| Hotline: 0983.970.780

Quản lý, bảo vệ rừng: Chính quyền xã 'lực bất tòng tâm'

Thứ Hai 04/07/2022 , 09:15 (GMT+7)

GIA LAI Diện tích rừng quá lớn, trong khi không có lực lượng chuyên trách, các xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai than thở rằng họ đang 'tay không bắt giặc' trong cuộc chiến giữ rừng.

Các xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai được giao quản lý diện tích rừng rất lớn. Ảnh: Tuấn Anh.

Các xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai được giao quản lý diện tích rừng rất lớn. Ảnh: Tuấn Anh.

"Tay không bắt giặc"

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, năm 2020, các xã trên địa bàn tỉnh quản lý hơn 930 ngàn ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 106 ngàn ha, rừng trồng hơn 62 ngàn ha và đất khác hơn 760 ngàn ha.

Chính vì quản lý diện tích rừng quá lớn, trong khi lực lượng chuyên trách gần như không có dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các cấp xã gặp rất nhiều khó khăn.

Tại vùng biên giới xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), nơi có trên 24 ngàn ha rừng, trong đó UBND xã quản lý gần 14 ngàn ha. Tuy nhiên, lực lượng chuyên trách về quản lý, bảo vệ rừng lại không có và phải thuê nhân viên thời vụ.

Anh Trần Quốc Châu (sinh năm 1988 ở làng Kla, xã Ia Mơr) được UBND xã Ia Mơr vận động làm cán bộ quản lý, bảo vệ rừng cho địa phương từ đầu năm 2022 với mức lương khoán 6 triệu đồng/tháng. Anh Châu cùng với 4 nhân viên khác có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng thuộc chốt bảo vệ rừng số 1. Để bảo vệ rừng 24/24h, anh Châu và các nhân viên phải lều võng lên rừng canh gác.

Anh Châu cho biết, đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với toàn bộ chốt bảo vệ rừng, bởi diện tích rừng phải trông coi quản lý quá rộng, không có quyền hạn xử lý, không có phương tiện, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, không ít lần, các cán bộ bảo vệ rừng bị lâm tặc đe dọa.

Chốt bảo vệ rừng ở xã Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh.

Chốt bảo vệ rừng ở xã Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh.

“Chốt trưởng giao đi tuần hàng ngày, nếu phát hiện sẽ báo xã tăng cường lực lượng để xử lý. Nhiều hôm bị lâm tặc gọi điện đe dọa đòi đập chết”, anh Châu nói và cho biết, chốt kiểm soát là lán gỗ, không điện, nước phải bơm nhờ, cuộc sống rất khổ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết, chính vì diện tích rừng quá lớn nên chính quyền xã phải tăng cường mọi lực lượng để ngày đêm tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Do không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nên xã buộc phải ký hợp đồng lao động ngắn hạn với 20 nhân viên chia thành 4 tổ bảo vệ ở 4 chốt kiểm soát. Lực lượng này ăn ở trong rừng nhưng không được sử dụng các công cụ hỗ trợ để thực hiện việc bảo vệ rừng. Khi gặp các đối tượng phá rừng, lực lượng này chỉ có thể nhắc nhở bằng miệng, tuyên truyền vận động là chính. Trong khi đó, các đối tượng lại thường rất manh động.

Đặc biệt, những năm trở lại đây, trên địa bàn xã đã xảy ra 4,5 vụ chống người thi hành công vụ, gây thương tích cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

“Bản thân chúng tôi là lãnh đạo, ban ngày làm công việc chuyên môn, ban đêm lều võng vào rừng để cùng với anh em mật phục, vận động bà con không xâm lấn, không đốt rừng làm nương rẫy”, ông Tuấn Anh bộc bạch.

Nhiều xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai phản ánh, năm nào cũng bị kiểm điểm do để xẩy ra phá rừng, nhưng họ lực bất tòng tâm. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai phản ánh, năm nào cũng bị kiểm điểm do để xẩy ra phá rừng, nhưng họ lực bất tòng tâm. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Tuấn Anh, trước những khó khăn, bất cập trong việc giao diện tích lớn rừng để UBND xã quản lý, khiến áp lực của cán bộ, nhân viên tại xã vùng sâu ngày càng nặng nề. Bởi công tác ở đây vốn đã vất vả, thiệt thòi, thì nay lại có thể bị kỷ luật bất kỳ lúc nào nếu để xảy ra mất rừng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng tháng 5/2022, xã Ia Mơr đã để xảy ra 2 vụ phá rừng. Các đối tượng phá rừng chủ yếu là người dân địa phương chặt phá, đốt hàng nghìn cây rừng để lấn chiếm, mở rộng diện tích đất sản xuất.

“Chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét, đánh giá lại thực trạng cũng như phương pháp quản lý bảo vệ rừng cho các địa phương. Cần phải có lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ rừng, còn giao cho địa phương kiều này thì thực sự rất khó khăn”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Xã kêu khó, Sở bảo không "đơn thương độc mã"

Tương tự, xã Hà Tây (huyện Chư Păh) hiện được giao quản lý, bảo vệ 2.400 ha rừng. Số diện tích này được UBND xã giao khoán lại cho các cộng đồng thôn, làng thông qua tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ông Trương Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết, dù có các cộng đồng thôn làng quản lý nhưng quá trình tuần tra bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn do diện tích rừng nằm rất xa, không thể đi hết được. Ngoài ra, khi để xảy ra các vụ phá rừng thì xã cũng không có biện pháp chế tài đối với các nhóm cộng đồng và phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

Cũng theo ông Toàn, hiện xã không có lực lượng chuyên trách nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Điển hình trên địa bàn xã mới xả ra vụ phá rừng phòng hộ lớn ở tiểu khu 185, thuộc địa phận xã Hà Tây (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Theo đó, diện tích rừng bị phá hơn 2,2 ha. Tại đây, cây rừng trên toàn bộ diện tích bị phá đã bị cưa hạ hoàn toàn.

“Chính việc quản lý rừng gặp khó khăn nên năm nào xã cũng bị kiểm điểm và chúng tôi phải chấp nhận chuyện đó. Mong muốn của xã là giao lại rừng cho các ban quản lý để có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Toàn chia sẻ.

Các xã chủ yếu thuê nhân viên thời vụ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Các xã chủ yếu thuê nhân viên thời vụ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Đề cập đến những khó khăn trong việc quản lý bảo vệ rừng cấp xã, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai bảo: Phần lớn các xã đều có tiền dịch vụ môi trường rừng để thuê người dân, các nhóm hộ quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, các xã còn được lực lượng kiểm lâm huyện hỗ trợ. Chưa kể, còn có kiểm lâm địa bàn chịu trách nhiệm cùng với xã thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Nói xã “đơn thương độc mã” trong việc quản lý bảo vệ rừng là chưa chính xác?

Cũng theo ông Hoan, UBND tỉnh đã có chủ trương đến năm 2030, số diện tích rừng do các xã quản lý phải được giao lại cho các chủ rừng là các ban quản lý, công ty lâm nghiệp và các nhóm hộ cộng đồng quản lý, bảo vệ.

“Để hiện thực hóa vấn đề này, cần phải có thời gian, kinh phí để thực hiện đo đạc, cắm mốc, phân chia lại diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, các huyện sẽ phải làm công việc đó thông qua việc giao đất, giao rừng cho các chủ rừng trên diện tích do xã quản lý”, ông Hoan cho biết.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất