| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa miền Bắc thắng lợi trong khó khăn

Thứ Năm 12/11/2020 , 11:19 (GMT+7)

Đối mặt với nhiều khó khăn, sản lượng lúa toàn miền Bắc cả năm 2020 ước đạt trên 13 triệu tấn (tăng 122 nghìn tấn so với năm 2019).

Ngày 12/11, tại Nam Định, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất năm 2020, triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.

Diện tích giảm, sản lượng tăng

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: Năm 2020, sản xuất lúa các tỉnh phía Bắc mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là nguy cơ dịch bệnh ở vụ đông xuân, khó khăn trong triển khai, chỉ đạo sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19… Tuy nhiên nhìn chung trên phạm vi cả nước cũng như tại các tỉnh phía Bắc, sản xuất lúa cả năm 2020 đã cơ bản thắng lợi, được mùa, được giá, các chi phí sản xuất tiếp tục giảm…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu, đánh giá sản xuất lúa phía Bắc thắng lợi trong năm 2020. Ảnh: Mai Chiến

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu, đánh giá sản xuất lúa phía Bắc thắng lợi trong năm 2020. Ảnh: Mai Chiến

Bên cạnh đảm bảo nhiệm vụ an ninh lương thực, sản xuất lúa cả nước vượt qua nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và thắng lợi đã giúp xuất khẩu lúa gạo của nước ta năm 2020 duy trì khoảng 6 triệu tấn (tính đến hết tháng 11/2020), kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 3 tỉ USD, tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu các loại gạo chất lượng cao xuất khẩu tiếp tục được nâng cao…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2020, toàn miền Bắc gieo cấy ước đạt 2,3 triệu ha (giảm khoảng 36 nghìn ha so với năm 2019). Trong đó vùng ĐBSH đạt 938 nghìn ha (giảm khoảng 32 nghìn ha); vùng Bắc Trung Bộ đạt 674 nghìn ha (giảm khoảng 2 nghìn ha); các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc đạt 666 nghìn ha (giảm 2 nghìn ha so với năm 2019).

Diện tích gieo cấy giảm do một số diện tích không gieo cấy được vì hạn hán, một số diện tích được chuyển đổi sang cây rau màu, cây ăn quả lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn và một phần diện tích đã chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp,...

Năng suất lúa trung bình cả năm 2020 của các tỉnh miền Bắc ước đạt 57,1 tạ/ha (tăng 1,4 tạ/ha so với năm 2019), trong đó vùng ĐBSH đạt 61,5 tạ/ha (tăng 1,6 tạ/ha so với năm 2019); vùng Bắc Trung Bộ đạt 51,8 tạ/ha (tăng 1,5 tạ/ha so với năm 2019); vùng trung du miền núi phía Bắc đạt 55,9 tạ/ha (tăng 1,2 tạ/ha so với năm 2019).

Sản lượng lúa toàn miền Bắc cả năm 2020 ước đạt trên 13 triệu tấn (tăng 122 nghìn tấn so với năm 2019). Trong đó vùng ĐBSH đạt khoảng 6 triệu tấn (giảm khoảng 35 nghìn tấn); vùng Bắc Trung Bộ đạt 3,8 triệu tấn, tăng 66,0 nghìn tấn; vùng trung du miền núi phía Bắc 3,5 triệu tấn, tăng khoảng 91 nghìn tấn so với năm 2019.

Giải pháp ứng phó vụ đông xuân 2020-2021 rét muộn

Vụ đông xuân 2020 – 2021, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,088 triệu ha, giảm khoảng 9,6 nghìn ha so với lúa vụ đông xuân 2019 – 2020.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vụ đông xuân 2020-2021, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 02/2021, mỗi đợt có khả năng kéo dài từ 7-10 ngày và có thể kéo dài hơn ở các tỉnh vùng vùng núi phía Bắc.

Sản xuất lúa các tỉnh miền Bắc đã vượt qua khó khăn, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ thắng lợi cho xuất khẩu. Ảnh: Mai Chiến

Sản xuất lúa các tỉnh miền Bắc đã vượt qua khó khăn, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ thắng lợi cho xuất khẩu. Ảnh: Mai Chiến

Theo dự báo, diễn biến thời tiết vụ đông xuân 2020-2021 có thể khiến thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ kéo dài hơn so với các vụ đông xuân ấm những năm gần đây. Mặt khác, lập Xuân vào ngày 3/2/2021 (22/12 Canh Tý), cần rất lưu ý việc bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối của rét nàng Bân, đặc biệt là các tỉnh ĐBSH, trung du miền núi phía Bắc.

