| Hotline: 0983.970.780

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trương Ái Bình:

'Quân đội... làm kinh doanh, thế tất sẽ dẫn đến chuyện đầu cơ chốn quan trường...'

Thứ Năm 20/07/2017 , 09:15 (GMT+7)

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trương Ái Bình từng phản đối kịch liệt chuyện quân đội làm kinh tế, viết thư gửi người kế nhiệm, cho dù chủ trương này được sự đồng ý của Đặng Tiểu Bình.

Thượng tướng Trương Ái Bình gần như là lãnh đạo duy nhất trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dám công khai phản đối chủ trương cho phép quân đội làm kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, trong bối cảnh ông Đặng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), theo People’s Daily.

Binh lính Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2011. (Ảnh: Bloomberg.)

Trước khi Bắc Kinh bắt đầu cải cách kinh tế, tổng thu ngân sách mỗi năm một sụt giảm, điều này khiến nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình quyết định cắt giảm quân số Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), giảm ngân sách quốc phòng.

Ngày 23/5/1985, trong hội nghị của CMC tại Bắc Kinh, ông Đặng Tiểu Bình với cương vị chủ tịch, tuyên bố: “Quân đội phải giảm bớt một triệu quân nhân”. Hội nghị cũng đề ra “thực hiện chuyển giao chiến lược sang thời bình”. Vấn đề quân đội làm kinh tế được ủng hộ mạnh mẽ, chỉ có Bộ trưởng Trương Ái Bình phản đối.

Trên thực tế, từ đầu năm 1985, ông Trương đã nghe tin về việc Ủy ban Khoa học Quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, thành lập các “công ty” và “trung tâm”, điều bị ông Trương cho là rất phản cảm.

“Công ty gì chứ, tôi thấy đây là mượn việc công để mưu lợi cho bản thân. Còn trung tâm, tôi nghĩ đó là trung tâm để lấy tiền”, People’s Daily trích lời ông Trương.

Lúc đó, ông Trương viết thư gửi lãnh đạo Ủy ban Khoa học Quốc phòng, có đoạn: “Về việc quân đội làm kinh doanh, không phải là điều nên có trong xã hội chúng ta, nếu là thời kỳ quốc dân đảng quân phiệt thì có lẽ được. Ham mê kinh doanh sẽ dẫn đến tham nhũng”.

Không lâu sau khi ông Trương viết bức thư đề nghị Ủy ban Khoa học Quốc phòng không nên làm kinh tế, quân đội Trung Quốc lại có một cuộc họp đề cập tới vấn đề này.

“Quân đội và chính phủ làm kinh doanh, thế tất sẽ dẫn đến chuyện đầu cơ chốn quan trường, tiếp đó là nạn tham nhũng. Mặc quân phục để đi làm chuyện mua bán, đó là nỗi sỉ nhục với quân đội, nỗi đau của đất nước. Nếu Quân ủy Trung ương ca ngợi chuyện quân đội đi làm kinh tế, đó chính là việc tự hủy đi thành trì bảo vệ đất nước”, ông Trương nêu quan điểm.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết sau khi ông phát biểu, không khí cuộc họp khá nặng nề. “Từ xưa đến nay, làm gì có quốc gia, thời đại nào lại mở cờ gióng trống cho quân đội làm như thế, đi làm việc kinh doanh với quy mô lớn. Kết quả thì sao? Các cơ quan kiểm tra, giám sát liên quan đến kinh tế hiểu rõ điều này nhất, bao nhiêu cán bộ sa vào làn sóng kinh doanh! Xã hội biết rõ nhất, bao nhiêu người sẽ mắng chửi quân đội! Uy tín quân đội sẽ rơi xuống vạn trượng”.

Tuy nhiên, sự phản đối của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc không mang lại hiệu quả. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cho rằng để hiện đại hóa kinh tế và kiểm soát chặt chi tiêu quốc phòng, quân đội được phép sử dụng tài nguyên và cơ sở vật chất của mình để tăng sản xuất.

