So với các địa phương khác, quýt trồng ở vùng Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh cũ), huyện Trùng Khánh luôn có vị ngọt, thơm pha lẫn vị chua dịu đặc trưng. Nhưng do không có thị trường ổn định, một thời gian dài cây quýt dường như bị người dân bỏ quên và không mặn mà mở rộng diện tích. Từ năm 2008 , với chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và tin tưởng vào đặc sản của địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Trà Lĩnh đã có hàng loạt những biện pháp hữu hiệu, góp phần "đánh thức" cây quýt để tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2013, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng phối hợp với các ngành thực hiện đề tài "Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh". Mục tiêu của đề tài là tạo ra những cây quýt đầu dòng, nhân giống cây sạch bệnh để trồng đại trà trên địa bàn xã Quang Hán và đáp ứng cho nhu cầu trồng tập trung. Năm 2016, quýt Trà Lĩnh được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhờ đó, việc tiêu thụ quýt của người dân thuận lợi hơn, thị trường đầu ra tương đối ổn định. Vào vụ, các thương lái trong và ngoài huyện đến tận vườn thu mua.
Ông Bế Văn Tướng, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán tâm sự: Trước đây, gia đình chỉ trồng chục cây để làm quà biếu người thân, bạn bè. Mấy năm gần đây, tôi chuyển đổi nhiều diện tích đất vườn không hiệu quả sang trồng hơn 1 ha quýt. Từ trồng quýt, mỗi năm gia đình thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Nhờ đó giúp đời sống đổi thay, vươn lên làm giàu chính đáng tại chính mảnh đất ông cha để lại.
Ông Nông Quốc Hưng, Phó Chủ tịch xã Quang Hán thông tin: Từ vài ha đầu những năm 2000, đến nay, toàn xã Quang Hán trồng được hơn 100 ha quýt, trong đó có hơn 40 ha đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xóm: Bản Niếng, Vững Bền, Nà Pò, Pò Máng, Bản Lòa… Năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha, giá trị trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi năm, cây quýt mang lại cho bà con nông dân trong xã Quang Hán hàng chục tỷ đồng. Nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm từ trồng quýt.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, quýt Quang Hán được mùa. Những ngày này, khắp các vườn quýt nhộn nhịp không khí thu hoạch. Tùy kích cỡ, quýt được chia làm nhiều loại. Giá quýt loại 1 quả to, đẹp giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, quả nhỏ giá từ 10.000 - 15.000/kg. Càng gần Tết Nguyên đán, tùy thuộc nhu cầu của thị trường, giá quýt sẽ cao hơn khoảng 30%, thậm chí nhiều năm quýt chín đúng vào dịp tết có giá gấp đôi ngày thường.
Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trùng Khánh khẳng định: Quýt Quang Hán nói riêng và quýt Trà Lĩnh nói chung có những đặc điểm riêng rất dễ phân biệt với quýt của các vùng khác với màu sắc vàng tươi và vỏ bóng, mỏng hơn. Năm 2018, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất quýt theo hướng hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ khâu phục tráng giống đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm bền vững.
"Thực tế thời gian qua cho thấy, cây quýt Trà Lĩnh đã dần trở thành cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu bền vững. Tuy nhiên, với diện tích trồng ngày càng tăng, trong khi giá bán vẫn khá cao so với các loại quýt ở nhiều địa phương khác nên vấn đề đầu ra ổn định sẽ là bài toán khó cho địa phương trong những năm tiếp theo", ông Hải cho biết thêm.