Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Đăk Lăk đến nay địa phương đã gắng sao cho 46 sản phẩm. Trong đó, 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 38 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm này được quảng bá rộng rãi giúp người dân, HTX ổn định cuộc sống.
Bà H’Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Công bằng Ea Kmat (huyện Krông Păc) cho biết, sản phẩm cà phê bột của đơn vị vừa được gắn OCOP 3 sao.
Theo bà Oanh, sau khi sản phẩm OCOP thì giá trị của sản phẩm sẽ được nâng cao rất nhiều. Trước đây, các thành viên có thu nhập đều chịu ảnh hưởng của giá cả thị trường. Hiện nay sản phẩm được công nhận OCOP thì thương hiệu được công nhận, giá cả sẽ tăng lên.
“Trước đây cà phê của HTX đạt chứng nhận FLO, giá đã cao hơn so với thị trường. Nhưng nay được công nhận OCOP 3 sao thì giá sẽ tiếp tục tăng lên như vậy giúp đời sống của các thành viên HTX sẽ nâng cao và ổn định”, bà H’Oanh nói.
Ông Phan Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) cho biết, địa phương đã đạt chuẩn NTM. Theo ông Thủy, sau khi sản phẩm được công nhận OCOP thì nông dân, HTX thụ hưởng những thành quả này dẫn đến đời sống được cải thiện. Các hộ gia đình liên kết với HTX có sản phẩm OCOP thì hàng hóa sẽ chất lượng hơn, bán với giá cao hơn.
“Khi sản phẩm được công nhận OCOP thì giá thành sản phẩm sẽ tăng gấp 3 lần, từ đó thu nhập của người dân được cải thiện. HTX tại địa phương khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP thì không được quảng bá rộng rãi thương hiệu. Khi sản phẩm được công nhận OCOP thì sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ quảng bá như vậy được nhiều người biết đến hơn. Sản phẩm được khẳng định từ đó giá thành cũng như thương hiệu sẽ cao hơn bình thường”, ông Thủy chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Krông Păc cho biết, để nói sản phẩm OCOP mang lại kinh tế ngay lập tức cho người dân thì chưa. Nhưng về lâu dài, các sản phẩm OCOP sẽ mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân.
Theo ông Hoàng sản phẩm OCOP là sân chơi rất rộng mang tính chủ lực của từng địa phương. Huyện Krông Păc có 7 sản phẩm được tỉnh công nhận OCOP. Đây là sân chơi để giúp các HTX, người dân tạo được giá trị gia tăng.
“Các sản phẩm khi được công nhận OCOP sẽ được quảng bá đi xa hơn, cao hơn từ đó được nhiều người biết đến. Đây là tiền đề để giúp các sản phẩm của người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhiều hơn. Sản phẩm OCOP sẽ giúp người dân, HTX nâng cao thu nhập theo đúng định hướng của chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM”, ông Hoàng thông tin.
Để giúp các sản phẩm OCOP của Đăk Lăk được biết đến rộng rãi, Sở NN-PTNN tỉnh thường xuyên đưa các sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu, kết nối với các thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đây, các đơn vị có sản phẩm OCOP cơ bản nắm bắt được cơ hội kết nối thị trường, hoàn thiện sản phẩm để tham gia vào hệ thống siêu thị BigC, Vinmart…
Sở NN-PTNN chủ động làm đầu mối, tổ chức liên kết các chủ thể với đại diện siêu thị, xây dựng các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu, nguồn lao động tại địa phương. Các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, phần nào giải quyết nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.