| Hotline: 0983.970.780

Ra mắt sản phẩm cao xoa thảo dược bảo vệ gấu

Thứ Ba 19/03/2024 , 20:43 (GMT+7)

Bên cạnh nỗ lực bảo vệ loài gấu ở phương diện thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật Châu Á đã đã tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu mật gấu từ thảo dược.

TS. Jill Robinson, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á chia sẻ tại lễ khởi động chương trình Bảo vệ loài gấu năm 2024. Ảnh: PT.

TS. Jill Robinson, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á chia sẻ tại lễ khởi động chương trình Bảo vệ loài gấu năm 2024. Ảnh: PT.

Khởi động Chương trình Bảo vệ loài gấu năm 2024

Ngày 19/3, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức lễ khởi động Chương trình Bảo vệ loài gấu năm 2024 tại Hà Nội và ra mắt sản phẩm cao xoa thảo dược Bảo vệ Gấu.

Sự kiện được tổ chức tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội - địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước.

Mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy công tác quản lý hoạt nuôi nhốt gấu tiến tới không còn cá thể gấu nuôi nhốt nào trên địa bàn, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và bảo tồn loài gấu.

Hoạt động được kết hợp với các chương trình cộng đồng giúp cải thiện sức khỏe, môi trường sống văn minh, hài hòa với thiên nhiên.

Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, trong Kế hoạch Bảo vệ gấu tại Hà Nội năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Tổ chức Động vật Châu Á tiếp tục các chuỗi hoạt động và sự kiện tuyên truyền bảo vệ gấu thông qua các buổi tư vấn sức khỏe và phát tặng sản phẩm thay thế mật gấu cho người dân.

Các chương trình thi đua bảo vệ loài gấu sẽ được tổ chức tại các trường học trên địa bàn và thông qua việc xây dựng vườn thảo dược sưu tầm các cây thuốc, lập hệ thống bảng tuyên truyền bảo vệ gấu.

Các hoạt động giáo dục song hành cùng công tác chuyên môn, kiểm tra, rà soát các cơ sở nuôi nhốt gấu đồng thời chủ động vận động các cơ sở nuôi nhốt gấu tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước, phấn đấu vận động, cứu hộ và chăm sóc thêm nhiều các cá thể gấu nhất có thể.

Đại diện của Tổ chức Động vật Châu Á trao tặng chứng nhận cho các bác sĩ y học cổ truyền đã đồng hành cùng chương trình. Ảnh: PT.

Đại diện của Tổ chức Động vật Châu Á trao tặng chứng nhận cho các bác sĩ y học cổ truyền đã đồng hành cùng chương trình. Ảnh: PT.

Bên cạnh nỗ lực bảo vệ loài gấu ở phương diện thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật Châu Á đã tích cực tìm kiếm các giải pháp giảm nhu cầu mật gấu.

Chia sẻ về câu chuyện này, TS. Jill Robinson, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, từ khi bắt đầu cứu hộ gấu, tổ chức đã bắt đầu một hành trình dài để tìm kiếm những giải pháp thay thế cho mật gấu.

Năm 2010, Tổ chức Động vật Châu Á liên hệ với Trung ương Hội Đông y Việt Nam và bắt đầu quá trình hợp tác lâu dài xuất bản 40.000 cuốn sách về 32 loại thảo dược có thể được sử dụng để thay thế mật gấu.

Năm 2016, sản phẩm rượu xoa thảo dược đã được sản xuất từ 5 loại thảo dược có trong sách cây thuốc, vị thuốc nói trên.

Loại thuốc này đã được cộng đồng Phụng Thượng đón nhận và phản hồi tốt trong các buổi tư vấn sức khỏe hàng tháng miễn phí được tổ chức bởi Tổ chức Động vật Châu Á, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các bác sĩ y học cổ truyền tình nguyện.

“Từ những kết quả đó, chúng tôi đã tiến thêm một bước nữa khi hợp tác với Công ty Vũ Gia và Cocoon để phát triển một loại cao xoa thảo dược có hiệu quả tương tự rượu xoa và tiện lợi hơn cho người dùng.

Ngày hôm nay đánh dấu dịp ra mắt cao xoa thảo dược bảo vệ gấu có tác dụng thay thế mật gấu và bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ gấu”, TS. Jill Robinson chia sẻ.

Giảm mạnh số lượng nuôi gấu từ sản phẩm thiên nhiên thay thế

Một khảo sát độc lập từ các thử nghiệm lâm sàng trên 400 người dân xã Phụng Thượng cho thấy, cao xoa thảo dược bảo vệ gấu đã nhận được sự hài lòng và ủng hộ từ cộng đồng.

