| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam "gánh" 47 công trình thủy điện

Thứ Năm 05/04/2012 , 08:00 (GMT+7)

Có 1,5 triệu dân, diện tích hơn một triệu ha, tỉnh Quảng Nam hiện có đến 47 công trình thủy điện đã và đang xây dựng.

Có 1,5 triệu dân, diện tích hơn một triệu ha, tỉnh Quảng Nam hiện có đến 47 công trình thủy điện đã và đang xây dựng. Các nhà khoa học lo ngại việc xây thủy điện tràn lan như "đánh cược với thiên nhiên", làm hỏng môi trường.

>> Vụ Thủy điện Sông Tranh 2: Lập phương án sơ tán dân
>> Xả cạn hồ thủy điện Sông Tranh 2 để xử lý thấm
>> Sẽ tổng kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2 

So với các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Nam hiện đứng đầu về số lượng công trình thủy điện với 62 dự án được phê duyệt, tổng công suất lên đến 1,6 triệu MW. Mới đây 15 dự án bị thu hồi giấy phép do chậm triển khai hoặc không hiệu quả, còn lại 47 công trình thủy điện.

Trong số này có 10 thủy điện quy mô lớn, số còn lại quy mô vừa và nhỏ. 3 thủy điện lớn đã đưa vào vận hành sản xuất gồm: Sông Tranh 2 có hồ chứa gần 740 triệu m3 nước, cao trình đỉnh đập 180 m; hồ chứa A Vương 343 triệu m3, cao trình 384 m; ĐăMil 4 có hồ chứa 310 triệu m3, cao trình 262 m.


Mực nước ở hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 xả cạn để xử lý thấm cho đập. Ảnh: Trí Tín.

Trước việc phát triển thủy điện với tốc độ nhanh ở Quảng Nam, đại diện Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM), Cơ quan nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ nhằm đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch lưu vực thủy điện Vu Gia - Thu Bồn, lo ngại: “Hiện lượng phù sa các con sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động. Sông Vu Gia tại trạm quan trắc Thành Mỹ (Nam Giang) bình quân mỗi năm có 460.000 tấn đất, cát bồi lắng”.

Theo ICEM, với lượng bồi lắng như vậy, TP Hội An sẽ là nơi hứng chịu nhiều cơn lũ lớn. Bên cạnh đó, khi thủy điện sông Bung 4 đi vào tích nước (490 triệu m3) thì lưu lượng nước ở sông Bung sẽ cạn kiệt, dẫn đến hạ lưu khô hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô.

Các chuyên gia cho rằng, khai thác nguồn thủy năng đem lại cho con người những lợi ích rất to lớn. Nhiều nước phát triển đã khai thác hầu như triệt để nguồn năng lượng này và trên thế giới không đâu có nguồn thủy năng có thể khai thác được mà người ta lại bỏ qua. Thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Gần đây, do xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), con người có xu hướng giảm dần điện hạt nhân và thay vào đó là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện. Tại Việt Nam, thủy điện giữ vai trò quan trọng, chiếm khoảng 35% tổng sản lượng điện trong nước.


Việc tái định người dân trong vùng dự án thủy điện tại các khu vực đầu nguồn đã gây áp lực lớn cho rừng phòng hộ ở Quảng Nam. Ảnh: Trí Tín.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy hội Đập lớn Thế giới nhận định, phát triển thủy điện là chủ trương đúng. Tuy nhiên việc quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành thủy điện còn lỏng lẻo. "Ai cũng có thể đứng ra xây và vận hành đập, các yêu cầu kỹ thuật bị coi thường, không quan tâm gì đến hiệu quả sử dụng tổng hợp nguồn nước, trong đó có việc giảm nhẹ thiên tai, lợi dụng phá rừng bừa bãi", ông nói.

Theo giáo sư Giang, không thể khoán trắng sinh mạng của hàng chục nghìn người dân cùng với những tài sản, kết cấu hạ tầng quốc gia ở hạ du của đập cho các doanh nghiệp thủy điện vì mối quan tâm hàng đầu của họ là lợi nhuận.

Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hầu hết đập thủy điện là những công trình có quy mô lớn. Với diễn biến suy giảm nguồn nước đến, nhu cầu dùng nước của vùng hạ du ngày càng tăng cùng với những bất thường của lũ lụt trong thời gian gần đây, một số chuyên gia cho rằng cần xem xét điều chỉnh để bổ sung nhiệm vụ cấp nước vào mùa khô hạn và phòng lũ cho các hồ chứa thủy điện.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên phó tổng thư ký Hiệp hội sông Me Kong khẳng định: “Nếu xây dựng thủy điện đáp ứng nhu cầu phát triển đa mục tiêu thì chi phí rất đắt đỏ chứ không thể rẻ. Phát triển thủy điện tràn lan như hiện nay thì chẳng khác nào đánh cược với thiên nhiên, làm gia tăng hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa lũ".

Do bất cập trong quá trình tái định cư cho người dân của chủ đầu tư, trong vòng 5 năm qua, tính riêng ở lưu vực thủy điện Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước) và thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) người dân đã phát nương, làm rẫy, phá rừng để trồng cây nguyên liệu với tổng cộng 108 ha gỗ rừng quý hiếm bị cưa hạ.

Sau sự cố rò rỉ, thấm dột đập thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam đang lập phương án tổng kiểm tra tất cả công trình thủy điện trên địa bàn nhằm phòng ngừa thảm họa cho người dân vùng hạ lưu vào mùa mưa lũ sắp tới.

Theo vnexpress

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất