| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất chè trong nhà kính: Một vốn bốn lời

Thứ Bảy 30/04/2016 , 07:20 (GMT+7)

Trăn trở với việc nâng cao giá trị cho sản phẩm chè nổi tiếng của quê hương mình đã thôi thúc Văn tìm tòi, sáng tạo ra cách làm độc đáo với quy trình sản xuất chè VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt) trong nhà kính.

Sinh ra và lớn lên tại vùng vựa chè Vô Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), chứng kiến cha mẹ, hàng xóm rồi trực tiếp bản thân lăn lộn trên những nương chè nhưng Đinh Quốc Văn vẫn chưa bao giờ thấy được cây chè mang lại đời sống giàu có cho người làm chè.

Trăn trở với việc nâng cao giá trị cho sản phẩm chè nổi tiếng của quê hương mình đã thôi thúc Văn tìm tòi, sáng tạo ra cách làm độc đáo với quy trình sản xuất chè VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt) trong nhà kính. Cơ quan chuyên môn cũng như người làm chè đánh giá cao về hiệu quả của mô hình.

Từ VietGAP...

Dáng thấp nhỏ, Văn có màu da bánh mật của người quen dạn dày sương gió, đôi mắt sáng rực trên khuôn mặt quắc thước. Nghị lực hiển hiện, chính Văn là người đã dũng cảm đề nghị được xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Không ai khác, anh được bầu làm tổ trưởng sản xuất chè VietGAP của xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh.

Lần lượt đi vận động các hộ gia đình có diện tích sản xuất chè liền kề, qua cách phân tích cụ thể, cách hướng dẫn tỉ mỉ, tổ hợp tác đã được hình thành với 30 hộ dân. Tổ được chia thành các nhóm, trưởng nhóm có trách nhiệm đôn đốc thành viên và kiểm tra chéo lẫn nhau.

Theo đó, người dân đã phải thay đổi tư duy cũng như cách làm chè bằng kinh nghiệm truyền thống trước đây. Làm chè VietGAP phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về cách trồng, chăm sóc và chế biến. Anh Văn kể, việc bón phân phải cân đối để hạn chế dư lượng thuốc BVTV, khi thu hái không được để lâu chè sẽ bị ban, bị ôi; khi sao sấy không được để lẫn nước, tránh chè bị dập búp, việc bảo quản chè nguyên liệu cũng như chè thành phẩm phải đúng quy chuẩn...

Để thực hiện các yêu cầu đó, tổ sản xuất đã họp, bàn bạc và thống nhất, các thành viên đầu tư mua máy đóng gói, máy hút chân không…để bảo quản chè. Thực tế, cũng có thành viên còn nghi ngờ về hiệu quả của mô hình. Tuy nhiên, khi đã tham gia thì vẫn phải tuân thủ các quy trình đã thống nhất.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, chè VietGAP Trung Thành được các thương lái “săn” hàng ráo riết. Nhiều người đặt tiền cược trước khi chè chưa đến lứa.

Ông Nguyễn Tiến Hiệp, tổ viên Tổ hợp tác chè VietGAP xóm Trung Thành 1 cho biết, sản phẩm chè của tổ hợp tác bây giờ làm ra tới đâu được bán hết ngay tới đó. Người làm chè theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt không phải mang chè ra chợ như trước kia nữa. Đặc biệt là làm chè theo quy trình mới vừa giúp giảm công, giảm chi phí đầu tư, tránh ô nhiễm độc hại mà hiệu quả lại tăng cao.

10-06-47_3

Bà Lê Thị Thúy Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Lương cho biết, Phú Lương là vựa chè của Thái Nguyên nhưng giá trị sản phẩm trong những năm trước chưa tương xứng với chất lượng cũng như tiềm năng của cây chè trên địa bàn. Từ hiệu quả của mô hình sản xuất chè trong nhà kính của gia đình anh Văn, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng đã học hỏi và mong muốn anh chia sẻ kinh nghiệm để học cách làm theo.
Trên cơ sở đó, Phòng NN-PTNT huyện tiếp tục tư vấn, hỗ trợ cho mô hình, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền xây dựng thêm nhiều diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè.

Nếu như chè của bà con trước đây chỉ bán từ 100.000 - 150.000 đồng/kg thì chè VietGAP hiện nay bán giá gấp đôi. Ông Hiệp phấn khởi nói, công đầu để bà con được hưởng lợi như vậy là nỗ lực dám nghĩ dám làm của tổ trưởng Đinh Quốc Văn. Không chỉ là người đã mang đến cho chúng tôi nhận thức mới mà còn giúp đỡ, hướng dẫn bà con cách thức thực hiện đạt hiệu quả cao.

...đến nhà kính

Đinh Quốc Văn sinh năm 1976. Tốt nghiệp cấp 3 (năm 1995), anh nghỉ học và trở thành lao động chính trong gia đình. Lăn lộn với cây chè trong nhiều năm, Văn đã trang bị cho bản thân khá nhiều kiến thức về trồng, chế biến và chăm sóc cây chè.

