưu hành. Thế nhưng lúc này ông Thành đã “sạch túi” nên chỉ đủ khả năng sửa chữa “vá víu”, nên chiếc xe hư lên hỏng xuống liên tục, không đảm bảo vận tải hàng hóa cho khách hàng.
“Để xe có thể vận hành an toàn cần phải có khoản tiền gần 500 triệu đồng để đại tu. Riêng giàn vỏ lốp xe đã tốn gần 200 triệu, sửa chữa thùng xe hơn 100 triệu nữa, máy móc để lâu không hoạt động đã gỉ sét hết… Không còn phương tiện vận tải, đầu năm 2023 Công ty Thành Thương phải tạm dừng hoạt động kinh doanh. Đến cuối năm 2023 tôi mới bán được chiếc xe cho 1 bạn nghề ở thị xã An Khê (Gia Lai) với giá chỉ 211 triệu đồng, trong khi chiếc xe ấy tôi mua đến gần 2 tỉ đồng”, ông Thành chua chát cho biết.
Ông Thành trình bày thêm: Sau khi bản án phúc thẩm số 30/2023/DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND tỉnh Bình Định có hiệu lực buộc PVcomBank phải bồi thường cho Công ty Thành Thương hơn 1,3 tỷ đồng tiền ngân hàng này gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Quy Nhơn (Bình Định) ủy thác cho Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm tổ chức thi hành án.
Đã gần 1 năm kể từ ngày Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 51/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án đối với PVcomBank theo Bản án số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Quy Nhơn và Bản án số 30/2023/ DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND tỉnh Bình Định, ngày ngày ông Thành ngong ngóng PVcomBank thi hành án để doanh nghiệp có vốn khôi phục hoạt động kinh doanh.
“PVcomBank chây ì không thi hành án, tôi phải ủy quyền cho Công ty TNHH Luật Hòa Lợi thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội có trụ sở đóng ngay quận Hoàn Kiếm trực tiếp làm việc với PVcomBank, nhưng đã gần 1 năm nay ngân hàng này vẫn bất chấp luật pháp không thi hành án. Nếu phải đích thân làm việc với PVcomBank thì gần 1 năm qua chắc tôi phải bán nhà để đi ra đi vào chứ tiền đâu mà chi phí. Hiện nay 5 triệu đồng không đủ mua 2 vé máy bay ra vào Quy Nhơn - Hà Nội. Ra đến ngoài ấy rồi chắc gì làm việc được với PVcomBank, lại phải thêm chi phí ăn ở, cực nhọc không kể xiết”, ông Nguyễn Tất Thành tâm tư.
Ân hận vì "dính dáng" đến PVcomBank
Theo ông Nguyễn Tất Thành, hệ lụy do PVcomBank mang lại cho Công ty Thành Thương là rất lớn. Suốt 30 năm gắn bó với nghề, Công ty Thành Thương mới kết nối làm ăn được với Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Hồng Phát, Công ty TNHH MTV Hoa Sen, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mavin để vận chuyển thức ăn chăn nuôi… cho các doanh nghiệp nói trên. Sau khi Công ty Thành Thương tạm dừng hoạt động, các mối hàng thân thuộc bấy lâu nay ắt nhiên phải tìm công ty vận tải khác vận chuyển hàng hóa. Như vậy, Công ty Thành Thương không chỉ tán gia bại sản mà còn mất cả những mối hàng làm ăn, nếu sau này doanh nghiệp có tái hoạt động thì ông Thành lại phải mày mò làm lại từ đầu kiếm mối hàng mới.
“Vợ chồng tôi có 2 đứa con, đứa lớn đã có việc làm, đứa nhỏ mới vào đại học năm đầu. Trước đây vợ tôi là kế toán của công ty, mấy năm nay công ty kiệt quệ kể như vợ tôi mất thu nhập. Hiện giờ tôi phải chạy tài thuê cho xe khác để kiếm kế sinh nhai. Lâu lâu những mối hàng cũ kêu chở những lô hàng nhỏ, tôi kết nối với nhà xe vận tải kiếm hoa hồng. Từ giám đốc doanh nghiệp giờ đi chạy tài thuê xót xa lắm, nhưng đã lỡ dây vào PVcomBank để ra nông nỗi này tôi cũng đành chịu”, ông Nguyễn Tất Thành nói như khóc.
Trầm ngâm 1 hồi, ông Thành tiếp tục hình dung viễn cảnh tươi sáng nếu PVcomBank thượng tôn pháp luật, thi hành án ngay sau khi Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 51/QĐ-CCTHADS thì với số tiền được bồi thường, đến nay Công ty Thành Thương đã có thể “hồi sinh”.
Theo ông Thành, nếu PVcomBank tự nguyện thi hành án sớm, Công ty Thành Thương đã có tiền sửa chữa tương đối lại xe cũ để vận hành, còn tiền thừa ông Thành sẽ mua thêm chiếc khác, chiếc cũ chiếc mới lưu hành song song. Nếu như xe cũ bị hỏng thì đã có xe mới vận chuyển hàng, doanh nghiệp không lo chuyện vỡ hợp đồng đối với khách hàng. Làm ăn tích lũy, đến lúc dư dả ông Thành sẽ đại tu 1 lần chiếc xe cũ là doanh nghiệp hoạt động suôn sẻ. Khi doanh nghiệp đã mua được xe mới thì dùng nó làm tài sản thế chấp mua thêm xe, cứ thế phát triển dần, cơ hội để doanh ghiệp khôi phục hoạt động như trước đây. Khi doanh nghiệp khôi phục hoạt động là đồng nghĩa sẽ giữ được các mối hàng lớn mà Công ty Thành Thương đã thiết lập được trong 30 năm qua.
“Để thiết lập được mối làm ăn với các doanh nghiệp lớn với Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Hồng Phát, Công ty TNHH MTV Hoa Sen, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mavin… không phải dễ dàng, suốt gần 10 năm thành lập, Công ty Thành Thương đã phải nỗ lực đáp ứng được yêu cầu các khách hàng họ mới làm ăn lâu dài với mình. Hiện, nếu có tiền tôi cũng không thể lấy lại được những mối hàng cũ, vì làm ăn bây giờ cạnh tranh ghê lắm, mình lơi ra là các công ty vận tải khác vơ lấy ngay. Kể như Công ty Thành Thương mất cả chì lẫn chài sau tranh chấp với PVcomBank”, ông Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
“Mà đâu phải PVcomBank không có tài sản để thi hành án. Là ngân hàng thì thiếu gì tiền, họ chỉ thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Kiểu “làm lì” như thế này thì ai còn dám dính dáng đến PVcomBank nữa. Trường hợp của Công ty Thành Thương là PVcomBank thua kiện rõ ràng, luật pháp phán quyết là phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, mà ngân hàng còn chây ì.”, ông Nguyễn Tất Thành bức xúc nói.