Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, đơn vị đã hoàn thành cuộc khảo sát thực tế lần 2 để đánh giá và báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tình trạng san hô chết, tẩy trắng tại địa bàn. Cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Khu vực khảo sát tại khu vực san hô bị tẩy trắng lần 2 với 8 điểm rạn: 4 điểm phía đông nam và 4 điểm phía tây bắc quần đảo Côn Đảo. Cuộc khảo sát cũng đánh giá nhanh 3 điểm trồng phục hồi san hô thực hiện năm 2018 - 2019 tại khu vực Đất Dốc, bãi Cát Lớn (hòn Bảy Cạnh) và khu vực nam Hòn Tài.
Thông qua khảo sát, các chuyên gia nhận thấy, nhiệt độ nước biển thời điểm khảo sát lần 2 này ở tầng mặt và tầng đáy biển vẫn duy trì ở ngưỡng từ 29 - 30oC, tức giảm 2 - 3oC so với thời điểm tháng 6/2024.
“Sau hơn một tháng xảy ra hiện tượng tẩy trắng, các điểm rạn phía đông nam của đảo có tỷ lệ san hô bị chết phủ rong cao hơn nhiều so với các trạm rạn phía tây bắc. San hô bị chết trên cả hai đới mặt bằng rạn và sườn dốc rạn. Trong đó san hô ở độ sâu 2 - 4m bị chết nhiều hơn so với san hô từ 5 - 14m, đồng thời san hô ở đối sâu vẫn đang tiếp tục bị tẩy trắng”, ông Pho thông tin.
San hô tại các khu vực như Đầm Tre, Hòn Cau, Hòn Tài, Cựa Gà, bãi Cát Lớn, Đất Dốc bị chết 80 - 90% ở đới cạn và tiếp bị tẩy trắng khoảng 90% ở đới sâu. Khu vực bãi Ông Cường và Ông Đụng san hô bị chết ít hơn (khoảng 50%) và có dấu hiệu phục hồi chậm.
San hô khu vực phía đông bắc, đông nam bị chết nhiều hơn so với phía tây bắc, tây nam. Nguyên nhân chính do nhiệt độ nước biển cao trên 30 độ C trong thời gian dài. Bên cạnh đó khu vực Côn Đảo đang bắt đầu mùa mưa dẫn đến lượng vật chất lơ lửng, trầm tích xa lắng trên rạn nhiều làm cho san hô giảm khả năng quang hợp, chậm phục hồi.
Qua chuỗi số liệu thực tế khai thác từ hệ thống cảnh báo tẩy trắng của Coral reef watch (CRW) đến ngày 1/8/2024, khu vực Côn Đảo đã giảm xuống cấp độ không còn bị áp lực của nhiệt độ gây tẩy trắng. Tuy nhiên, trong tháng 8 - 9, san hô tại Côn Đảo vẫn tiếp tục bị tẩy trắng ở cấp độ cao và cấp nguy cơ.
Theo dự báo của cơ quan quốc tế về đại dương và khí quyển (NOAA) trong các tháng tiếp theo có thể nhận định, san hô khu vực Côn Đảo sẽ tiếp tục bị tẩy trắng và tiếp tục chết trong thời gian tới, làm giảm độ phủ của san hô trên rạn, ảnh hưởng đến chất lượng rạn cũng như thay đổi các chức năng sinh thái của rạn san hô tại Côn Đảo.
Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết cũng đang tiếp tục thực hiện các chương trình quan trắc, giám sát, theo dõi sát sao tình trạng san hô bị tẩy trắng các hợp phần đáy, mật độ cá rạn, mật độ động vật đáy và các mối đe dọa, tác động lên rạn san hô thời gian tiếp theo.
Kế hoạch trồng phục hồi san hô của Vườn Quốc gia Côn Đảo trong năm 2024 cũng phải hoãn lại vì lý do san hô trên rạn sau khi bị tẩy trắng, chết khả năng phục hồi rất yếu. Các bãi giống san hô bố mẹ dự kiến tách mảnh tập đoàn không còn khả năng cung cấp nguồn giống để trồng.
UBND huyện Côn Đảo và Vườn Quốc gia Côn Đảo khuyến cáo cộng đồng dân cư, người dân và du khách hạn chế tối thiểu các hoạt động khai thác thủy sản, du lịch tại các điểm bãi Ông Cường, bãi Ông Đụng nhằm chung tay bảo vệ vùng rạn tiềm năng làm bãi giống, phục vụ cho kế hoạch trồng phục hồi san hô sau này.