Điều băn khoăn đeo đuổi mãi trong anh là giá trị sản phẩm chè làm ra chưa tương xứng với công sức người dân bỏ ra. Vậy là Văn bắt đầu tìm tòi các sách vở, tài liệu đầu tư phát triển cây chè. Đầu tiên là việc chuyển đổi các diện tích chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp sang trồng chè cành.

Đến nay, gần 1ha chè của gia đình anh đều là chè cành, với các giống như chất lượng cao Phúc Vân Tiên, Bát Tiên và Kim Tuyên. Tất cả diện tích này đều được gia đình anh thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP.

Pha trà tiếp chúng tôi, anh kể về quá trình làm chè trong nhà kính của mình, thông thường, mỗi năm chè cho thu hoạch từ 6 - 7 lứa, chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch (chè chính vụ), còn lại từ tháng 10 đến tháng 2 hàng năm, do thời tiết lạnh nên chè thường chậm phát triển, đa số các hộ dân đều cúp chè để đến vụ xuân thu hoạch (trừ những hộ có điều kiện về nước tưới sẽ làm chè vụ đông).

Xuất phát từ thực tế đó, để cây chè phát triển không phụ thuộc vào thời tiết, anh đã nghiên cứu tìm hiểu cách làm chè trong nhà kính khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 15 độ C. Vụ đông năm 2014, anh đầu tư mua tre nứa và túi nilon làm giàn che cho chè với diện tích 700m2.

Lứa chè vụ đông đầu tiên năm ấy gia đình vẫn thu được trên 30kg chè búp khô mỗi lứa (tương đương với năng suất của chè chính vụ). Đặc biệt, giá bán lại tăng lên 400.000 đồng/kg (tăng gấp đôi so với làm chè chính vụ). Trong 4 tháng vụ đông, diện tích chè được chăm sóc trong nhà kính đã cho gia đình anh thu được 3 lứa (tương đương với gần 1 tạ chè búp khô), thu gần 40 triệu đồng.

10-06-47_2

Hạch toán, với diện tích 700 mét vuông chè thử nghiệm trong nhà kính, anh Văn cho biết, nếu làm theo cách truyền thống thì mỗi năm cho 6 lứa, giá trị ước đạt 36 triệu. Nay được trồng trong nhà kính, giá trị tăng gấp đôi với 9 lứa thì giá trị sẽ tăng lên, đạt 110 triệu. Như vậy, với 1 ha trước đây của gia đình, anh Văn chỉ thu nhập được khoảng 600 triệu, nếu chuyển hết sang sản xuất trong nhà kính thì doanh thu sẽ đạt xấp xỉ 1,2 tỷ đồng.

Về giá trị đầu tư làm nhà kính, theo anh Văn, để làm thử nghiệm trong vụ đầu tiên, anh dùng chất liệu là tre nứa với nilon phủ nên 700 mét vuông chỉ tốn 3 triệu đồng. Vụ đông vừa qua, anh đầu tư khung nhà là ống kẽm nên giá trị xây dựng mất 30 triệu. Sau một vụ chè đông là toàn bộ giá trị xây dựng đã được thu hồi. Trong khi đó, nhà ống kẽm có thể sử dụng cho nhiều năm tiếp theo.

Những lợi ích từ sản xuất chè trong nhà kính còn được anh chia sẻ thêm, làm giàn che cho chè không chỉ tránh được thời tiết lạnh, giúp cây chè phát triển bình thường mà còn giảm được công chăm sóc như tưới ít hơn chỉ 2 - 3 lần/lứa (so với chăm sóc chè thông thường phải tưới 4 - 5 lần/lứa) do trồng trong nhà kính giữ được độ ẩm cho đất, tránh thất thoát hơi nước bốc ra ngoài.

Ngoài ra, khi được che phủ sẽ hạn chế được sự phát triển của một số sâu bệnh trên cây chè như rầy xanh, bọ trĩ, bọ xít muỗi…; tránh được sương muối làm búp chè mềm hơn, đặc biệt chè không bị bụi bẩn bám vào, giúp búp chè sạch sẽ, khi sao sấy sẽ ngon hơn nhiều.

Ngoài việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè, anh Văn còn là người có cách bảo quản chè khá mới. Đó là bảo quản chè trong tủ lạnh. Phương pháp này có thể giữ được hương vị và màu sắc của chè như vừa thu hái với thời gian dài, trên 1 năm. Năm qua, anh Văn đã đầu tư 150 triệu đồng mua 4 tủ bảo ôn để bảo quản chè với trên 1 tấn chè búp khô (chè của gia đình và thu mua của người dân về bảo quản), với giá bán trung bình 350.000 đồng/kg (cao hơn 150.000 đồng/kg so với bán tại thời điểm thu hái), anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Từ thực tế trên, anh Văn đã lên kế hoạch chuyển toàn bộ diện tích 1 ha chè của gia đình sang sản xuất trong nhà kính. Không dừng lại ở đó, với 1,2 ha đất vườn bãi, anh đang tập trung cải tạo để chuyển sang trồng chè. Anh cũng tính toán để thực hiện việc lắp đặt khu chế biến chè hiện đại, khu bảo quản chè và hệ thống tưới tự động cho chè.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.