| Hotline: 0983.970.780

Qua liên kết chuỗi sản xuất, nhà vườn thừa nhận không thể làm kiểu 'tự bơi'

Thứ Năm 11/11/2021 , 09:11 (GMT+7)

TP Cần Thơ có nhiều vườn nhãn rộng lớn nhưng ít ai ngờ một nhóm nông dân cùng vào HTX Thới Trinh bán trái ngon lành, trụ vững qua mùa dịch Covid-19.

Nhà vườn Bảy Hánh, thành viên của HTX Thới Trinh. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà vườn Bảy Hánh, thành viên của HTX Thới Trinh. Ảnh: Minh Đảm.

Tìm ra hướng đi

Ở TP Cần Thơ mới bẵng đi hai ba năm, vùng đất màu mỡ ven sông Hậu thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, nhiều nhà vườn đã âm thầm chuyển đổi thành vườn nhãn chuyên canh hơn 600 ha. Từ đất trồng hoa màu, vườn tạp kém hiệu quả nay chuyển sang chọn trồng các giống nhãn mới. Trong đó giống nhãn Idol chiếm phần nhiều. Chỉ sau 3 năm đời sống nhiều chủ vườn nhãn nhanh chóng đổi đời. Cả xóm trồng nhãn từ vàm rạch Tầm Vu chạy vào nhà cửa khang trang, khá giàu lên thấy rõ.

Ông Bảy Hánh (Nguyễn Thành Hánh) là một trong những nhà vườn sớm lập vườn chuyên canh trồng nhãn bài bản, thành công. Vườn của ông đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cây cho trái ngon đạt tiêu chuẩn VietGAP an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Thành quả trên 15 công nhãn hàng năm, vào thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19 với mức giá tầm khoảng 20-25-30 ngàn đồng/kg và năng suất bình quân 20 tấn/ha, thu nhập một năm trên 600 triệu đồng nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên lợi nhuận trồng nhãn năm nay của ông Bảy Hánh cùng với nhiều nhà vườn sụt giảm hơn 50%, do giá nhãn rơi rớt thảm hại vì dịch Covid-19. Theo ông Bảy, mức giá cầm cự mức 9.000-10.000 đ/kg là nhờ có mối lái vào mua nhãn của HTX Thới Trinh. HTX kết nối các nhà vườn thành viên và điều tiết lượng hàng duy trì mạch cung ứng các đầu mối tiêu thụ đi về các tỉnh trong vùng.

Trong khi một số nhà vườn đơn lẻ bên ngoài có lúc bối rối hoang mang vì thương lái không tới vườn thu mua được. Nhãn chín tới, trái căng tròn không thể treo mãi trên cây. Các nhà vườn muốn vào HTX là nhắm tới ích lâu dài. Đợt dịch Covid-19 vừa trải qua chính là phép thử cho các thành viên trong HTX, biết cùng nhau đồng lòng vượt qua thử thách cam go nhất.

Mãi đến nay các nhà vườn trồng nhãn ở các quận huyện ngoại thành Cần Thơ vẫn còn nhớ như in, bắt đầu từ tháng 7, đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng, siết chặt các phương tiện giao thông thủy-bộ, hàng nông sản vận chuyển vô cùng nan giải, khó khăn. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động.

Lúc đó tại Cần Thơ nhiều nhà vườn trồng nhãn đến lứa hái trái vô cùng bức bối, lúng túng. Vì không có nhân công đến vườn thu hoạch và dù có thu hoạch được cũng không biết bán cho ai. Một số chủ vườn lo âu, vắng bóng thương lái. Ngó ra vườn rơi nước mắt, nhìn cây treo trái chín mọng, rơi rụng, rớt giá thảm thương.

Và chỉ sau 10 ngày đầu (trong thời gian TP Cần Thơ thực hiện chỉ thị 16), nhãn của HTX Thới Trinh bắt nhịp đưa hàng vào siêu thị trở lại. Giá nhãn dần hồi phục trên mức giá thành, có lời khoảng 3.000-4.000 đ/kg. “Đến giờ thì chúng tôi đã quen “sống chung với lũ” rồi”, một thành viên của HTX tự tin như vậy.

Giữa lúc thắt ngặt, giá nhãn giảm sâu, các thành viên nhà vườn HTX Thới Trinh cảm thấy chới với. Nhưng phần đông nhà vườn bình tĩnh cùng ngồi lại bàn với nhau cách ứng phó làm thế nào giảm bớt thiệt hại mức thấp nhất để vượt qua cơn khủng hoảng. Đầu tàu là ban giám đốc HTX tích cực tìm đầu mối tiêu thụ với các siêu thị, DN xuất khẩu, liên hệ Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT hỗ trợ đã giúp khơi thông luồng xanh cho sản phẩm nông sản còn tồn đọng.

Đường mở ra phía trước

Anh Nguyễn Thành Nghị, Giám đốc HTX Thới Trinh, từng là một cán bộ khuyến nông năng nổ, nhiệt tình của phường Thới An. Nhà anh Nghị cũng có vườn nhãn hơn 22 công. Anh cùng với nhiều nhà vườn đã nhận ra sự gia tăng sản lượng trái cây cùng loại ở nhiều tỉnh trong vùng. Riêng cây nhãn trong những năm gần đây ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đều nở rộ, diện tích vườn chuyên canh tăng nhanh. Sự cạnh tranh là hiển nhiên. Như vậy nông phẩm phải thật sự chất lượng, đảm bảo ATVSTP.