Qua khảo sát, tỷ lệ gần 80% người dùng cảm thấy hài lòng khi dùng cao, hơn 92% muốn tiếp tục sử dụng cao nếu có cơ hội, hơn 42% người thấy khả năng vận động được cải thiện sau khi dùng cao, hơn 41% người dân thấy cao có tác dụng trong vòng 1 ngày sau khi xoa, 99% người dân thấy cao xoa thảo dược dễ dùng, dễ mở và dễ mang ra ngoài và không có trường hợp nào bôi cao bị tác dụng phụ.

Sản phẩm cao xoa thảo dược bảo vệ gấu có tác dụng tương đồng các loại cao làm từ mật gấu. Ảnh: PT.

Sản phẩm cao xoa thảo dược bảo vệ gấu có tác dụng tương đồng các loại cao làm từ mật gấu. Ảnh: PT.

Sau một thời gian trải nghiệm sử dụng cao xoa thảo dược Bảo vệ gấu, ông Cấn Xuân Phú, Trưởng thôn 3, xã Phúc Thượng nhìn nhận, cao có tác dụng tương ứng mật gấu trong trị nhức xương khớp. Bà con rất hưởng ứng chương trình, tham dự lễ khởi động hôm nay có hơn 40 hộ trong tổng số 55 hộ của cả thôn tham gia.

Bên cạnh đó, ông Phú cũng cho biết, lực lượng kiểm lâm tại địa phương thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền bà con không trích hút mật gấu, chuyển sang sử dụng các loại cao thảo dược.

Trước đây, gần như mỗi hộ trong thôn đều nuôi gấu, từ năm 2003 - 2004 đến nay, số lượng hộ nuôi gấu trong thôn đã giảm mạnh chỉ còn khoảng hơn 10 hộ.

Nhiều hộ trong thôn đã tự nguyện giao gấu lại cho lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, thôn cũng còn những hộ do số tiền mua gấu và gây nuôi từ lúc bé quá lớn nên mong muốn có khoản hỗ trợ từ Nhà nước thỏa đáng.

Các bác sĩ y học cổ truyền đang thăm khám, tư vấn sức khỏe cho bà con thôn 3, xã Phúc Thượng. Ảnh: PT.

Các bác sĩ y học cổ truyền đang thăm khám, tư vấn sức khỏe cho bà con thôn 3, xã Phúc Thượng. Ảnh: PT.

Là một trong những bác sĩ y học cổ truyền tình nguyện đồng hành cùng chương trình, ông Trịnh Kim Lăng, Hội Đông y Cầu Giấy cho biết, việc chú trọng tuyên truyền cho bà con về tác hại của uống rượu và sử dụng các sản phẩm từ mật gấu là công tác quan trọng. Mặc dù cao mật gấu có những tác dụng nhất định trong xoa bóp, nhưng cũng có nhiều loại cỏ cây khác có tính chất tương đồng.

“Khi đã chứng minh cho bà con thấy tác dụng của nhiều loại cỏ cây sau khi bào chế thành cao có tác dụng ngang với cao mật gấu thì không cần tuyên truyền nhiều bà con cũng sẽ tự từ bỏ dùng cao mật gấu.

Sự phối hợp của các thành phần tự nhiên trong chế phẩm cao xoa thảo dược giúp hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đau nhức do nhiều nguyên nhân: thấp khớp, nhức mỏi gân xương, bị thương, bị ngã, bong gân”, bác sĩ Lăng nói.

Chế phẩm cao xoa Bảo vệ gấu được kỳ vọng là sản phẩm tuyên truyền hiệu quả, hỗ trợ cho các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng của Tổ chức Động vật Châu Á trên quy mô cả nước, phấn đấu vì mục tiêu cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu nuôi nhốt còn tồn tại, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật vào năm 2026.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ. Ảnh: PT.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ. Ảnh: PT.

Đầu năm 2024, Tổ chức Động vật Châu Á hợp tác với Bộ NN-PTNT với đại diện là Cục Kiểm lâm đã vận động và cứu hộ thành công thêm một gấu ngựa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, đưa tổng số gấu đã cứu hộ được từ Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội lên 18 cá thể.

Hai đơn vị đang thực hiện 2 dự án xây dựng “Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam” tại Vườn Quốc gia Tam Đảo và Vườn quốc gia Bạch Mã với diện tích mỗi trung tâm khoảng 12ha, hai trung tâm có khả năng tiếp nhận tối đa 300 - 500 cá thể.

Sau gần 20 năm thực hiện công tác cứu hộ gấu tại Việt Nam, đến nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ được 273 cá thể gấu (bao gồm gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 197 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo và 5 cá thể gấu được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.