| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/hộ làm chuồng trại chăn nuôi

Thứ Sáu 10/11/2023 , 06:15 (GMT+7)

Tỉnh Cao Bằng hỗ trợ người dân làm chuồng trại chăn nuôi để giảm tình trạng nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, giảm ô nhiễm và phòng chống rét vào mùa đông.

Thôn Cà Lò chênh vênh trên những dãy núi đá, người dân vẫn nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thôn Cà Lò chênh vênh trên những dãy núi đá, người dân vẫn nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cà Lò là thôn giáp biên giới của xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc), cách trung tâm xã 32km.

Để đến bản chỉ có những người lái xe máy cừ khôi mới dám đi, còn lại chủ yếu đi bộ. Nếu trời mưa, đi từ trung tâm xã đến Cà Lò cũng mất cả buổi.

Dân bản tất cả là người dân tộc Dao, 100% là hộ nghèo. Bao đời nay, người dân Cà Lò bám bản, giữ đất, bảo vệ biên cương tổ quốc. Sống trên những dãy núi đá vôi trùng điệp, người dân Cà Lò chỉ trồng được ngô, chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò.

Anh Chảo Vần Sang (thôn Cà Lò) cho biết, do địa hình toàn núi đá, không có nguồn nước nên trồng trọt rất hạn chế, chủ yếu chăn nuôi gia súc.

Nhiều đời nay dân bản vẫn buộc trâu, bò dưới gầm nhà sàn. Dù biết mất vệ sinh, nhưng muốn làm chuồng riêng biệt cũng rất khó vì không có đất làm mặt bằng, không có đường ô tô đến bản nên chở vật liệu rất khó khăn.  

Nhu cầu xây dựng chuồng trại gia súc kiên cố ở Cao Bằng rất lớn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nhu cầu xây dựng chuồng trại gia súc kiên cố ở Cao Bằng rất lớn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Những khu vực núi cao của tỉnh Cao Bằng, mùa đông nhiệt độ xuống rất thấp, tình trạng trâu, bò chết rét vẫn diễn ra, nên nhu cầu xây dựng chuồng trại kiên cố, kín gió rất lớn.

Ngoài ra, ở nhiều nơi người dân vẫn nhốt gia súc ở gầm sàn gây mất vệ sinh, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc xây dựng chuồng trại ra xa khu dân cư cũng rất cấp thiết, vừa đảm bảo môi trường sống vừa đáp ứng tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới.

Tại những khu vực vùng núi cao, các xã biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, đời sống người dân còn khó khăn. Chăn nuôi gia súc chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chuồng trại chủ yếu tạm bợ, hoặc nhốt ngay dưới gầm sàn.

Trước năm 2021, tỉnh Cao Bằng có gần 10.000 hộ nhốt gia súc ở gầm sàn nhà. Năm 2021, có hơn 2.600 hộ đã di dời chuồng trại ra khu vực biệt lập, năm 2022 tiếp tục có gần 2.300 hộ thực hiện.

Riêng năm 2023, tính đến đầu tháng 9 có 290 hộ đã di dời gia súc ra chuồng trại, đến nay vẫn còn hơn 4.700 hộ nhốt gia súc ở gầm nhà sàn.  

Để hỗ trợ người dân kiên cố hóa chuồng trại, di dời ra xa khu vực nhà ở, tỉnh Cao Bằng đã ban hành chính sách hỗ trợ.

Ngày 30/8/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành nghị quyết hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Cụ thể hóa chính sách này, ngày 6/11/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình chính sách (người hoạt động cách mạng, gia đình thân nhân liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng…).

Về mức hỗ trợ, hộ nghèo và gia đình chính sách 6 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 4 triệu đồng/hộ, các đối tượng khác 2,5 triệu đồng/hộ.

Điều kiện để được hỗ trợ, các hộ thuộc diện nêu trên có nhu cầu xây dựng mới, cải tạo chuồng trại chăn nuôi gia súc khi làm mái chuồng phải lợp bằng vật liệu chắc chắn, nền chuồng cứng khô ráo.

Diện tích xây dựng tối thiểu 5m2/con gia súc, khoảng cách tối thiểu từ chuồng trại đến nhà ở, nguồn nước sinh hoạt trên 5m, hố chứa phân, chất thải phải có mái che không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Chuồng trại kiên cố sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, phòng chống rét cho đàn gia súc vào mùa đông. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chuồng trại kiên cố sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, phòng chống rét cho đàn gia súc vào mùa đông. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, UBND các xã thông báo đến từng thôn lựa chọn những hộ có nhu cầu, thuộc những đối tượng được hưởng thụ chính sách.

Sau đó thôn sẽ tổ chức bình xét, lựa chọn hộ gia đình đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Thôn, xã cũng trực tiếp giám sát việc sử dụng nguồn tiền hỗ trợ có đúng mục đích, hiệu quả không.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.