Ban đầu nhóm nhà vườn lập ra Tổ hợp tác sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, vào mùa thu hoạch nhãn, hàng bán chủ yếu qua thương lái tới vườn mua. Tuy nhiên cần tìm cách thoát cảnh mua bán thụ động, cách đây hơn 2 năm 60 hộ nhà vườn với 59 ha nhãn đã đồng thuận thành lập HTX Thới Trinh mong muốn mở ra con đường mới, hoạt động kinh doanh thêm dịch vụ cung ứng các loại trái cây gồm: Nhãn, cam, ổ Ruby… Bên cạnh các mối thương lái thu mua hàng thân thiết về Bạc Liêu, TP HCM, Lâm Đồng… HTX đã liên kết được với các kênh tiêu thụ qua hệ thống siêu thị. Sản lượng trái cây của HTX năm đầu tiên đã vượt trên 1.000 tấn.

Vườn nhãn HTX Thới Trinh vào mùa chín rộ. Ảnh: Minh Đảm.

Vườn nhãn HTX Thới Trinh vào mùa chín rộ. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Nghị cho hay: Hồi đầu năm đại diện 2 Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, chuyên thu mua, sơ chế, chế biến và gia công đóng gói các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu đã đến các vườn nhãn của HTX khảo sát. Yêu cầu nhãn xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, qui cách đóng hàng đúng cỡ (size) trái đường kính trái 2,5 cm, giá thu mua 25.000 đ/kg. Tuy nhiên khi HTX Thới Trinh và các Công ty trên chưa kịp ký hợp đồng thì đợt dịch Covid-19 ập tới.

Từ kinh nghiệm trụ vững, vượt “bão Covid-19”, các nhà vườn thừa nhận là không thể sản xuất theo kiểu “tự bơi” riêng lẻ mãi được. Vào HTX là con đường tất yếu. Vai trò HTX rất quan trọng, để bà con thành viên cùng làm ra sản phẩm chất lượng đồng nhất, cung ứng số lượng hàng đủ lớn cho các mối bán buôn, kết nối DN xuất khẩu mở rộng đầu ra. Bởi đa số nông dân đều mong có được thị trường tiêu thụ ổn định hơn là lo đối phó với cảnh nông sản tiêu thụ bấp bênh.

Tuy số vốn ban đầu chưa nhiều, nhưng HTX có kế hoạch mở đường cho nhãn Thới Trinh sản xuất chuẩn mực, đóng hàng xuất khẩu. Năm 2022 HTX sẽ tăng thêm vốn điều lệ và các thành viên góp vốn để đầu tư xây dựng nhà sơ chế, đóng gói trái cây,  vị trí dự kiến nằm kề bên tuyến lộ từ phường Thới An về Ô Môn thông ra quốc lộ 91B hay tiện đường qua phà đi Đồng Tháp. Đây là phương cách đưa trái nhãn Thới Trinh, Thới An đi xa hơn.

Chuẩn mực từ vùng trồng

Mùa nhãn đồng bằng miền Tây qua thời điểm chín rộ. Dù vậy hiện thời mỗi ngày HTX Thới Trinh vẫn bán nhãn ra khắp các chợ trong vùng. Do một số nhà vườn biết cách thể điều tiết rải vụ nên cung ứng trái tươi kéo dài quanh năm.

Mặt khác, được sự trợ giúp của Sở NN-PTNT và Sở Công Thương TP Cần Thơ  HTX Thới Trinh đã đăng ký Farm và sản phẩm lên sàn thương mại điện tử 3600, Tổ công tác 970 (Nay là diễn đàn kết nối nông sản 970) của Bộ NN-PTNT. Thời gian qua, tự tin vào sản phẩm trái ngon, màu sắc đẹp, thông qua kết nối thương mại giao dịch khách hàng đã giúp HTX tìm được đầu ra tiêu thụ nhãn.

Dấu mốc năm 2019 nhờ sự hỗ trợ gần 800 triệu đồng từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ của quận Ô Môn đã giúp các thành viên nhà vườn HTX Thới Trinh xây dựng qui trình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP.

Những ngày này theo chân nhà vườn, xe gắn máy có thể chạy len lỏi vòng qua các bờ vườn nhãn xanh mát, dưới tán cành trái trĩu nặng, vàng óng đong đưa theo gió. Vườn sạch, ao mương nước trong xanh, không khí thật trong lành. Nhà vườn Bảy Hánh tự tin nhãn sạch có thể ăn tươi tại vườn.

Ông Bảy Hánh khoe: Bà con trong HTX đã biết cách dùng thuốc sinh học phòng trừ sâu đục lá, sâu ăn trái và hạn chế tối đa dùng phân hóa học. Hơn nữa với suất đầu tư khoảng 3 triệu đồng là có thể lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước cho một công (1.000 m2) vườn nhãn. Nhiều nhà vườn lạc quan, một khi đã nắm vững kỹ thuật, đổ công dốc sức cho trái nhãn Thới Trinh thật ngon lành thì sẽ bớt lo âu chuyện rớt giá trên đường ra chợ.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Hà Nội: Dự kiến tổ chức đấu giá hơn 7.000m² đất tại quận Long Biên

Hà Nội giao 9.989,5m² đất tại phường Thượng Thanh cho quận Long Biên để chỉnh trang hạ tầng, đấu giá và xây đường giao thông.