Với dự báo này, Cục Trồng trọt định hướng trong quan điểm chỉ đạo sản xuất, cần tập trung vào trà xuân muộn làm chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng, lúa giống Japonica, giống chống chịu tốt với sau bệnh và điều kiện bất thuận; khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.

Các địa phương sớm xây dựng kế hoạch sản xuất lúa, màu vụ đông xuân 2020 - 2021 và vụ hè thu, vụ đông của cả năm 2021. Do dự báo vụ đông xuân 2020-2021 là vụ đông xuân lạnh nên các địa phương tính toán thời gian gieo mạ phù hợp để thời gian trỗ tập trung vào thời điểm tối ưu nhất…

Bên cạnh đó, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước tối đa qua các đợt triều cường, đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để tích nước trong hệ thống, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, không để tình trạng “chiêm chết khô”.

Vụ đông xuân 2020-2021, tiết “Đại hàn” vào ngày 21/01/2021 (09/12 Âm lịch), đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm cao nhất trong năm; Tiết “Lập Xuân” ngày 03/02/2021 (tức ngày 22/12 Âm lịch 2020). Trên cơ sở đó, tuỳ thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét “Nàng Bân” khi lúa trỗ, tránh lụt Tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch, đồng thời tạo thuận lợi cho việc gieo cấy sớm lúa vụ hè thu, vụ mùa và triển khai vụ đông 2021.

Đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông ưa lạnh

Về tình hình sản xuất vụ đông, tính đến 05/11, diện tích đã gieo trồng cây vụ đông các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 295 nghìn ha/404 nghìn ha (73% kế hoạch). Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ đã gieo trồng được 78 nghìn ha/101 nghìn ha theo kế hoạch (đạt 77%).

Vùng ĐBSH và trung du miền núi phía Bắc đã gieo trồng được 212 nghìn ha/302 nghìn ha (70% kế hoạch). Một số tỉnh có diện tích gieo trồng lớn như: Thái Bình, Hà Nội trên 25 nghìn ha; Hải Dương 20 nghìn ha; Bắc Giang 16 nghìn ha; Vĩnh Phúc khoảng 11 nghìn ha....

Cục Trồng trọt cho biết hiện thời vụ gieo trồng các loại cây vụ đông ưa ấm đã kết thúc; các địa phương cần điều chỉnh và mở rộng diện tích cây vụ đông ưa lạnh, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại rau ăn lá, khoai tây...

Trong đó ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây có hợp đồng tiêu thụ, đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với các loại rau ăn lá, hướng dẫn nông dân trồng gối, trồng rải vụ để tránh hiện tượng ế thừa lúc chính vụ.

Đối với khoai tây, thời vụ trồng còn kéo dài đến 20/11 với khoai tây vụ đông chính vụ. Riêng khoai tây vụ đông xuân, khoai tây vụ xuân làm giống, có thể trồng đến cuối tháng 12/11. Vì vậy các địa phương  có thể điều chỉnh theo hướng tăng diện tích, nhất là khoai tây chất lượng, phục vụ chế biến, có thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, cần cân đối các nguồn giống và có kế hoạch nhập khẩu đủ lượng giống phục vụ nhu cầu sản xuất. Tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng giống khoai tây, đặc biệt khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc...

Năm 2020, các tỉnh phía Bắc chuyển đổi khoảng 20,4 nghìn ha, trong đó diện tích chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa 16 nghìn ha, đất 1 vụ lúa 4,4 nghìn ha. Vùng có diện tích chuyển đổi mạnh nhất là vùng ĐBSH gần 10 nghìn ha, trong đó đất 2 vụ lúa đạt trên 8,9 nghìn ha, đất 1 lúa khoảng 1 nghìn ha, chủ yếu chuyển đổi sang cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu tương, dưa hấu, cây dược liệu, cây thức ăn chăn nuôi, rau màu các loại.

Vùng Bắc Trung Bộ chuyển đổi khoảng 6,4 nghìn ha, trong đó đất 2 vụ lúa khoảng 5,2 nghìn ha, đất 1 vụ lúa khoảng 1,2 nghìn ha, chuyển đổi sang cây trồng cạn như trồng hoa, cây cảnh, ngô, đậu tương, ớt, cỏ, rau các loại, nuôi trồng thủy sản.

Các tỉnh vùng trung du miền núi phía Băc có diện tích chuyển đổi đất lúa đạt 4 nghìn ha, trong đó đất 2 vụ lúa là 1,9 nghìn ha và đất 1 vụ lúa là 2,1 nghìn ha.

  • Tags:
Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.