| Hotline: 0983.970.780

Quyết tâm ‘hồi sinh’ vùng vải chín sớm Phương Nam

Thứ Hai 30/09/2024 , 07:59 (GMT+7)

Quảng Ninh Bão số 3 đã khiến gần 140ha vải chín sớm Phương Nam gãy đổ, nhiều cây không còn khả năng phục hồi, phải chặt bỏ, trồng mới.

Hơn 140ha vải chín sớm tại phường Phương Nam bị gãy đổ do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hơn 140ha vải chín sớm tại phường Phương Nam bị gãy đổ do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) được biết đến là vùng trồng vải lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với diện tích hơn 400ha vải chín sớm. Từ cây vải, nhiều hộ dân trong vùng đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Quay trở lại vùng vải sau bão dữ, nhiều hộ dân trồng vải tại phường Phương Nam không khỏi hốt hoảng khi chứng kiến hàng loạt cây vải gãy đổ, xác xơ tiêu điều.

Hơn chục năm trồng vải, ông Nguyễn Xuân Hội hiện có hơn 5.000m2 vải, cơn bão vừa qua đã khiến 40% diện tích vải của nhà ông gãy đổ, trong đó nhiều cây khó có thể cứu sống được.

“Nhìn vườn cây nghiêng ngả, tôi hết sức đau lòng, thế nhưng nếu không nhanh tay khôi phục thì con số thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Với những cây bị đổ, tôi cùng gia đình bồi thêm đất vào gốc và cắt tỉa toàn bộ cành”, ông Hội cho biết.

Đối với cây bị gãy đổ, ông Hội tiến hành cắt bỏ toàn bộ cành. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đối với cây bị gãy đổ, ông Hội tiến hành cắt bỏ toàn bộ cành. Ảnh: Nguyễn Thành.

Không chỉ riêng gia đình ông Hội, các hộ dân trồng vải trên địa bàn phường Phương Nam đều khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp để cứu cây. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều hộ dân tâm sự “biết là mất mát lớn nhưng phải gạt nước mắt, nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất”.

Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương đã hướng dẫn các hộ trồng vải các biện pháp kỹ thuật phục hồi sinh trưởng cho cây vải sau bão. Với những cây bị bật gốc, người dân tuyệt đối không được dựng lại cây, bởi lẽ cây đang sống bằng phần rễ chưa bị tổn thương, nếu dựng lại sẽ khiến phần rễ này bị đứt khiến khả năng phục hồi kém đi, tỉ lệ cây bị chết cao hơn. Đồng thời cắt tỉa toàn bộ cành cây và bổ sung đất vào gốc, nuôi dưỡng rễ phát triển.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng vải, ông Nguyễn Xuân Hội cho biết: “Chúng tôi chỉ tập trung cứu những cây già, 7 - 10 năm tuổi. Cây gãy đổ sẽ để ở thế nằm nghiêng, có như vậy mới giúp bộ rễ ổn định và phát triển tốt. Đối với những cây non từ 1 - 3 năm tuổi, nếu bị gãy đổ thì nên trồng lại cây mới để đảm bảo năng suất và chất lượng cây sau này".

Ông Bùi Văn Trà (áo trắng), Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam hướng dẫn người dân cách khắc phục cây vải gãy đổ sau bão. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Bùi Văn Trà (áo trắng), Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam hướng dẫn người dân cách khắc phục cây vải gãy đổ sau bão. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gần khu vườn của ông Hội, vườn vải của ông Đinh Văn Thuận cũng chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão vừa qua. Ông Thuận vừa cắt tỉa lại những cành cây khô héo vừa tâm sự: “Cũng phải đến nửa vườn bị ảnh hưởng, cây cối cứ đổ nghiêng ngả. Những cây nào lá trút hết xuống thì còn cứu được chứ cây lá còn bám thì xác định là chết. Thiên tai không thể tránh được nên chúng tôi giờ chỉ biết cố gắng khắc phục, hi vọng vụ mùa tới số cây còn lại vẫn cho quả đạt năng suất”.

Những ngày sau bão, ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam lúc nào cũng tật bật trong vườn vải để kịp thời hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc và xử lý cây gãy đổ.

Ông Trà chia sẻ: “UBND phường Phương Nam đã có văn bản hướng dẫn về việc chăm sóc, khắc phục, sớm ổn định sản xuất. Đặc biệt đối với cây vải chín sớm, bên cạnh việc khắc phục cây gãy đổ, chúng tôi đang khuyến cáo bà con tập trung chăm sóc, bổ sung dưỡng chất để cây ra lộc, đảm bảo năng suất cho vụ tới”.

Theo hướng chỉ tay của ông Trà, những cây vải không bị ảnh hưởng nhiều do mưa bão đã ra những chồi non, hứa hẹn sẽ vẫn cho thu hoạch trong vụ tới. 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.