Năm 1985, mạng lưới kinh doanh của PLA bùng nổ. Tờ Mingpao của Hong Kong bình luận rằng PLA bắt đầu làm mọi thứ, từ nuôi lợn, lập hãng hàng không, mở bệnh viện, đào than đến kinh doanh khách sạn và dịch vụ viễn thông. PLA cũng sở hữu nhiều hãng dược phẩm và dệt may lớn nhất.
 

Bài học lịch sử

Phản đối luận điểm của Chủ tịch CMC Đặng Tiểu Bình, ông Trương cho rằng: “Mục đích của việc cho quân đội làm kinh tế là để "dùng quân nuôi quân", tôi không phủ nhận luận điểm này của một số đồng chí. Thế nhưng, vấn đề không phải là có nuôi nổi quân hay không, mà quan trọng là cách làm này sẽ sinh ra một đội quân như thế nào?”.

Người được coi là một trong những “khai quốc tướng quân” của Trung Quốc, lập luận tiếp: “Liệu đó có phải một đội quân được nhân dân tin tưởng? Khi địch xâm chiếm, đội quân ấy có thể dũng cảm chiến đấu, không quản ngại hy sinh? Một đội quân chỉ nghĩ đến tiền, thì vinh quang của quân đội đã bị làm nhục”.

Ông Trương cho rằng nếu làm kinh tế, PLA sẽ còn là “quân đội của nhân dân”. Giải thích về sự phản đối của mình, ông Trương nói đó không phải vấn đề phương pháp giải quyết chuyện PLA thiếu kinh phí, mà là “vấn đề về lập trường”.

Năm 1987, tướng Trương về hưu, ông gặp tân Tổng Tham mưu trưởng PLA Trì Hạo Điền, nói: “Quân đội tham gia kinh tế, lịch sử đã có những bài học đau thương”.

Dẫn chứng quân đội Bát Kỳ thời nhà Thanh, ông Trương cho rằng ban đầu đội quân này “không có đối thủ”, song sau đó luôn thua khi đối đàu liên quân Anh, Pháp, hoặc trước quân Nhật.

Nguyên nhân thất bại của Bát Kỳ, theo ông Trương, mấu chốt ở chỗ nhiều tướng lĩnh ham mê kinh doanh, ham hưởng thụ, không cho quân đội luyện tập thường xuyên.

Tướng Trương dẫn thêm ví dụ thời kỳ Dân quốc (1912-1949), quân đội Trung Quốc lúc đó cũng tham gia làm kinh tế, dẫn đến tư tưởng chỉ biết lợi ích bản thân, đánh trận thua là điều đương nhiên.

“Chúng ta không được quên bài học lịch sử. Chức năng của quân đội là đánh trận. Làm kinh tế sẽ khiến lòng quân tan rã, mất ý chí chiến đấu, thậm chí dẫn đến xung đột lợi ích với khối dân sự, ảnh hưởng đến quan hệ quân-dân. Chúng ta không nên tự hủy trường thành của chính mình”, tướng Trương nói.

Tuy nhiên, chỉ đến khi ông Giang Trạch Dân nắm quyền, lãnh đạo CMC mới có sự đồng thuận với tiên đoán cách đó 10 năm của tướng Trương. Ngày 20/11/1989, trong cuộc họp mở rộng của CMC, ông Giang nói: “Quân đội nhìn chung nên "ăn lộc vua", khẩu hiệu “tự hoàn thiện, tự phát triển" không thực hiện được. Tôi luôn không tán thành điều này”.

Ông Giang nói nếu PLA theo con đường tự nuôi bản thân, thì sẽ “vô cùng nguy hiểm”. Tuy nhiên, đến năm 1989, Trung Quốc mới đủ tiềm lực tài chính cung cấp cho PLA, đó cũng là lúc ông Giang dừng triệt để mọi hoạt động dính dáng đến kinh doanh của quân đội và cảnh sát vũ trang.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm