| Hotline: 0983.970.780

Sâu xanh phá tan tành rừng bồ đề

Chủ Nhật 17/07/2022 , 12:51 (GMT+7)

YÊN BÁI Gần đây, dịch sâu xanh ăn lá hại bồ đề bùng phát tại Yên Bái, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm ha bị phá tan tành. Việc phòng trừ hết sức khó khăn.

Rừng bồ đề bị sâu xanh phá hoại tại huyện Trấn Yên. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Rừng bồ đề bị sâu xanh phá hoại tại huyện Trấn Yên. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Từ tháng 6 đến đầu tháng 7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, sâu xanh ăn lá bồ đề phát triển nhanh tại một số huyện như: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên… và một số xã giáp ranh của tỉnh Phú Thọ.

Ông Trần Công Minh, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - Kế hoạch (Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao) cho biết: Hiện công ty đang được giao quản lý, trồng hơn 1.500ha đất lâm nghiệp để phát triển các giống cây lâm nghiêp như keo, mỡ, bồ đề... Trong đó khoảng 200ha là diện tích rừng trồng cây bồ đề tại các xã Chấn Thịnh, Đại Lịch, Cát Thịnh, Thượng Bằng La và một số ít trồng xen trong rừng keo, mỡ.

Dịch sâu bồ đề bùng phát bắt đầu từ trung tuần tháng 5 tại một số điểm nhỏ lẻ với mức độ nhẹ, không đáng kể. Sang tháng 6, tháng 7, sâu phát triển và lan rộng. Với 200ha rừng trồng bồ đề tập trung, đến nay diện tích bị sâu xanh ăn lá phá hại đã lên đến 150ha, chiến khoảng 70% diện tích. Cây bị sâu ăn chủ yếu từ 3 - 6 tuổi. Sâu ăn lá tập trung trên ngọn cây và trên những diện tích đồi núi dốc, nên việc phòng trừ gặp không ít khó khăn.

Để ngăn chặn sâu lây lan sang diện tích rừng bồ đề còn lại của công ty và rừng của người dân, Công ty đã lên phương án và thuê đội phun thuốc bằng thiết bị bay từ Nghệ An ra phun thuốc phòng trừ sâu xanh ăn lá bồ đề.

Ngọn và cành cây bồ đề bị sâu xanh ăn trụi. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Ngọn và cành cây bồ đề bị sâu xanh ăn trụi. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Diện tích bồ đề 3 - 5 năm tuổi chi phí với 2 lần phun thuốc khoảng 5 - 6 triệu/ha. Với diện tích bồ đề tuổi 6 trở lên bị sâu hại nặng và sắp hết chu kỳ chăm sóc, công ty đã lên phương án khai thác sớm. Trung bình, mỗi ha bồ đề tuổi 6 phải khai thác sớm, công ty lỗ từ 20 - 40 triệu đồng.

Với diện tích bồ đề từ 3 - 5 năm tuổi, công ty cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra sâu non lứa tiếp theo để có phương án kịp thời xử lý. Sâu xanh ăn lá bùng phát đợt 1 đã có khoảng 10 - 20% bồ đề bị chết.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái, ông Phạm Đình Vinh cho biết: Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, ngoài diện tích bồ đề bị sâu xanh ăn lá thuộc Công ty Lâm nghiệp Ngòi Lao, còn có các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên cũng đang bị sâu xanh phá hại với khoảng 28,5ha. Trong đó: Huyện Trấn Yên 5ha tại xã Việt Cường; huyện Yên Bình 15ha ở các xã Đại Đồng, Tân Hương, Mông Sơn, Xuân Long; huyện Lục Yên 8,5ha ở các xã Động Quan, Tô Mâu… Thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Yên Bái hiện có 178,5ha bồ đề bị sâu xanh tàn phá.

Diện tích sâu hại bồ đề thường xảy ra ở những khu rừng trồng tập trung thuần loài qua nhiều luân kỳ.

Ngày 30/6/2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái đã ra công văn số 94/TTBVTV-NV về việc tăng cường chỉ đạo phòng trừ sâu xanh ăn lá gây hại trên cây bồ đề.

Những ngày đầu mới phát hiện sâu xanh ăn lá bồ đề, Chi cục đã cử cán bộ xuống địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở kiểm tra thực tế và hướng dẫn bà con cách phòng trừ kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Rừng cây bồ đề bị sâu xanh tàn phá không thể phục hồi được. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Rừng cây bồ đề bị sâu xanh tàn phá không thể phục hồi được. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Trong tháng 6, tháng 7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu xanh ăn lá hại cây bồ đề phát triển và gây hại trên diện rộng. Việc phòng trừ sâu bồ đề gặp không ít khó khăn. Là loài nhạy cảm, chỉ cần phun dính thuốc là chết nhưng vòng đời của sâu bồ đề ngắn, tốc độ sinh sản nhanh, cây bị sâu ăn ở độ cao lên cả chục mét tùy theo độ tuổi của cây.

Việc phun thuốc trừ sâu phải sử dụng bình phun có gắn động cơ máy nổ áp suất cao mới phun được thuốc. Chi phí thuê máy hoặc mua là khá đắt, nên không phải nhà nào cũng có điều kiện dùng được. Một số diện tích bồ đề trồng trên núi cao, việc vận chuyển thiết bị lên phun gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nước để pha thuốc không có sẵn.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Yên Bái, sâu xanh ăn lá bồ đề có sức tàn phá rất nhanh trong thời gian ngắn, liên tục tái phát, có thể kéo dài đến tháng 9, tháng 10/2022. Các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động, thường xuyên kiểm tra đồi, nương để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ có hiệu quả.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.