| Hotline: 0983.970.780

Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ trong tố tụng hình sự

Thứ Hai 05/05/2014 , 09:58 (GMT+7)

Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ trong tố tụng hình sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 13/2013 ngày 26/12/2013.

Bạn đọc gửi từ hòm thư: manhxuan@gmail.com hỏi:

Gia đình tôi là người làm chứng trong vụ đánh nhau dẫn đến chết người. Nay gia đình tôi có nguy cơ bị gia đình bị cáo đe dọa. Gia đình tôi có đơn gửi cơ quan công an xin được bảo vệ. Nay qua chuyên mục tôi muốn biết quyền và nghĩa vụ của gia đình tôi được Nhà nước quy định như thế nào, để nắm chắc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trả lời:

Tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 13/2013 ngày 26/12/2013 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao… hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2013 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự quy định quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ như sau:

 - Quyền của người được bảo vệ: Được cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, vụ án hình sự giải thích về quyền được bảo vệ, được yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình khi có căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại.

Yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể yêu cầu trực tiếp bằng lời nói hoặc thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

Được biết trước về các biện pháp bảo vệ và có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ nếu có căn cứ thực tế cho thấy biện pháp bảo vệ trước đó không bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của họ.

Được đền bù trong trường hợp bị thiệt hại về tài sản; được trợ cấp trong trường hợp bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe theo quy định của pháp luật. 

Đối với trường hợp người được bảo vệ là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người đang làm việc trong các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân, viên chức, chiến sĩ công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân thì không bị điều chuyển, giáng cấp, hạ bậc lương, tiền thưởng ... vì lý do vắng mặt trong thời gian cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp bảo vệ.

- Nghĩa vụ của người được bảo vệ: Chấp hành nghiêm chỉnh những yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về đi lại, ăn ở, sinh hoạt, làm việc, học tập, giao tiếp, thăm gặp và các hoạt động khác. 

Không được tiết lộ thông tin về nơi ở, nơi làm việc, học tập, sự thay đổi hoặc các biện pháp bảo vệ khác cho người khác biết, kể cả thân nhân khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ.

Thông tin kịp thời những vụ việc, tình huống bất thường xảy ra có nghi vấn hoặc có liên quan đến hoạt động bảo vệ của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ. Trong mọi trường hợp nếu người được bảo vệ không chấp hành các nghĩa vụ quy định tại các điều khoản như đã nêu ở phần trên mà bị xâm hại thì phải tự chịu trách nhiệm về tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình.

Trên đây là những quy định chung, bạn nghiên cứu vận dụng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.