| Hotline: 0983.970.780

Sắm Tết bằng chữ

Thứ Năm 26/01/2023 , 06:05 (GMT+7)

Một thời người miền Tây nghèo đói thiếu ăn, nhưng chưa bao giờ thiếu nghĩa tình. Người ta gọi dân đi buôn từ 'miệt trên' xuống là 'bạn thương hồ'.

Ở nước ta, Tết mang một ý nghĩa đặc biệt, mà mỗi vùng đất lại có một ý niệm riêng, tạo nên sắc thái Tết vừa đặc trưng nhưng cũng lại vừa đa dạng. Với dân miền Tây Nam bộ, thì Tết không chỉ là dịp ngội ngộ, sum vầy, mà còn là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, sắm sửa nhà cửa và hưởng thụ thành quả sau một năm lao động cật lực. “Cơm nắm mắm kho” quanh năm, cũng bởi dành dụm và trông chờ cho mùa Tết! Có lẽ từ thói quen này, mà lâu nay, miền sông nước Cửu Long đã hình thành nên một loại hình bán mua hết sức đặc biệt. Người mua chỉ cần “thế chấp” với người bán bằng câu nói thiệt thà và niềm tin chắc nịch, “đợi ra giêng”.

1 xin chu

Xin chữ đầu năm là một phong tục cần gìn giữ.

Bằng cách thích nghi tài tình, cùng sự nồng hậu của thiên nhiên miền Tây hai mùa mưa nắng, đất bằng phẳng giàu phù sa, kinh rạch bao la, lúa trời, lúa mùa tự thân sinh sôi khắp nơi nơi đồng bãi; ông cha ta đã xây đắp lên một nền văn minh nông nghiệp đặc trưng Nam bộ, hết sức hào sảng, nghĩa tình và hào hiệp… Sống bằng nghề nông, thói quen sinh hoạt nghề nông cũng từ đó mà hình thành. Đầu mùa đi vay lúa giống, giữa mùa ghi sổ phân bón, công cấy cày, đắp bờ, cắt lúa. Mắm muối, quần áo, học phí cho con và cả thuốc men…; Tủ áo, tủ thờ, giường chõng, tranh thờ… Tất cả những khoảng ấy đều gói đầu, “ăn trước trả sau”, trông vào cuối vụ lúa sẽ được thu hoạch vào dịp ra giêng.

Nông dân ta có câu, “Đông Xuân lúa trúng bể bồ”, nên việc lớn nhỏ chi cũng trông đợi vào nguồn lợi lớn nhất trong năm ấy. Xa xưa khi dân miền Tây còn trồng lúa mùa, loại lúa dài ngày, mỗi năm chỉ trồng một vụ, thu hoạch sau Tết; hay đối với lúa 2 - 3 vụ, thì cuối mùa hè thu, độ tháng 7 “nước nhảy khỏi bờ”, con nước tràn vào đồng ruộng rạ, ngâm chân ở đó suốt 4 tháng ròng. Sâu rầy, chuột bọ trên đồng bị lũ diệt sạch, đất được thau chua rửa phèn, phù sa vừa lắng đọng để đến tháng 10 nước rút, trả lại cánh đồng sự mỡ màu mơn mởn, chào đón vụ đông xuân bắt đầu được gieo sạ lên xanh. Hứa hẹn với người nông dân ra giêng “bê bồ chứa lúa”. Và khi lúa vừa kịp bém rễ trên đồng, người dân đã bắt đầu tính chuyện sắm sửa cho Tết này sum vầy, ấm cúng, vạn sự tốt lành khởi đầu vào đầu năm no đủ!

Là sứ sở của kinh rạch, sông nước chằng chịt, trên cơm dưới cá, nhà lá hay nhà tường đều san sát với mé sông nên không còn gì lý tưởng hơn là sắm một chiếc ghe rồi đợi cận Tết, đi dọc theo dòng nước mà buôn bán. Từ những làng nghề mộc, tranh kiếng, xóm rổ, xóm hàng bông cho đến lò rèn, lò lu… đã hình thành nên một nhóm thương hồ từ “miệt trên” đem các sản phẩm này đi khắp nơi, theo kinh rạch len lỏi vào tận những ngôi nhà sâu trong bàu đìa, đồng bãi… ở tận “miệt dưới”.

Những chiếc ghe thương hồ chở tủ áo, giường hộp, lu hủ, hay bán buôn vải vóc mùng mền, dao búa… đã làm xao động các xóm nhỏ. Tính xem Tết này nhà mình cần có thêm cái tủ cho sáng sủa, hay sắm sẵn cái giường, mùng mền chiếu gối cho thằng Út ra giêng cưới vợ… đều chờ cận Tết, ghe thương hồ đến. Người dân tha hồ mà sắm cho mình một cái Tết, một năm mới no ấm, đủ đầy trước cái đã. Người mua khiêng cái tủ lên nhà ngắm nghía vỗ đùi ưng bụng, chỉ tay ra mảnh ruộng sau nhà đang xanh mướt, tiền nong thì “đợi ra riêng”, vậy mà người bán cũng mát dạ vui lòng đồng ý ngay tức khắc, không cần ký hợp đồng hay giấy tờ thế chấp chi cả. Mảnh ruộng và sự thật thà bao đời qua đã làm nên niềm tin sắt đá cho những cuộc bán mua “đợi ra giêng”!

Một điều lạ là, trong cách mua bán này, người mua hầu như chẳng “trả giá” mặc cả bao giờ. Họ nghĩ rằng, sắm Tết là sắm cho những điều thuận lợi, may mắn và tốt đẹp, nên việc mặc cả là không nên. Nhìn những chiếc ghe từ “miệt trên” lặn lội mấy trăm cây số đường đến “miệt dưới” này, cực nhọc mấy tháng trời rong ruổi. Dẫu giá bán có “một vốn bốn lời”, thì trừ vào sở phí chuyên chở đi xa, ròng rã ngày công và đặc biệt là nhốt vốn suốt mấy tháng ròng chờ đến ra giêng mới bỏ công quay lại một lần nữa để góp tiền. Quả là bốn phần lời ấy, tính ra cũng xứng đáng với công lao và sự nhiệt tình mà khách thương hồ đã đến và mang lại cho mình!

Khi rằm tháng Chạp sắp chớm qua, cây mai đã bắt đầu được lặt lá, cũng là lúc những chiếc ghe thương hồ bắt đầu rời bến. Một số đã bán hết hàng, một số vì đã đủ lời, nghĩ nghĩa tình ăn ở đất này mà bán rẻ, thậm chí cho lại dân địa phương mớ hàng còn lại như gâm vào nơi đây chút dây mơ rễ má. Tết đến, nhà nào cũng sắm sửa cho mình thêm chút gì mới mẻ nên ai nấy đều vui. Để rồi ăn Tết vừa xong là bắt tay tất bật với mùa thu hoạch. Đến đúng ra giêng khi lúa đã bán xong, cũng là lúc những chiếc ghe thương hồ quay trở lại.

Trong cuộc bán mua đặc biệt kể trên, cũng có những quy ước ngầm với nhau, đôi lần tôi chứng kiến và cảm động. Người bán hễ nghe tin người mua qua đời, nếu món hàng không quá lớn, thường họ sẽ đến thắp một nén nhang và vái với vía người quá cố rằng, “tui đã xoá nợ, chú yên dạ nhẹ nhàng về với ông bà”. Đó là nghĩa cử để kẻ ra đi không phải tủi lòng vì còn vương vấn nợ trần với người ở lại. Và ngược lại, khi nghe tin người bán mất đi, thì người mua cũng ráng mà xoay xở tiền nong để mang đến trả, trước để không vướng nợ với người âm, sau để tang gia có tiền mà xoay xở, mai táng. Là dân ở làng nghề mộc Chợ Thủ, tôi chứng kiến không ít lần những nông dân bùn còn vươn bâu áo, lặn lội từ miệt Thứ lên tận nơi đây để thắp nhang và trả nợ cho người chủ ghe thương hồ quá cố. Cũng có lần họ đến xin để tang cho “ông tía nuôi”: “Tui nhận tía nuôi hồi tía xuống xứ U Minh bán cho vợ chồng tui cái giường và ở dạy thằng con tui biết chữ!”.

1 xin chu 2

Nét chữ, nết người.

Một thời người miền Tây nghèo đói thiếu ăn, nhưng chưa bao giờ thiếu nghĩa tình. Người ta gọi dân đi buôn từ “miệt trên” xuống là “bạn thương hồ”. Chữ “bạn” nói lên nhiều ý nghĩa. Chiếc ghe thương hồ đến xứ mình, ai nấy đều vui mừng hồ hởi, bởi họ chở đến những ước mơ, niềm tin về một đời sống sung túc hơn. Ghe đi lang thang nhưng đến xế chiều thì đậu bến nhà ai, chủ đất cũng sẵn lòng mời gọi. Nhà chủ đất có giỗ quải, ắt không quên mời “bạn thương hồ” đến chơi. Ngồi vào bàn nhậu lai rai, vài câu hỏi thăm nhau, thấy dễ thương thế là thành “bà con”. Không ít người đã nên duyên chồng vợ, và vô số những dây mơ rễ má về bà má nuôi, ông anh kết nghĩa, ní ná… cũng từ những chuyến hàng “đợi ra giêng” này.

Ngày nay, ghe thương hồ với tiếng còi ghe tuýt toe có phần thưa thớt hơn, thay vào đó là những chiếc xe máy chở đầy chăn ga gối niệm, tranh thờ, tủ xếp… rao bằng loa điện tử, rong ruổi khắp nẻo đường miền Tây. Dẫu hình thái có tân tiến khác đi, nhưng hồn cốt của cuộc bán mua đầy hào sảng và nghĩa tình kiểu “ra giêng tui trả tiền” ấy vẫn luôn tồn tại, như chính thiên nhiên luôn hào sảng với con người, mang đến ước mơ và động lực để miền đất thơm thảo này vươn lên đầy khát vọng.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm