| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh cấm đầu cơ, 'phát canh thu tô' mặt nước nuôi biển

Chủ Nhật 31/03/2024 , 15:52 (GMT+7)

Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện giao khu vực nuôi biển; tránh tình trạng đầu cơ mặt nước, 'phát canh thu tô', tạo lợi ích nhóm…

Quảng Ninh cấm tình trạng đầu cơ, ‘phát canh thu tô’ mặt nước nuôi biển. Ảnh: Kiên Trung.

Quảng Ninh cấm tình trạng đầu cơ, ‘phát canh thu tô’ mặt nước nuôi biển. Ảnh: Kiên Trung.

Cấm đầu cơ

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản gửi 9 địa phương có biển trong địa bàn tỉnh quy chế phối hợp triển khai công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện thủ tục cấp phép, giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản.

Tính đến ngày 20/2/2024, mới có 8 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã gửi hồ sơ xin cấp phép nuôi trồng thủy sản, đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển. Tuy nhiên, qua rà soát, hầu hết hồ sơ thiếu thành phần theo quy định, chưa đủ điều kiện để thẩm định (không có thuyết minh dự án, sơ đồ…); một số hồ sơ có sự chồng lấn về ranh giới khu vực biển đề xuất hoặc trên khu vực biển đề xuất đã có cơ sở nuôi trồng thủy sản khác, không có mặt bằng sạch.

Bài liên quan

Để đảm bảo sự thống nhất, nhanh gọn, chính xác trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, giảm bớt trình tự thủ tục hành chính, Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị các địa phương ven biển gồm Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái khẩn trương hoàn thiện đề án/phương án và bản đồ/sơ đồ sử dụng không gian biển nuôi trồng thủy sản, có ý kiến tham gia của các Sở, ngành liên quan.

Sở này lưu ý các địa phương trên cần xác định cụ thể vị trí, ranh giới, tọa độ các khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển tập trung và phân tán; khu vực biển bố trí sắp xếp cho đối tượng chính sách và tổ chức HTX, cá nhân ở địa phương hoạt động nuôi trồng thủy sản và khu vực biển dành thu hút đầu tư nuôi trồng thủy sản công nghiệp.

Rong sụn, hàu sữa đang là hai giống nuôi chủ lực ở biển Vân Đồn, Quảng Ninh.

Rong sụn, hàu sữa đang là hai giống nuôi chủ lực ở biển Vân Đồn, Quảng Ninh.

Ngoài ra, phải tham gia ý kiến cụ thể bằng văn bản đối với đề xuất của từng hồ sơ xin cấp phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển của doanh nghiệp, HTX, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng huyện; Quy hoạch không gian biển đang được xây dựng; đề án/phương án nuôi trồng thủy sản biển của địa phương và đảm bảo không chồng lấn với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác cũng như không chồng lấn với hiện trạng của các cơ sở nuôi trồng thủy sản khác trong ranh giới đề xuất.

Xây dựng phương án, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo thứ tự ưu tiên và sắp xếp khu vực biển thu hút các dự án đầu tư nuôi biển công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với các trường hợp là cá nhân xin giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản trong phạm vi 3 hải lý thuộc thẩm quyền cấp huyện, cần rà soát kỹ, lựa chọn đối tượng theo những tiêu chí về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nuôi trồng thủy sản, cam kết sử dụng khu vực biển được giao đúng mục đích; ưu tiên các đối tượng theo thứ tự diện chính sách, người địa phương… và áp dụng hạn mức giao khu vực biển theo đúng quy định; đảm bảo khách quan, minh bạch.

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản trên biển theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Nuôi hàu thả dây trên lồng bè ở Vân Đồn - Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung.

Nuôi hàu thả dây trên lồng bè ở Vân Đồn - Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung.

Sở NN-PTNT lưu ý, các địa phương có biển cần nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu kiện tại địa bàn quản lý liên quan đến lĩnh vực thủy sản; không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương giao khu vực biển để đầu cơ mặt nước, tổ chức “phát canh thu tô”, tạo lợi ích nhóm; không để diễn ra tình trạng vận động, lôi kéo khiếu kiện đông người, vượt cấp, chống chủ trương, khiến mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương và của tỉnh.

