Quan trọng
REDD+ (Reduced Emission from Deforestation and Forest Degradation) là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ quá trình biến đổi khí hậu thông qua năm hoạt động gồm: Giảm phát thải thông qua nỗ lực giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các bon, tăng cường trữ lượng các-bon và quản lý rừng bền vững.
Trên cơ sở ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng thế giới, để điều phối và phân chia nguồn thu tương ứng UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ phân phối sẽ chỉ đạo các chủ rừng, các bên liên quan tham gia thực hiện thỏa thuận theo các điều khoản ràng buộc.
Thực hiện REDD+ được chia làm 3 giai đoạn, đầu tiên là xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia, xây dựng năng lực, chính sách cho REDD+. Hai là thực hiện các chiến lược, kế hoạch và chính sách, thử nghiệm chi trả, tiếp tục xây dựng năng lực, kỹ thuật. Cuối là triển khai REDD+ trên toàn quốc, các kết quả được đo đạc, báo cáo và thẩm định.
Đến nay REDD+ đã thực hiện xong giai đoạn 1. Giai đoạn này, Việt Nam đã thực hiện được các yêu cầu của REDD+ là: Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP) năm 2012; Xây dựng mức phát thải tham chiếu/đường phát thải cơ sở về rừng (FREL/REL); Xây dựng Hệ thống giám sát rừng quốc gia và Hệ thống đo lường, báo cáo, kiểm chứng (MRV); Xây dựng Hệ thống thông tin đảm bảo an toàn (SIS) và Báo cáo tóm tắt về đảm bảo an toàn (SoI).
Đặc biệt là đã xây dựng Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, được Quỹ các bon (FCPF) thông qua tại hội nghị về chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris tháng 2 năm 2018.
Đến nay, REDD+ đã chuyển sang giai đoạn 2 là thực hiện Đề án dựa trên Thỏa thuận chi trả Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), chương trình được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN-PTNT (Cơ quan thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ) và Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách là cơ quan được FCPF ủy thác.
Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) với tổng số tiền là 51,5 triệu USD.
Cần biết rằng, nếu áp dụng Khoản 3 Điều 61 Luật Lâm nghiệp về việc xác định giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững là một loại dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa quy định, hoặc hướng dẫn cụ thể việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải từ rừng và cơ chế tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn thu này, do đó cần được điều chỉnh, bổ sung để thí điểm thực thi ERPA.
Tín hiệu tích cực
Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 về Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng (REDD+)”– gọi tắt là PRAP. Sau đó đã phê duyệt cập nhật tại Quyết định số 4611/QĐ-UBND ngày 16/10/2018.
Địa phương đã kiện toàn và bổ sung nhiệm vụ thực hiện REDD+ cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Cùng với đó là việc thành lập Ban quản lý dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2 tỉnh Nghệ An từ 2017-2020 do Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp hỗ trợ.
Quá trình triển khai đã tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo tuyên truyền REDD+ gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho cán bộ quản lý các cấp tại 12 huyện và 56 xã trong vùng thực hiện REDD+ thu hút hơn 3.000 lượt người tham gia…
Trên thực tế, thông qua chương trình này đã hỗ trợ 150 máy tính bảng, đồng thời tổ chức tập huấn cho các đơn vị quản lý lâm nghiệp (Kiểm lâm, Quỹ BV&PTR, Đoàn ĐTQH lâm nghiệp, các chủ rừng); tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn năng suất cao, khôi phục tu bổ rừng tự nhiên cho cán bộ kỹ thuật của các chủ rừng và các đơn vị liên quan trên địa bàn.
Ngoài ra, địa phương còn tích cực tham gia xây dựng Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì.
Về kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, theo cam kết Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng báo cáo trên 3 giai đoạn: 2018-2019; 2020-2022 và 2023-2024.
Báo cáo kết quả kỳ đầu sẽ hoàn thành và gửi WB chậm nhất vào ngày 22/01/2021, kỳ hai chậm nhất vào ngày 15/02/2023, kỳ ba chậm nhất ngày 15/02/2025. Ngân hàng thế giới sẽ thẩm định kết quả theo kỳ và thanh toán/chi trả (không tạm ứng). Thời gian thẩm định cho mỗi kỳ tối đa là 6 tháng, tính từ thời điểm nhận được báo cáo.
Lúc này nhiều nội dung trọng tâm đã và đang được Bộ NN-PTNT triển khai, điển hình như xây dựng, ban hành hướng dẫn triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải; tổ chức quản lý, thực hiện việc tiếp nhận và chi trả kết quả nguồn thu từ dịch vụ giảm phát thải; rà soát vị trí việc làm và phân công nhiệm vụ tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.