| Hotline: 0983.970.780

Quan chức lừa đảo bán đất quy mô lớn tại Quý Lộc, Yên Định

Sẽ chuyển hồ sơ để khởi tố nếu vi phạm nghiêm trọng

Thứ Tư 07/12/2022 , 08:00 (GMT+7)

Huyện ủy Yên Định khẳng định, sẽ không bao che cho cán bộ thị trấn Quý Lộc nếu phát hiện vi phạm, thậm chí sẽ chuyển điều tra nếu nghiêm trọng.

Dân "kêu" nhưng không thấu

Liên quan tới việc mua bán đất thông qua “giấy ủy quyền” tại các mặt bằng chưa thông qua đấu giá tại thị trấn Quý Lộc, hiện tại UBND huyện Yên Định đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ phản ánh của công dân. 

Cần phải nói thêm rằng, trước khi huyện Yên Định thành lập đoàn kiểm tra, người dân đã có đơn phản ánh đề nghị chính quyền địa phương làm rõ các dấu hiệu bất thường của cán bộ thị trấn trong việc nhận tiền thực hiện các giao dịch đất chưa qua đấu giá, nhưng không nhận được trả lời thấu đáo. Thậm chí cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu đùn đẩy không giải quyết triệt để vụ việc.

Ông Trịnh Trọng Trưởng (tổ dân phố 4) bức xúc cho biết: "Năm 2018, Chủ tịch UBND huyện Yên Định gửi chuyển đơn của tôi tới thị trấn để giải quyết về việc mua bán đất thông qua giấy ủy quyền, nhưng xã chỉ trả lời qua loa. Vì không nhận được phản hồi thỏa đáng về các nội dung phản ánh, tôi tiếp tục gửi đơn tới huyện để mong được giải quyết thỏa đáng quyền lợi nhưng huyện tiếp tục gửi xuống thị trấn và hướng dẫn thị trấn xử lý nội dung phản ánh".

"Cực chẳng đã", mới đây ông Trưởng cùng một số hộ dân khác làm đơn tố cáo cán bộ thị trấn Quý Lộc về hành vi có dấu hiệu lừa đảo trong việc mua bán đất tại địa phương. Theo chính quyền địa phương, hiện nay có hàng chục hộ dân thực hiện các giao dịch mua bán đất với cán bộ địa chính xã này thông qua giấy ủy quyền. Số tiền cán bộ địa chính thu được lên tới cả tỷ đồng và không nộp vào ngân sách nhà nước.

Sau khi phát hiện hành vi

Ông Trịnh Trọng Trưởng chỉ nhận được văn bản trả lời chung chung của UBND thị trấn. Ảnh: Quốc Toản.

Trao đổi với NNVN về vụ việc nêu trên Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội (ĐBQH đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là vụ việc, phức tạp và có dấu hiệu tiêu cực, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để. 

Vị Đại biểu đặt câu hỏi: “Mặc dù công dân đã có đơn phản ánh, nhưng tại sao những vi phạm đã xảy ra từ năm 2018 đến nay, chưa được xử lý theo quy định của pháp luật? Về mặt quản lý nhà nước, cần xem xét, làm rõ, liệu có dấu hiệu bao che cho những hành vi trên hay không? 

DSC07295

Ông Trịnh Trọng Trưởng tin tưởng và giao cho cán bộ địa chính số tiền 160 triệu đồng với hy vọng sẽ mua được đất, nhưng càng chờ đợi càng thêm thất vọng. Ảnh: Quốc Toản.

Trường hợp cán bộ nhận được phản ánh của người dân xung quanh các tiêu cực về đất đai trong vụ việc này, nhưng không được giải quyết thấu đáo, triệt để theo quy định pháp luật thì phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và cán bộ có liên quan.

“Quá trình kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý vi phạm kể cả người đứng đầu có liên quan để làm gương cho người khác. Để xử lý triệt để vụ việc này, cần sự vào cuộc của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra, xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật. Việc thanh tra, kiểm tra cần áp dụng nguyên tắc công khai, minh bạch và trả lời trước công luận”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Trước vụ việc nêu trên, trao đổi với NNVN, ông Trần Đức Hạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Yên Định cho biết, sẽ không bao che cho cán bộ nếu phát hiện vi phạm có liên quan. 

"Sau khi các ngành chức năng thực hiện kiểm tra thanh tra, nếu phát hiện cán bộ có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo Điều lệ Đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất quan điểm, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thì chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật", ông Trần Đức Hạnh khẳng định.