Đối với chủ trương khuyến khích các hộ cá thể nuôi biển thành lập các hợp tác xã, Sở yêu cầu quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, đảm bảo việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động… theo đúng quy định của Luật HTX; khuyến khích các HTX đang hoạt động trên địa bàn sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, phương thức quản lý, sản xuất… nhằm nâng cao hiệu quả của HTX về kinh tế, xã hội, góp phần hình thành và là đầu tầu dẫn dắt các chuỗi liên kết sản xuất nuôi biển.

Thủ tục cần biết để được giao biển

Từ giữa năm 2023, hai Sở TN-MT, NN-PTNT Quảng Ninh đã thống nhất ban hành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục tổ chức sản xuất, cấp phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản; xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè.

Tại Hướng dẫn, liên ngành Quảng Ninh cho biết, đối với cá nhân chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng hoặc cá nhân thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng cần được UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận. Tuy nhiên, khuyến khích liên kết sản xuất trong nuôi trồng thủy sản trên biển từ sản xuất giống, cung ứng thức ăn, nuôi thương phẩm, sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn các cá nhân cam kết tham gia liên kết trong mô hình hợp tác xã.

Nuôi biển đang được Quảng Ninh kỳ vọng là một ngành hàng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, lâu dài, đa giá trị. Ảnh: Kiên Trung.

Nuôi biển đang được Quảng Ninh kỳ vọng là một ngành hàng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, lâu dài, đa giá trị. Ảnh: Kiên Trung.

Đối với quy mô tổ chức sản xuất lớn, quy mô sản xuất tối thiểu từ 15-100ha thực hiện theo QĐ số 35 của UBND tỉnh, khuyến khích đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nuôi đa loài, đa ngành kết hợp các đối tượng cá biển, nhuyễn thể, rong biển, các đối tượng bản địa và trải nghiệm…

Thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè, bộ hồ sơ gồm Đơn đăng ký (Mẫu số 29.NT Nghị định số 26); bản thuyết minh dự án nuôi trồng (mẫu số 30); báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc giấp phép môi trường/đăng ký môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Trường hợp miễn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là các dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dich vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300kg/ngày; hoặc phát sinh nước thải dưới 0,5m3/ngày; khí thải dưới 50m3/giờ được xử lý bằng công trình, thiết bị xử lý tại chỗ); sơ đồ khu vực biển kèm theo tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao.

Thời hạn giải quyết tối đa là 37 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, không bao gồm thời gian kiểm tra thực địa và xin ý kiến các đơn vị liên quan.

Nghị định 11/2021 của Chính phủ quy định: Bộ TN-MT giao khu vực biển có thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản đối với khu vực biển có phạm vi nằm ngoài vùng biển 6 hải lý; khu vực biển có pham vi thuộc 2 hay nhiều tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có biển hoặc một phần diện tích nằm trong vùng 6 hải lý và một phần nằm ngoài vùng biển 6 hải lý; khu vực giao để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; khu vực biển do nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị giao để nuôi trồng thủy sản.

Thời hạn giao khu vực biển không quá 30 năm. Khi hết thời hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng được Nhà nước xem xét gia hạn không quá 20 năm.

Tiền sử dụng khu vực biển: trong vùng 6 hải lý và vùng biển liên vùng: 7,5 triệu đồng/ha/năm; từ ngoài 6-9 hải lý: 7 triệu đồng/ha/năm; 9-12 hải lý: 6 triệu đồng/ha/năm; từ 12-15 hải lý: 5 triệu đồng/ha/năm; ngoài 15 hải lý: 4 triệu đồng/ha/năm.

Đối với các trường hợp khu vực biển được giao nằm ở hai hoặc ba, hay nằm ở cả 4 vùng trên, tiền sử dụng khu vực biển được xác định theo mức thu tiền cho từng phần diện tích tương ứng với từng vùng cộng lại.

Ngày 1/4, Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Sự kiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam phát trực tiếp trên các nền tảng đa phương tiện.

Quý vị có thể tham dự qua zoom. ID: 939 8269 4473. Mật mã: 202404

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm