Níu kéo vụ rau Tết
Ảnh hưởng của bão số 6 đã gây trận lũ lớn với bà con vùng Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Sau lũ, nước rút chậm, ảnh hưởng đến việc gieo trồng vụ rau xuân sớm phục vụ dịp Tết Nguyên đán cận kề. Bà con nông dân các xã vùng cát ven Quốc lộ 1A như Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy… (huyện Lệ Thủy) đã tranh thủ làm đất vùng rau khi nước chớm rút để kịp xuống giống rau màu.

Thời tiết không thuận lợi tác động xấu đến vụ rau xuân sớm phục vụ Tết Nguyên đán của bà con vùng cát huyện Lệ Thủy. Ảnh: L. Tình.
Nhiều bà con đã “lách” lịch vụ rau bằng cách gieo cây giống mướp đắng, bầu, bí, cà chua… vào bầu ở vùng đất cao đúng vào thời điểm và chăm sóc. Đợi đến khi nước rút thì khẩn trương làm đất, bón phân và đưa cây giống đã lên xanh xuống ruộng.
Anh Nguyễn Tài (xã Hồng Thủy) có khoảng 3 sào ruộng trồng các loại mướp đắng, đậu cô ve… Khi nước lũ rút khỏi ruộng thì các loại cây giống gieo trong bầu đã lên hơn gang tay người lớn. “Lúc đưa cây ra ruộng thì đã cắm giàn cho leo được rồi. Làm như vậy cũng rút ngắn được thời gian và cây ra quả bán được vào dịp Tết. Tuy nhiên, khi cây leo giàn chuẩn bị ra hoa thì gặp trận mưa lạnh kéo dài. Cây bị chững lại không phát triển được trong tiết trời giá lạnh", anh Tài nói.
Cũng theo người đàn ông này, dù bà con đội mưa lạnh chăm bón nhưng chỉ còn hơn tháng nữa thì khó có thể thu hoạch rau vụ Tết", anh Tài lo lắng nói thêm.
Lội ruộng mò cây, củ giống vụ xuân sớm
Nhiều bà con ở vùng cát, nơi chuyên trồng rau, đậu… bán vào dịp Tết đang lo lắng vì thời tiết bất thường. Ông Võ Minh Nết, Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất rau sạch Hòa Luật Nam (xã Cam Thủy), cho hay, bà con có tổng diện tích trồng rau màu khoảng 3ha đã xuống giống và theo lịch thì thu hoạch vào dịp Tết để có tiền chi tiêu.
Nhưng do thời tiết cực đoan mưa lạnh kéo dài khiến cây trồng có hiện tượng chết úng. Mặt khác, cây ăn lá hay cây lấy quả đều bị chậm phát triển. Bà con cũng đợi cho đợt lạnh chấm dứt thì tăng cường vô phân, chăm bón để cây trồng vượt lên và hy vọng lứa thu hoạch bói sẽ trước Tết.

Bà con lội nước nhổ cây giống để cây không bị thối rễ. Ảnh: L. Tình.
Những vùng ruộng thấp ở xã Hồng Thủy bị nước mưa làm ngập cục bộ. Từ sáng sớm, bà con đội mưa lạnh xuống ruộng mò tìm cây su hào, hành… để nhổ lên đưa về nhà.
Bà Nguyễn Thị Liên (xã Hồng Thủy) nhổ cây su hào lên trồng tạm ở vạt đất cát sát tường nhà bếp. Vừa làm bà vừa cho hay, những giống cây nếu bị ngập trong nước thì rễ, củ giống sẽ bị “lầy” (tức là thối rữa).
“Giải pháp của bà con là phải nhổ lên, ươm tạm vào vùng đất cát xổi cho cây sống. Khi mưa ngớt, nước rút thì bà con cào xới lại đất và đưa cây ra trồng lại. Nếu không thì không còn giống để tái trồng và thất thu vụ rau", bà Liên bộc bạch thêm. Nhiều ruộng trồng hành bán vào dịp Tết cũng lội ruộng bì bõm lội, lần mò từng luống để móc củ giống mang về.

Cây rau màu được trồng tạm trên vùng đất cao, đợi khi nước rút là bà con đưa trồng xuống ruộng. Ảnh: L. Tình.
Ông Nguyễn Thả (xã Hồng Thủy) bưng rổ nhựa đựng củ hành giống lên khỏi ruộng, cho hay: “Đến nay không còn củ hành giống để mua nữa. Giống hành là do bà con tự để lại chứ không có đơn vị nào cung ứng củ giống vì bảo quản rất khó”. Để có củ giống cho vụ sau và có sản phẩm bán dịp Tết thì bà con chỉ có cách này thôi. Tuy không thể thu hồi củ giống về hết nhưng dù sao vẫn còn hơn để nó thối dưới ruộng.
Theo ông Nguyễn Ánh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, diện tích rau màu xuân sớm thu hoạch vào dịp Tết của bà con trong xã có trên 200ha. Hàng năm, từ diện tích trồng rau màu phục vụ Tết, mỗi gia đình có thu nhập đến vài chục triệu đồng nên bà con rất chú tâm chăm sóc. Dù thời tiết không thuận lợi, họ vẫn cố hết sức để giữ giống và sẽ bón thúc phân, xới đất phục hồi nhanh cây trồng.