Không chỉ liên quan tới vụ việc mua bán đất bằng giấy ủy quyền vừa bị phát hiện, mà giai đoạn 2005-2015,  hàng loạt cán bộ tại địa phương này bị xử lý về mặt Đảng và chính quyền nhưng tồn tại về đất đai cũng chưa được xử lý triệt để.

Theo đó tháng 7/2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định đã ban hành quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy xã Quý Lộc (nay là thị trấn Quý Lộc) hình thức cảnh cáo trước những vi phạm về lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân sách... Trong giai đoạn 2005-2015, cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về mặt Đảng 8 đảng viên và ban hành 6 quyết định kỷ luật về mặt chính quyền đối với cán bộ vi phạm.

Trong đó hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ khỏi Đảng đối với Đảng viên vi phạm. Về phía chính quyền, đã xử lý kỷ luật đối với cán bộ đương chức, cụ thể là ông Trịnh Đình Khoa - Chủ tịch UBND nhân thị trấn Quý Lộc nhiệm kỳ 2015-2020 với hình thức kỷ luật khiển trách; ông Nguyễn Văn Đỉnh - Công chức địa chính bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc...

Nói về nguyên nhân của hàng loạt các vi phạm về đất đai tại thị trấn Quý Lộc từ năm 2005-2015, đến nay chưa được khắc phục triệt để, ông Hạnh cho hay: "Trước hết là do công tác quản lý nhà nước tại địa phương còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, cán bộ tham mưu thực hiện không tốt trách nhiệm được giao".

Không chỉ thị trấn Quý Lộc mới tồn tại các vụ việc tiêu cực về đất đai, mà trên địa bàn huyện Yên Định thời gian qua cũng xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng liên quan tới vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án có sử dụng đất.

Cụ thể, mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án ông Lưu Vũ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định và ông Hoàng Văn Phúc, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định vừa bị tòa tuyên án 3 năm tù giam do gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 9 tỷ đồng trong vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, để thực hiện dự án công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định và dự án hạ tầng khu dân cư số 1 thị trấn Quán Lào.

Vì sao vi phạm trong lĩnh vực đất đai vẫn có “cửa sống”?

Không riêng gì huyện Yên định, tỉnh Thanh Hóa mới để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đất đai, thời gian qua, cả nước sôi sục với những vụ án vi phạm nghiêm trọng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Việc hàng loạt cán bộ bị xử lý, thậm chí khởi tố thời gian qua cho thấy, đất đai dường như trở thành miếng mồi ngon để tiêu cực tham nhũng có điều kiện tồn tại.

Hệ quả là hàng loạt cựu quan chức cấp cao dính dáng đến “bê bối” về đất đai bị phát giác. Cán bộ vi phạm bất kể là ai, ở địa phương hay Trung ương, nghỉ hưu hay đương chức đều bị xem xét, làm rõ trách nhiệm khi bị phát hiện vi phạm.

Đánh giá về nguyên nhân của những tiêu cực về đất đai nói chung trong thời gian qua, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng tất cả đều do con người mà ra.

“Đất đai được xem là “miếng mồi” siêu lợi nhuận, bởi lĩnh vực này có sự chênh lệch địa tô lớn. Do vậy, một số cán bộ thoái hóa, biến chất đã cấu kết, hình thành các nhóm lợi ích, để thao túng, trục lợi. Bên cạnh đó, còn hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát ở địa phương, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này còn khá phổ biến.

Mặt khác, trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung, chống tiêu cực trong lĩnh vực đất đai nói riêng, có thời điểm vẫn còn “trên nóng, dưới lạnh”, dẫn đến việc thực hiện còn chưa đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Ngoài ra, việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai còn tồn tại sơ hở dẫn đến việc, cán bộ lợi dụng chức vụ để vi phạm.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Cuông, để bịt lỗ hổng trong quản lý nhà nước về đất đai cần phải gắn trách nhiệm với người đứng đầu, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát từ ban đầu đối với các dự án liên quan tới việc sử dụng đất tiềm ẩn yếu tố nhạy cảm.

“Người đứng đầu có vai trò quan trọng trong việc quản lý đất đai tại địa phương. Nếu địa phương để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu không thể trốn tránh trách nhiệm. Do đó, nếu phát hiện vi phạm phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ và xử lý nghiêm, không kể đó là ai, để tạo tính răn đe chứ không thể quy trách nhiệm một cách chung chung. Xử lý vi phạm về đất đai phải trên nguyên tắc, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. 

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các chính sách đất đai, tăng cường kiểm tra, giám sát ngày từ ban đầu đối với các dự án liên quan tới đất đai, đặc biệt là đối với dự án tiềm ẩn yếu tố nhạy cảm. Giải quyết triệt để các vụ việc khiếu nại đông người, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, ông Cuông cho biết.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.