Trước đó, năm 2017, Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Vài câu chuyện rất thú vị để thấy rằng, ở quốc đảo nghèo khó này, không gì là không thể.
Gần nhưng xa
Papua New Guinea là đất nước nào, ở đâu? Chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi như vậy. Quốc đảo này nằm không xa Việt Nam, chỉ có 8,5 triệu dân (mật độ dân số 19 người/km2) nhưng sử dụng đến 850 thổ ngữ. Chỉ có 18% dân sống ở thành thị, còn lại là ở những vùng nông thôn, rừng rậm và còn lưu giữ nhiều phong tục bí ẩn, rùng rợn. Năm 2012, truyền thông thế giới đưa đậm tin việc cảnh sát nước này bắt giữ băng nhóm 29 người thuộc giáo phái ăn thịt người. Nhiều bộ tộc trong rừng hiện nay còn lưu giữ xác người được hun khô bằng khói bếp.
Loạt phóng sự của tác giả Hiệu Minh đăng trên báo Tiền Phong từ năm 2009 (Papua New Guinea - từ thổ dân đến nền văn minh) là những bài viết hiếm hoi đầu tiên đề cập đến một quốc đảo nằm trên Thái Bình Dương với những thổ dân tóc xoăn, da màu. Tác giả đã nhận được những lời khuyên khi tới Papua New Guinea - tốt nhất là ăn mặc rách rưới và dơ bẩn khi bước ra đường phố; chỉ sử dụng xe của văn phòng dù di chuyển từ nơi làm việc tới khách sạn chỉ 300 mét, không ra khỏi khách sạn vào ban đêm, bị giật túi xách trên phố là chuyện nhỏ… vì tỷ lệ tội phạm ở đây cao nhất thế giới.
Papua New Guinea nằm giữa Indonesia và Australia. Từ năm 2015, cái tên này bắt đầu được nhắc nhiều lần trên các kênh truyền thông ở Việt Nam. Lý do ngư dân Quảng Ngãi đã vượt biển Đông ra vùng Nam Thái Bình Dương và tới Papua New Guinea để lặn hải sâm, sau đó nhiều tàu cá đã bị bắt. Các ngư dân khi được thả về đã kể lại khung cảnh một đất nước lạc hậu, nếu ai bị đau ốm, dù là cảm cúm, sốt, hay đau bụng thì cũng đều được cấp nắm thuốc Lincomycin. Đây là loại kháng sinh điều trị cho người bị nhiễm khuẩn nặng và ở Việt Nam hay được kê đơn cho người bị thương, bệnh lậu, giang mai.
Nếu tra cứu trên mạng sẽ gặp câu hỏi “Papua New Guinea ở đâu?” nhiều nhất là vào thời điểm cách đây 1 năm, nhân sự kiện vị đại sứ của đất nước này ngồi trong hội trường dự phiên họp chính thức của Liên Hợp Quốc ở New York, đầu đội mũ lông chim của thổ dân, cởi trần trùng trục và chỉ đeo chiếc khố nhỏ xíu, kèm theo một chiếc sừng nhọn hoắt dài tới ngang ngực che đậy chỗ nhạy cảm. Có nhiều tiếng cười, nhiều ý kiến khen, chê vị đại sứ này.
Đại sứ Papua New Guinea ngồi họp tại Liên Hợp Quốc làm dậy sóng cộng đồng mạng có thể chứa đựng thông điệp phía sau |
Nhưng nếu nghiên cứu về Papua New Guinea thì có thể nhận định, lối ăn mặc gây “bão mạng” có thể là thông điệp mà vị đại sứ gửi tới toàn thế giới rằng - Papua New Guinea rất nghèo khổ và đất nước rộng lớn của chúng tôi đang bị lãng quên.
Ánh mắt ngỡ ngàng
Năm 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng, đoàn của Papua New Guinea đã có mặt rất đông, từ các cuộc họp vòng ngoài cho đến khi tổ chức hội nghị chính thức. Ông Jacob Polee Pora Schmiot trao đổi bên lề Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC cho biết, năm tới Papua New Guinea là nước chủ nhà đăng cai APEC, vì vậy chúng tôi sang Việt Nam để học tập kinh nghiệm tổ chức… Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam, thời tiết rất dễ chịu và giống với đất nước tôi.
Đoàn Papua New Guinea tại Đà Nẵng |
Ông Bayagau làm ở Đài phát thanh và Truyền hình quốc gia NBC, dù mới ở tuổi 50, nhưng răng của ông đã rụng mất mấy phần. Do tập tục ăn trầu nên răng của Bayagau đen nâu giống như tập tục nhuộm răng ở Việt Nam cách đây trăm năm. Nhìn Bayagau, tôi liên tưởng lại câu chuyện mà các ngư dân Quảng Ngãi từng bị bắt tại Papua New Guinea kể về việc ở đau bệnh gì cũng cho uống thuốc Lincomycin. Có thể các loại kháng sinh cực mạnh và cuộc sống nghèo khổ ở quốc gia này đã làm cho con người già đi trước tuổi rất nhiều.
Năm phóng viên của Papua New Guinea ngồi chung một bàn tại Trung tâm báo chí APEC và tất cả mọi người đều có thái độ giao tiếp rụt rè. Cô Helen Rei làm ở hãng thông tấn quốc gia Papua New Guinea cho biết, sang Việt Nam thấy cái gì cũng đẹp và chắc các bạn khó có dịp trở lại đất nước này một lần nữa. Câu nói không có dịp quay lại cũng còn một hàm nghĩa khác, vì tuổi thọ bình quân của người dân Papua New Guinea chỉ 65,8 tuổi. Vòng đời của họ quả là quá ngắn. Nguyên nhân khiến cuộc đời họ ngắn hơn, đó là hệ thống y tế yếu kém. Tuần lễ cấp cao APEC vừa được tổ chức tại Papua New Guinea và phía ngoài hội trường là dịch bệnh đang hoành hành.
Cô Lê Thị Thiên An là người hướng dẫn đoàn Papua New Guinea có dáng người cao, làn da trắng, nét mặt dễ nhìn. Anh Freddy Mou đẹp trai nhất trong đoàn Papua New Guinea thỉnh thoảng lại nhìn cô hướng dẫn đoàn, ánh mắt hơi thẫn thờ.
Anh Freddy Mou thẫn thờ trước tình nguyện viên xinh đẹp |
Có khi chị An nói chuyện với Freddy Mou và còn phải kèm theo động tác lấy tay kéo nhẹ áo và giật giật. Lúc đó anh Mou như người sực tỉnh, nhớ ra điều gì đó và mới bắt đầu làm theo, trong khi khuôn mặt vẫn như người chưa tỉnh ngộ.
Quốc gia nghèo khó
Năm 2016, tại Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Lime, thủ đô của Pê Ru, ông Peter O’Neill, Thủ tướng của Papua New Guinea đã có cuộc gặp bên lề với cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và APEC 2017, hai bên tiếp tục gặp song phương và đề cập về việc ngư dân Quảng Ngãi đã sang tận quốc đảo này lặn bắt hải sâm và đất nước bạn vốn nghèo, giờ còn phải lo cơm nuôi các ngư dân bị bắt giam. Sau cuộc gặp gỡ đó, Việt Nam đã mạnh tay xử lý các tàu cá đi sang Papua New Guinea và đến nay tình hình này gần như đã được chặn đứng.
Cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước”, trong đó có quốc đảo Papua New Guinea. Sự kiện nay được đăng báo và ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi đã tổ chức ăn mừng sớm. Vì vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này rộng như biển Đông và ngư dân khai thác cả đời cũng không hết cá tôm.
Chuyên cơ chở đoàn Papua New Guinea rời Đà Nẵng |
Do kinh tế nghèo khó nên Tuần lễ cấp cao APEC 2018 tổ chức tại Papua New Guinea, chính phủ Australia đã cung cấp một phần ba chi phí tổ chức, tổ chức hỗ trợ về hậu cần và đứng ra lo liệu công tác an ninh. Các hãng thông tấn nước ngoài nhận được nhiều câu trả lời phỏng vấn của cư dân là mong APEC sẽ mang lại cho họ cơ hội việc làm tốt hơn, cuộc sống đỡ nghèo khổ.
APEC 2018 kết thúc, có một sự kiện mà truyền thông thế giới đưa tin đậm, khiến nhiều người giật mình, là cảnh sát của Papua New Guinea xông vào tòa nha Quốc hội đập phá, vì lý do số tiền bồi dưỡng trong quá trình bảo vệ APEC là 104 USD chưa được thanh toán đủ. Hành động này có lẽ chỉ là chuyện nhỏ ở Papua New Guinea, đất nước mà người dân vẫn đi chân trần, nhai trầu đỏ và ốm đau chỉ nhận được nắm thuốc kháng sinh.