Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Hà Giang, sâu xanh tấn công rừng bồ đề được phát hiện từ cuối tháng 6. Đến nay, sau gần nửa tháng, diện tích rừng bị sâu gây hại đã lên đến 62,6ha. Sâu xanh gây hại nhiều nhất tại các xã của huyện Bắc Quang như Việt Hồng 22,5ha, Tiên Kiều 15ha, Kim Ngọc 17,6ha, Vô Điếm 4ha, Đồng Tâm khoảng 3,5ha. Dự báo, diện tích sâu xanh gây hại có thể tiếp tục lan rộng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Mạng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Bắc Quang cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Trạm đã phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm tra thực tế, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, sâu gây hại mật độ dày khoảng 30 đến 50 con/cây, tập trung gây hại ăn trụi lá. Các cây bị hại có độ tuổi từ 1,5 đến 4 năm; chiều cao cây trung bình từ 3 đến 7m, một số diện tích bị gây hại trước hiện cây đã hồi phục và ra lá mới.
Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Bắc Quang cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân có diện tích sâu xanh gây hại tiến hành tỉa, phát cành để cây có khoảng cách hợp lý, bón cân đối các loại phân bón để cây khỏe, tăng khả năng chống chịu với sâu hại; thực hiện xới xáo quanh gốc cây (toàn bộ hình chiếu tán lá) để diệt nhộng nhằm hạn chế trưởng thành, vũ hóa, đồng thời bắt giết trưởng thành, diệt các ổ trứng, diệt ổ sâu non mới nở; sử dụng thuốc đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam như Clever 150SC, Patox 95SP, Reasgent 3.6EC, Neretox 95 WP... để phun diệt trừ sâu và ấu trùng có nguy cơ gây hại.
Xã Kim Ngọc là địa phương có diện tích bồ đề bị sâu xanh hại lớn và mật độ cao của huyện Bắc Quang với 17,6ha. Theo người dân địa phương, khi mới phát hiện chỉ thấy phân của sâu dưới mặt đất, nhưng chỉ từ 2 đến 3 ngày sau, nhiều diện tích khu rừng đã bị ăn trụi hết lá. Những thôn bị thiệt hại nặng nhất là Nặm Vạc, Vãn, Tân Điền...
Ông Hoàng Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang cho biết, một trong những khó khăn trong công tác phòng trừ sâu xanh gây hại trên cây bồ đề diễn ra trên địa bàn xã đó là sâu có vòng đời khoảng 35 đến 45 ngày nên số lứa sâu gối nhau gây hại nhanh, mật độ sâu nhiều và gây hại mạnh.
Khi cây bị sâu ăn trụi hết toàn bộ lá chủ rừng mới phát hiện dẫn đến kết quả phòng trừ chưa cao. Hơn nữa, các thôn nơi đây phần lớn có địa hình cao, xa, nguồn nước ít, không chủ động được gây khó khăn trong công tác phun thuốc diệt trừ.
Gia đình chị Đào Thị Năm, thôn Nặm Vạc, xã Kim Ngọc có 3ha diện tích rừng bồ đề thì có 1,5ha bị sâu xanh gây hại. Chị Năm cho biết, với những diện tích rừng hơn 3 năm tuổi bị sâu gây hại ăn trụi lá, nhiều cây đã bị khô vỏ, có hiện tượng chết chiếm 20%. Với những diện tích rừng từ 1 đến 3 năm tuổi, do tán cây thấp, việc phun thuốc và làm cỏ thuận tiện hơn nên tỷ lệ cây hồi sinh đạt cao hơn.
Sợ sâu xanh tiếp tục bùng phát đợt 2, đợt 3 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây nên những ngày này, gia đình chị Năm luôn chủ động bám rừng để theo dõi diễn biến.
Hiện tại, ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã có khuyến cáo người trồng rừng: Sâu xanh không phải là đối tượng sinh vật ngoại lai, chúng đã từng xuất hiện trên một số diện tích rừng ở Hà Giang những năm về trước, song mật độ thấp, mức độ gây hại không nhiều.
Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, số ngày mưa, lượng mưa thấp hơn rất nhiều so với trung bình hằng năm, là điều kiện thuận lợi để sâu hại phát sinh sớm, gây hại nặng trên cây rừng. Do đó, người trồng rừng cần thường xuyên thăm rừng để kịp thời có biện pháp phòng trừ nhằm giảm thiểu thiệt hại và khống chế, không để lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của rừng.