| Hotline: 0983.970.780

Sacombank để mất 46,9 tỉ đồng: Thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho khách hàng

Chủ Nhật 02/04/2023 , 12:13 (GMT+7)

Thực hiện 12 lệnh giao dịch ngoài giờ hành chính, nhân viên Sacombank cấu kết với nhau rút trộm của khách hàng 46,9 tỷ đồng. Sacombank lại thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho khách...

Bà Hồ Thị Thuỳ Dương (SN 1977, trú tại phường Cam Phú, Tp Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) đã có đơn kêu cứu gửi Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) về việc mình đang là nạn nhân của Ngân hàng Sài Gòn – Thương tín (Phòng giao dịch Sacombank Khánh Hoà, Chi nhánh Khánh Hoà) khi bị mất 46,9 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng này mà không hề thực hiện giao dịch hay có uỷ nhiệm chi trong một thời gian ngắn (từ 4/5 – 14/6/2022).

Theo vụ việc: bà Dương làm nghề kinh doanh, buôn bán tôm giống. Để thuận tiện cho công việc làm ăn, bà mở tài khoản ngân hàng Sacombank tại Phòng giao dịch Cam Ranh (Chi nhánh Khánh Hoà) và là khách thường xuyên của ngân hàng, số lần/số tiền giao dịch hàng ngày của bà Dương thực hiện là rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng.

Phòng giao dịch Sacombank chi nhánh Cam Ranh (Khánh Hoà).

Phòng giao dịch Sacombank chi nhánh Cam Ranh (Khánh Hoà).

Hàng ngày, bà vẫn tự mình thực hiện các hoạt động giao dịch chuyển khoản, rút tiền qua internetbanking hoặc trực tiếp tại quầy giao dịch. Bà không có bất kỳ văn bản uỷ quyền cho cá nhân nào được thay mặt mình thực hiện các giao dịch chuyển tiền hoặc rút tiền đối với tài khoản trên.

Đầu tháng 10/2022, bà Dương phát hiện tài khoản cá nhân bị thiếu hụt tiền mà không hề thực hiện các giao dịch chuyển hoặc rút tiền cho đối tác nên bà đã đề nghị Sacombank sao kê giao dịch (từ ngày 01/5 đến ngày 21/10/2022) để kiểm tra, đối chiếu các giao dịch thực tế.

Sau khi rà soát, bà Dương nhận thấy có 12 giao dịch được thực hiện ngoài giờ hành chính, ngoài giờ làm việc của ngân hàng (từ khoảng 17h46’ đến khoảng 19h30). Điều đáng nói, bà Dương không hề thực hiện giao dịch theo bất kỳ hình thức nào (internetbanking hoặc giao dịch trực tiếp tại quầy).

12 giao dịch này tương ứng với số tiền bị thâm hụt là 46.900.000.000 VNĐ (46,9 tỷ đồng). Trong số đó, có 3 lệnh chuyển khoản; 8 lệnh rút tiền mặt. Đơn cử: hồi 18h04:00 ngày 24/5/2022, sao kê thể hiện số chứng từ giao dịch (TT22144W4ZMD) thực hiện hình thức “Chuyển khoản” số tiền 11 tỷ đồng.

Nhiều người tập trung tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh yêu cầu đòi tiền hôm 4/11/2022. Ảnh:Vnexpress.

Nhiều người tập trung tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh yêu cầu đòi tiền hôm 4/11/2022. Ảnh:Vnexpress.

“Tôi đã rất tin tưởng và an tâm khi nghĩ rằng tiền của mình được gửi tại tổ chức tín dụng là Ngân hàng Sacombank sẽ an toàn tuyệt đối khi có sự minh bạch, rõ ràng trong các lệnh chuyển tiền, rút tiền, hệ thống báo biến động số dư qua tin nhắn SMS. Tuy nhiên, tôi đã bị một cú sốc không tưởng.

Số tiền bị rút trộm rất lớn, tôi đã báo với ngân hàng nhiều lần nhưng không giải quyết và sự việc rút tiền vẫn tiếp diễn. Điều này cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong khâu quản lý tài khoản của hệ thống ngân hàng Sacombank” – bà Dương cho hay.

Trong 12 giao dịch bị rút trộm tiền gửi cá nhân mang tên bà Hồ Thị Dương, 3 giao dịch rút tiền mặt; 8 giao dịch chuyển khoản tiền đều thực hiện ngoài giờ hành chính, ngoài giờ làm việc của ngân hàng; khách hàng gửi tiền đồng thời là chủ tài khoản khẳng định không hề thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch và cũng chưa bao giờ trực tiếp ra phòng giao dịch để thực hiện. Bà Dương cũng không uỷ quyền cho bất kỳ ai thay mặt mình thực hiện các giao dịch tại ngân hàng.

Ngân hàng đổ lỗi cho khách hàng

Quy trình thực hiện một giao dịch (rút/gửi tiền) tại ngân hàng nói chung đều tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt, bao gồm các bước: Viết giấy rút tiền hoặc xuất trình giấy tờ cá nhân có giá trị để giao dịch viên lập lệnh rút tiền; ký tên trên các chứng từ rút tiền. bảng kê kiểm đếm số tiền rút/nhân viên ngân hàng đối chiếu thông tin, đối chiếu chữ ký mẫu và chữ ký trên giấy rút tiền, sau đó giao dịch viên lập lệnh, ký xác nhận và chuyển cho bộ phận kiểm soát/bộ phận kiểm soát kiển tra chéo thông tin, kiểm tra lệnh rút tiền và chuyển cho bộ phận thủ quỹ để xuất tiền/Bộ phận thủ quỹ xác nhận lệnh chuyển tiền tại quầy giao dịch, chuyển cho cán bộ giao dịch. Khách hàng sau đó mới được thực hiện nhận và kiểm đếm tiền tại quầy giao nhận trước mặt giao dịch viên.

 

Theo quy trình chặt chẽ gồm nhiều bước như thế này, bà Dương cho rằng số tiền của mình không thể bị mất và rút trộm dễ dàng khi việc giao dịch không có mặt của chủ tài khoản tại quầy giao dịch. Các hoạt động rút tiền mặt đều phải thực hiện tại quầy giao dịch và đích thân chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản có văn bản uỷ quyền hợp lệ và đăng ký giao dịch với NH thực hiện chứ không có trường hợp nào chủ tài khoản không có mặt ở quầy giao dịch mà vẫn thực hiện các lệnh rút tiền, chưa nói số tiền rút/chuyển khoản là rất lờn, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, việc kiểm soát càng phải chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, bà Dương đã nhiều lần làm việc với Sacombank yêu cầu giải quyết vụ việc, trả lại tiền cho bà Dương bằng các văn bản: Đơn báo cáo; giấy đề nghị vào các ngày 11/10; 21/10; 26/10/2022.

Bà Dương cho biết, sau khi tiếp nhận đơn, phía Ngân hàng cũng đã có các buổi làm việc nhưng không thực hiện theo đúng quy trình, không lập biên bản ghi nhận nội dung làm việc. Điều đáng nói, tại các buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hà (phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh – hiện đã bị khởi tố, bắt tạm giam) và các cán bộ khác thừa nhận hành vi rút trộm tiền từ tài khoản của bà Dương và xác nhận số tiền rút trộm của bà Dương đến thời điểm thực hiện sao kê là 46,9 tỷ đồng.

“Đây là số tiền bà Dương tạm tính đến thời điểm hiện tại vì còn có rất nhiều khoản chuyển khoản, rút tiền mặt tôi chưa thực hiện tra soát lại. Bà Hà thừa nhận lợi dụng kẽ hở trong khâu quản lý nghiệp vụ ngân hàng, nhận thấy tài khoản của tôi phát sinh nhiều giao dịch trong ngày do tôi nhận mua hộ tôm giống cho nhiều người nên nghĩ tôi lơ là không kiểm soát được các giao dịch nên đã móc nối với các bộ phận khác để thực hiện rút trộm tiền của khách” – bà Dương cho hay.

Đại diện Sacombank qua các buổi làm việc cũng khẳng định sẽ thanh toán và hoàn trả cho tôi số tiền đã bị rút trộm để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm xảy ra sự việc cho tới nay, tôi vẫn chưa nhận được thiện chí trả tiền của phía Ngân hàng, thậm chí còn bị phía ngân hàng gây sức ép.

Sao kê các lệnh giao dịch viên Sacombank rút trộm số tiền 46,9 tỷ đồng của khách hàng Hồ Thị Thuỳ Dương.

Sao kê các lệnh giao dịch viên Sacombank rút trộm số tiền 46,9 tỷ đồng của khách hàng Hồ Thị Thuỳ Dương.

Ngày 22/11/2022, bà Dương tiếp tục gửi yêu cầu Sacombank thực hiện việc hoàn trả tiền bị rút trộm của mình nhưng phía Ngân hàng tiếp tục khất lần, hứa hẹn mà không thực hiện như cam kết, đồng thời yêu cầu khách hàng đợi kết luận của Cơ quan Điều tra vì cho rằng, 12 giao dịch rút trộm tiền từ tài khoản của bà Dương là do bà Dương và cán bộ ngân hàng có quan hệ vay mượn, làm ăn và đây là lỗi của cán bộ ngân hàng.

“Tôi không đồng ý với nội dung này bởi các lý do: tôi và các cán bộ của Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh không có bất kỳ mối quan hệ vay mượn hay làm ăn chung. Tiền này là tiền bà con nông dân nhờ tôi mua tôm giống cho bà con, không phải tiền của tôi. Tôi hiện còn đang có một khoản vay (5 tỷ đồng tại Sacombank) nên lý do gì tôi lại cho bà Hà và các cán bộ khác vay tiền. Tôi và họ không có mối quan hệ làm ăn chung nào cả.

Việc Phòng giao dịch của Sacombank để xảy ra sự việc trên, họ phải giải quyết nội bộ, chúng tôi là nạn nhân nên không có nghĩa vụ phải đợi họ giải quyết” – bà Dương bức xúc.

Ngày 18/11/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam về tội danh “Tham ô tài sản” đối với Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó trưởng Phòng giao dịch Cam Ranh, thuộc Sacombank Khánh Hòa và nguyên thủ quỹ Ngô Thị Hồng Nhạn. Cùng bị khởi tố về tội danh này, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú còn có hai nhân viên Nguyễn Trà My và Ngô Nữ Hồng Hải.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Nguyễn Thị Thanh Hà tự ý sử dụng thông tin tài khoản, thẻ tiết kiệm của khách hàng rồi nhiều lần chỉ đạo ba đồng phạm làm hồ sơ tín dụng khống vay tiền với tài sản đảm bảo là các thẻ tiết kiệm của khách hàng, lập chứng từ khống tất toán và rút tiền của khách hàng, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất