Ra mắt sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao
Ngày 4/4 tại An Giang, Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Sở NN-PTNT tỉnh An Giang tổ chức hội thảo giới thiệu quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Đây là sự kiện nhằm triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Từ đó hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Đồng thời, Cục Trồng trọt thông qua quyết định ban hành quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, xem đây là phương pháp xâu chuỗi ban đầu rất quan trọng cho người trồng lúa để nắm rõ và hiểu để làm theo.
Bên cạnh đó còn có các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau tạo thành hệ thống hoàn chỉnh đồng bộ áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án. Qua đó góp phần đạt mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân, tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí nhà kính phát thải.
TS Nguyễn Văn Hùng, nhà khoa học cấp cao của IRRI khuyến cáo, trong Đề án phát triển lúa chất lượng cao, khâu sạ hàng hay sạ cụm bằng máy kết hợp vùi phân (mDSR) là yếu tố rất quan trọng nhằm thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân tại ĐBSCL. Kỹ thuật này vừa giúp giảm lượng giống còn 60kg/ha, vừa thay đổi hành vi nông dân chuyển sang sử dụng giống xác nhận và kết hợp vùi phân chỉ còn bón 2 lần, với lượng bón 70 - 80kg đạm/ha (giảm 20% so với sạ lan). Từ đó kéo theo giảm áp lực sâu bệnh thông qua mật độ gieo sạ tối ưu và quản lý cỏ dại tổng hợp, giảm đổ ngã thông qua mật độ gieo sạ tối ưu và quản lý dinh dưỡng cân bằng.
Bên cạnh những kỹ thuật vừa nêu, người sản xuất lúa chất chất lượng cao phải áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để thực hiện điều tra dự tính, dự báo, phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời các loại sâu, bệnh hại trên lúa.
TS Hùng đồng thời khuyến cáo nông dân áp dụng nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc BVTV (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Luân phiên sử dụng các nhóm hoạt chất khác nhau để hạn chế tình trạng kháng thuốc. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc.
Khi nông dân tham gia trong Đề án, phải tuân thủ không đốt rơm rạ sau thu hoạch để đảm bảo tính đa dạng sinh học và tính bền vững trong canh tác lúa. Không vùi rơm rạ trên ruộng ngập nước để giảm phát thải khí Metan (CH4). Khuyến khích sử dụng rơm rạ trong sản xuất nấm rơm, thức ăn gia súc, phân bón sinh học/phân hữu cơ.
Nâng chất HTX tham gia trong Đề án
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Hiện nay ngành hàng lúa gạo của tỉnh An Giang nói riêng và cả khu vực ĐBSCL nói chung có nhiều thuận lợi về giá cả, về thị trường, nhất là nông dân từng bước đã có sự thay đổi về tập quán sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, ngành hàng sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL. Thứ 2, giá thành sản xuất lúa những năm gần đây luôn có xu hướng tăng do chi phí đầu vào tăng nhanh, dẫn tới thu nhập của người trồng lúa về lâu dài có xu hướng giảm. Thứ 3, chưa có nhiều công nghệ thực sự có hiệu quả cao nhằm giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính. Thứ 4, việc đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo mô hình tuần hoàn, khép kín còn rất hạn chế.
Do đó, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL phát triển lúa gạo theo hướng bền vững, gắn với tăng trưởng xanh.
Từ đó người trồng lúa, HTX sẽ tiếp cận được các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh. Đây là điều kiện rất quan trọng của Đề án. Cùng với sự quyết liệt chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, đặc biệt sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT trong triển khai Đề án sẽ giúp ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ theo hướng chất lượng, ổn định, bền vững hơn và tích hợp được đa giá trị, tăng lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo Sở NN-PTNT An Giang, hàng năm An Giang sản xuất trên 600 ngàn ha lúa, cho sản lượng khoảng 4 triệu tấn, đóng góp cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phục vụ cho xuất khẩu. Những năm qua, với nguồn lực địa phương, An Giang đã tăng dần diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, nhất là đẩy mạnh canh tác lúa theo quy trình “1 phải 5 giảm” nhằm tiến đến giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Việc liên kết tiêu thụ cũng được tỉnh thực hiện quyết liệt, toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với gần 100 ngàn ha lúa được các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ (chiếm khoảng 16% diện tích sản xuất lúa của tỉnh), qua đó giúp chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ngày càng phát triển và đóng góp lớn vào mục tăng trưởng của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được Chính phủ, bộ ngành và các địa phương rất quan tâm nên cần phải xây dựng Đề án phải bài bản, khoa học để mang lại kết quả tốt cho người trồng lúa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng chất HTX tham gia trong Đề án, xem HTX là chủ lực để liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng Đề án.
Ngoài ra lực lượng quan trọng không thể thiếu đó là củng cố chất lượng tổ khuyến nông cộng đồng, đây là lực lượng chính đồng hành xuyên suốt trong Đề án để hướng dẫn quy trình canh tác lúa gạo cho HTX và nông dân, nắm thông tin, báo cáo tiến độ của Đề án, phối hợp với IRRI công bố quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao...
“Vấn đề đặt ra là phối hợp triển khai Đề án như thế nào. Rất mong các tổ chức quốc tế phối hợp tập huấn cho nông dân để triển khai Đề án đạt hiệu quả cao nhất, các địa phương cùng doanh nghiệp và HTX cần tham gia tích cực vào Đề án”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.